Sôi động thị trường truyền dẫn số
Ngoài những doanh nghiệp quen thuộc trong vấn đề truyền dẫn, phát sóng như: VTV, VTC, AVG rất muốn trở thành đối tác chính cung cấp dịch vụ truyền dẫn trong quá trình chuyển giao bằng những tiềm lực sẵn có. Tại hội thảo có nhiều ý kiến cần lập ra các doanh nghiệp truyền dẫn khác để tạo ra tính cạnh tranh, đưa đến những những dịch vụ tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng truyền hình số.
Hội thảo đã có 3 đài bao gồm: Đài Truyền hình TP.HCM (HTV); Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) và Đài truyền hình Việt Nam (VTV) muốn trở thành đơn vi “chào hàng” đứng ra đảm nhiệm, cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình tại khu vực này.
Cả 3 đơn vị này, đều đưa ra những phương án triển khai khác nhau nhằm thu hút sự lựa chọn của các khách hàng trong khu vực. Dựa trên những cơ sở hạ tầng hiện có (cơ sở vật chất và con người) và tiềm lực tài chính hiện có.
Vị đại diện HTV cho biết, theo tính toán thiết kế, vùng phủ sóng của hệ thống truyền hình số mặt đất (mạng đơn tần SFN) sẽ bao gồm toàn bộ khu vực Nam Bộ gồm 17 tỉnh và 2 thành phố trực thuộc trung ương là TP.Hồ Chí Minh và Cần Thơ; Tổng thể mạng SFN sẽ bao gồm 10 trạm phát sóng và phát theo chuẩn DVB-T2 để tận dụng tốt tài nguyên tần số, truyền dẫn được nhiều kênh chương trình.
Theo kết quả tính toán mô phỏng vùng phủ sóng, mạng truyền hình số mặt đất của HTV khi được triển khai hoàn thiện vào năm 2015 sẽ phủ sóng được 58 ngàn km2, tương đương 90.4% diện tích khu vực, cấp tín hiệu truyền hình đến hơn 30 triệu người dân và chiếm hơn 93% cư dân khu vực Nam Bộ.
Tuy nhiên, vị đại diện Đài Vĩnh Long lại cho rằng, với khu vực rộng lớn mà chỉ có 10 trạm phát sóng là quá ít, mà cần phải có đến 30 trạm phát sóng. Đồng thời, vị này còn giới thiệu về năng lực tài chính của đài THVL hiện có hơn 1.000 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Đây là điều kiện tài chính đảm bảo đi kèm với kế hoạch, chương trình đảm nhận truyền dẫn, phát sóng truyền hình số cho toàn khu vực.
Có rất nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng, cần phải có từ 2 đến 3 doanh nghiệp để các tỉnh lựa chọn. Tuy nhiên, vị đại diện Đài HTV lại có ý kiến, chỉ cần một đơn vị cung cấp là đủ.
Cổ phần hóa đơn vị truyền dẫn, phát sóng
Khi các đơn vị muốn làm “nhạc trưởng” trong quá trình số hóa truyền hình ở khu vực đồng bằng Nam Bộ, hội thảo đã đưa ra những phương án tối ưu để các khách hàng lựa chọn.
Ông Nguyễn Trung Nhân – Giám đốc Sở TT&TT TP. Cần Thơ, cho rằng, nếu ngưng đột ngột phát sóng từ ATV sang DTV thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong nguồn thu cho các đài tỉnh hiện hành. Không còn nguồn thu nữa thì rất khó khăn trong việc trang trải cho đài.
Cũng theo ông Nhân, phương án đưa ra là một là cùng song song phát sóng giữa ATV và DTV, hoặc đồng loạt hạ xuống một lần. Và trên mỗi khu vực ít nhất cần có 3 đơn vị “chào hàng” trên 1 địa bàn, để tạo điều kiện cạnh tranh và quyền lựa chọn là khách hàng.
Còn phía đại diện khách hàng ở Bà Rịa Vũng Tàu lại có quan điểm riêng: Chúng tôi băn khoăn là mô hình doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng, các đài địa phương luôn muốn được quảng bá trên toàn quốc chứ không phải chỉ có khu vực.
Tiếp đến, nguồn thu của truyền hình chủ yếu từ việc quảng cáo và liệu sau khi chuyển giao sang truyền dẫn số có dẫn đến việc độc quyền trong phát sóng?
Vị này cũng tiên lượng khi chuyển đổi sang mô hình quản lý doanh nghiệp, mà đã là doanh nghiệp làm ăn phải có lợi nhuận. Liệu các nhiệm vụ tuyên truyền chính trị địa phương có được thực hiện được như trước? Bởi doanh nghiệp có thể “bất chấp” vì lợi nhuận, thì sự ổn định trong phát thanh truyền hình có gặp khó?
Giai đoạn này ai sẽ thực hiện chức năng truyền dẫn phát sóng. Sự phát triển về công nghệ, đội ngũ nhân sự, đưa ra sản phẩm chất lượng. Các đài phải sản xuất sản phẩm HD trong tương lai sẽ phải giải quyết ra sao?
Vị đại diện của Bà Rịa – Vũng Tàu ủng hộ 2 doanh nghiệp ở miền Đông Nam Bộ có HTV và miền Tây Nam Bộ có THVL. Và, nên áp dụng mô hình doanh nghiệp cổ phần cùng nhau góp vốn, đảm bảo lợi ích các bên.
Ngoài ra, đại diện các đài khác như: Bình Dương, An Giang, Đồng Nai…đều đồng ý với kiến nghị thành lập Công ty cổ phần, góp vốn và hướng đến sự phát triển lâu dài.
Ông Lê Nam Thắng -Thứ trưởng Bộ TT&TT đánh giá sau khi kết thúc hội thảo: Qua nhiều ý kiến đóng góp, những thông tin có được là rất bổ ích, giúp Bộ đưa ra phương án tối ưu nhất sắp tới.
Thứ nhất: Phần lớn chính sách hình thành thị trường truyền dẫn các đợn vi đều ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Hiện dùng chung cơ sở hạ tầng để giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng phát sóng.
Thứ hai: Nói đến thị trường phải có 3 đến 4 doanh nghiệp để có sự cạnh tranh, hoạt động theo luật doanh nghiệp để có sự lựa chọn.
Thứ ba: Khi đã hình thành thị trường thì phải có môi trường cạnh tranh bình đẳng và tránh sự đối xử không công bằng giữa các đài như: VTV, HTV, VTC, AVG…
Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng nhấn mạnh: “Đưa ra cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo thông tin, nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó. Còn những gì không liên quan đến nhiệm vụ này thì đài phải tự lo theo cơ chế thị trường cạnh tranh”.
Lộ trình chuyển giao ở khu vực đồng bằng Nam Bộ
Trong tổng thể chương trình truyền hình số hóa trên phạm vi cả nước gia đoạn 2015 đến 2020, tại 19 tỉnh thành khu vực đồng bằng Nam Bộ và phụ cận sẽ được triển khai theo lộ trình như sau:
Nhóm 1: tại TP.HCM, TP. Cần Thơ sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31/12/2015.
Nhóm 2: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Hậu Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự từ ngày 31/12/2016.
Nhóm 3: Bình Phước, Tây Ninh, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang sẽ ngừng phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31/12/2018 (gọi tắt là từ ATV sang DTV).