• Trang chủ
  • Trung tâm khu vực II
  • Tin tức
  • Hoạt động khác

Hội nghị triển khai công tác phối hợp quản lý tần số vô tuyến điện khu vực Đông Nam bộ

10/12/2018

(rfd.gov.vn)- Ngày 07/12/2018, tại Thành phố Mỹ Tho, Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị giao ban triển khai công tác quản lý tần số vô tuyến điện trên địa bàn 09 tỉnh, thành phố: Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An và Tp. Hồ Chí Minh. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn; lãnh đạo các cơ quan: Văn phòng Bộ TTTT tại Tp. Hồ Chí Minh, Trung tâm Tần số VTĐ khu vực II, 09 Sở TTTT; đại diện một số đơn vị thuộc Cục Tần số VTĐ, Trung tâm II và các Sở TTTT trên địa bàn. Toàn cảnh Hội nghị

Theo Báo cáo do ông Lâm Minh Trung - Phó Giám đốc, Phụ trách Trung tâm II trình bày tại Hội nghị, năm 2018, Trung tâm II và các Sở TTTT trên địa bàn đã triển khai tốt các nội dung của Kế hoạch phối hợp quản lý nhà nước về tần số VTĐ năm 2018, như: Tổ chức nhiều đợt tuyên truyền pháp luật về tần số cho các cơ quan và cán bộ làm công tác quản lý, cho các khu chế xuất, khu công nghiệp và các tổ chức, cá nhân, trong đó tuyên truyền sâu rộng về các loại thiết bị VTĐ không có hợp chuẩn, hợp quy gây can nhiễu đến các đài VTĐ. Đặc biệt, Trung tâm đã triển khai thường xuyên hoạt động tuyên truyền đến từng khu dân cư, tổ dân phố tại 24/24 quận huyện, các khách sạn và cơ sở lưu trú trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh về điện thoại không dây chuẩn DECT 6.0 gây can nhiễu mạng di động; tổ chức nhiều đợt phối hợp liên ngành khảo sát, cấp giấy phép tần số tại chỗ cho ngư dân; phối hợp, tham mưu cho UBND các tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành công tác quản lý tần số tại địa phương, trong đó chú trọng đến quản lý các thiết bị truyền thanh không dây, thiết bị trên tàu thuyền đánh bắt xa bờ và thiết bị ứng dụng vô tuyến theo chuẩn DECT 6.0.

Tiếp tục triển khai giai đoạn III của Đề án số hóa truyền hình mặt đất theo kế hoạch của Bộ TTTT; phối hợp thực hiện 04 đợt thanh tra, kiểm tra định kỳ và tiến hành kiểm tra đột xuất, xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm; đo kiểm chất lượng đối với hàng chục đài và giải quyết cấp phép cho 186 đài truyền thanh không dây; tuyên truyền, hướng dẫn và cấp phép cho 413 phương tiện đánh bắt của ngư dân; phối hợp tiếp nhận hồ sơ cấp phép và chuyển giao giấy phép cho hàng trăm mạng đài vô tuyến điện; giải quyết nhiều vụ can nhiễu, đặc biệt là can nhiễu cho mạng thông tin di động 3G do các thiết bị DECT 6.0 và repeater gây ra;... 

Tại Hội nghị, các Sở TTTT nhất trí cao với nội dung tổng kết, đánh giá công tác phối hợp năm 2018 và kế hoạch phối hợp năm 2019 giữa Trung tâm II và các Sở. Cùng với đó, các Sở kiến nghị thời gian tới tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng các đài TTKD và thiết bị không hợp chuẩn, không có chứng nhận hợp quy; công tác kiểm soát tần số, phòng tránh can nhiễu; phối hợp quản lý, sử dụng tần số giữa dân sự - an ninh - quốc phòng tại địa phương; quản lý các thiết bị công nghệ mới có sử dụng tần số, đặc biệt là các thiết bị công suất thấp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và internet kết nối vạn vật (IoT); tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực đo, đánh giá thiết bị vô tuyến điện cho các Sở TTTT để đáp ứng yêu cầu hoạt động quản lý tần số trong giai đoạn sắp tới, với nhiệm vụ mới, quản lý an toàn bức xạ vô tuyến điện; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các Sở trong công tác triển khai giai đoạn III của Đề án Số hóa truyền hình, đặc biệt là việc hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ cung cấp đầu thu STB cho các hộ nghèo và cận nghèo; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý tần số cho cán bộ, công chức của các Sở TTTT.

Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Lê Văn Tuấn phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Lê Văn Tuấn đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa Trung tâm II và các Sở TTTT trong năm 2018, đặc biệt các Sở TTTT đã tích cực khai thác cơ sở dữ liệu về giấy phép để phục vụ công tác theo dõi, thống kê, quản lý tần số của địa phương. Phó Cục trưởng đề nghị thời gian tới, hai bên cần chú ý nghiên cứu tổ chức tốt các hoạt động kiểm soát lưu động và thanh - kiểm tra định kỳ phù hợp với tình hình nhân lực, kinh phí và phương tiện, thiết bị hiện có; phối hợp rà soát, triển khai tốt việc hỗ trợ đầu thu STB trong khuôn khổ Đề án Số hóa truyền hình; nắm chắc tình hình địa phương và triển khai cấp phép cho các tàu cá, nhất là các tàu đánh bắt xa bờ.

“Cục Tần số VTĐ và các Sở TTTT cần tiếp tục đẩy mạnh phối hợp để xử lý nhanh, gọn mọi vấn đề phát sinh trong thực tiễn” - Phó Cục trưởng Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng đánh giá cao sự phối hợp có truyền thống và chiều sâu giữa Cục Tần số và các Sở TTTT đã đem lại nhiều kết quả rất tốt, nhất là hoạt động trao đổi thông tin, giao ban công tác có vai trò quan trọng và vì thế cần được duy trì, nhân rộng.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đã trực tiếp giải đáp nhiều vấn đề thực tiễn được đại biểu các Sở TTTT nêu ra.

Thứ trưởng chỉ đạo thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt 03 Đề án lớn có liên quan đến lĩnh vực quản lý tần số (Số hóa truyền hình mặt đất, quản lý tàu cá và quản lý TTKD), Cục Tần số VTĐ, Trung tâm II và các Sở TTTT cần chủ động phát huy vai trò của mình. Các Sở TTTT cần phát huy vị trí hạt nhân quan trọng trong việc tham mưu đề xuất, định hướng cũng như trực tiếp đảm nhiệm các khâu thiết yếu trong xây dựng, vận hành các hệ thống hạ tầng lõi của Văn phòng điện tử và Chính phủ điện tử, đặc biệt là mảng kỹ thuật, công nghệ.

 Trước xu hướng kết nối không dây giữa thiết bị với thiết bị, giữa người sử dụng với nhau và với các cơ quan, tổ chức, việc ứng dụng các thiết bị IoT sẽ ngày càng tăng, nguy cơ can nhiễu do xung đột về thiết bị, công nghệ, mục đích sử dụng là khó tránh khỏi. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu song song với việc tăng cường công tác kiểm soát tần số, nắm chắc địa bàn và xử lý nhanh, dứt điểm can nhiễu, các đơn vị cần phải thực hiện đẩy mạnh phối hợp với các ngành hữu quan như Hải quan và Quản lý thị trường để quản lý chặt chẽ nguồn cung, ngăn chặn thiết bị kém chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn đưa vào sử dụng, đồng thời góp phần giúp công tác quản lý hợp quy, hợp chuẩn và an toàn bức xạ được hiệu quả hơn.

Lê Tùng -TT2.