Đây là nét đẹp, trở thành phong trào thường xuyên, là truyền thống của cơ quan.
Và đã thành thông lệ - nhân kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ - sáng ngày 27/7/2012, Lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cùng Cán bộ công chức Trung tâm đến đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sỹ tại Đài Tưởng niệm ngành Bưu điện Quảng Nam-Đà Nẵng đã anh dũng hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc; Dâng hương tại Bia tưởng niệm ‘7 Dũng sỹ Điện Ngọc’; Tặng hoa và sổ Tiết kiệm cho 02 Thương binh.
Khu V - Quảng Đà là địa bàn chiến lược, quan trọng trong khu vực, vì Đà Nẵng là thủ phủ của miền Trung ngày đó, nơi có sân bay bến cảng lớn.. Vì thế chiến trường Quảng Đà rất khốc liệt, có nhiều trận đánh gan dạ, dũng cảm của quân và dân ta vào đầu não kẻ thù ở vùng chiến lược này.
Dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù, con người nơi đây vẫn bám làng bám xóm, họ là nơi bao bọc chở che bao chiến sỹ cách mạng..
Họ là người dân chân chất một nắng hai sương bên ruộng lúa nương khoai, sẵn sàng theo cách mạng. Khi cần họ là người Giao bưu thông tin liên lạc cho cán bộ nằm vùng, là du kích dũng cảm bảo vệ xóm làng, hay là chỗ dựa vững chắc cho cơ sở..
Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, hàng ngàn đồng bào chiến sỹ tại chiến trường này đã hy sinh anh dũng, trong đó có hơn 600 chiến sỹ Giao bưu ngành Bưu điện tại QNĐN đã ngã xuống để bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc của tỉnh nhà.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 35 năm, song nỗi đau vẫn còn đọng lại trên mảnh đất ‘Trung dũng, kiên cường..’ này.
Chứng tích của cuộc kháng chiến đẫm máu vẫn còn đây. Đau thương mất mát vẫn còn đây.
Hòa bình lập lại, những người chiến sỹ trở về đời thường với những phần thân thể của họ còn để lại chiến trường. Tàn nhưng không phế. Dù mất mát, dù đau thương, họ vẫn cố vươn lên, vẫn lạc quan yêu đời, và sống có niềm tin vào ngày mai.
Họ vẫn luôn nhận được sự đùm bọc, yêu thương của bà con xóm giềng, của cộng đồng và xã hội. Họ luôn tự hào là tấm gương sáng cho con cháu noi theo, xúc động với những tấm lòng tri ân của mọi người trước nỗi đau mất mát mà thế hệ cha ông đã cống hiến..
Dù đất nước vẫn còn khó khăn, hướng về cội nguồn, hướng về những ‘địa chỉ đỏ’.. là việc làm không chỉ đậm tính nhân văn mà là trách nhiệm và nghĩa cử cao đẹp của CBCC nói riêng, nhân dân cả nước nói chung, đúng như đạo lý của dân tộc ta ‘ăn quả nhớ người trồng cây’…
Một số hình ảnh hoạt động của CBCC Trung tâm Tần số VTĐ khu vực III, nhân kỉ niệm 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ:
Vòng hoa của Trung tâm Tần số VTĐ khu vực III viếng các Anh hùng Liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc nhân 65 năm ngày Thương binh Liệt sỹ.
Kính dâng lên anh linh các Anh hùng Liệt sỹ ngành Giao bưu..
Lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn, CBCC dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ..
.. tại Đài Tưởng niệm Liệt sỹ ngành Bưu điện.
Tri ân hơn 600 chiến sỹ Giao bưu của Quảng Nam-Đà Nẵng mãi mãi nằm lại chiến trường..
Dâng hương tại Đài tưởng niệm ‘7 Dũng sỹ Điện Ngọc’ đúng tròn 50 năm kỷ niệm trận thắng Dũng sỹ Điện Ngọc.. (Điện Bàn, Quảng Nam)
Vào ngày 26.4.1962 tại ao Giếng Nhà Nhì này các Dũng sĩ Điện Ngọc chiến đấu chống trả quyết liệt với hơn 2000 tên địch, lập nên chiến công vang đội khắp đất nước. Trận đánh đã đi vào sử sách. Đây là mốc son sáng của lực lượng vũ trang Quảng Nam, mở màn cho phong trào đồng khởi đánh Mỹ Diệm, là những tấm gương sáng ngời động viên hàng hàng, lớp lớp thanh niên, hăng hái lên đường tòng quân đánh Mỹ, giải phóng đất nước
Thăm và tặng Sổ Tiết kiệm mệnh giá 1 triệu đồng cho cô Nguyễn Thị Ngôn- người thương binh ¼ sống tại nhà tình nghĩa của Ngành ở Điện Bàn, Quảng Nam. Vào những ngày đầu sau giải phóng, trở về cuộc sống đời thường với bao vất vả, khó khăn, đồng lương ít ỏi.. Cô vẫn ngày đêm tăng gia sản xuất, nhận hơn 1 sào ruộng lúa cấy, nuôi thêm gà vịt.. để chi phí trang trải cho gia đình.. Một gương sáng đầy nghị lực của người thương binh nặng của Ngành, tàn nhưng không phế. Trong cuộc nói chuyện với CBCC, Đoàn TN của Trung tâm, Cô vẫn cho mình là may mắn trở về thời bình, khi đồng đội Cô - 2/3 đã ở lại chiến trường. Giờ đây trong giấc ngủ của người thương binh vẫn chập chờn giấc mộng về những trận đòn roi, đánh đập dã tâm của kẻ thù..
Thăm và tặng quà cho cô Phan Thị Bích Huệ - thân nhân CBCC của Trung tâm 3 (mẹ vợ ông Dương Tiến Dũng) – thương binh ¾. Cô Huệ hồi tưởng: Năm 1965, Cô bị thương bởi B52 ném bom vào đơn vị Ban Thông tin vô tuyến điện của khu V tại chiến trường Trà My (Quảng Nam). Trận ném bom kinh hoàng của kẻ thù trên dải núi cao đã cướp đi 14/17 người của đơn vị Cô..