Hội nghị thường niên lần 3 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về quản lý phổ tần số

15/05/2017

(rfd.gov.vn)- Từ ngày 02 đến 03/5/2017 tại thủ đô Băng-cốc, Thái Lan đã diễn ra Hội nghị thường niên lần 3 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về quản lý phổ tần số. Hội nghị do Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) phối hợp với Tổ chức Viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương (APT) tổ chức.

Hội nghị có sự tham gia của Văn phòng ITU, Tổng Thư ký APT, các diễn giả và đại diện đến từ các cơ quan quản lý tần số trong khu vực, như: Trung Quốc, Thái Lan, Australia, Lào, Cam-pu-chia, Băng-la-đét, Myanma,...; các tổ chức nghiên cứu phát triển, các nhà sản xuất thiết bị, linh kiện, như: GSMA, GSA, LS telecom, Huawei, Ericsson, Qualcom, Intel, Motorola, Nokia, NTT Docomo,...; các công ty tư vấn về đấu giá phổ tần số như Coleago, FTI, Specure. Đoàn Việt Nam do ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ làm trưởng đoàn đến dự Hội nghị.

Toàn cảnh phiên khai mại Hội nghị thường niên lần 03
Hội nghị lần này xoay quanh các nội dung chính về quản lý phổ tần số dành cho các công nghệ băng rộng, IoT và giá trị phổ tần.

Kết quả nghiên cứu cập nhật

Theo kết quả nghiên cứu của GSMA trình bày tại Hội nghị về tình hình sử dụng băng tần, trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có  Australia và Singapore đã bán băng tần 700MHz. Theo thống kê của tổ chức này, hiện đã có 25 mạng thông tin di động thương mại sử dụng băng tần này và trên 600 chủng loại thiết bị hỗ trợ.

Số lượng các mạng di động sử dụng phương thức phân chia song công theo thời gian (TDD) có xu hướng tăng và có tiền năng phát triển. Nghiên cứu của GTI cũng chỉ ra, hiện có khoảng 774 MHz có thể quy hoạch TDD so với 405 MHz song công theo tần số (FDD) đang được sử dụng; đã có trên 600 nhà mạng của 135 quốc gia có giấy phép sử dụng băng tần TDD.

Theo nghiên cứu của Huawei, di động băng rộng đang phát triển nhanh hơn nhiều so với cố định băng rộng, nhưng tại các quốc gia ASEAN việc chuyển đổi các hệ thống cố định băng rộng còn chậm. Hiện nay, các băng tần cao trên 3GHz vẫn chỉ được dùng chủ yếu cho mạng cố định, trong khi có tới 90% các mạng di động sử dụng băng tần dưới 2.1GHz tại châu Á. Do đó, cần chính sách trung lập công nghệ cho phép triển khai cả hệ thống cố định và di động băng rộng đồng thời trên các băng tần, quy hoạch lại các băng tần 2G, 3G cho phép sử dụng cho cả 4G và 5G.

Liên quan tới tầm nhìn về mạng 5G, Analysys mason cho rằng với yêu cầu của 5G là độ trễ thấp và tốc độ truyền dẫn cực cao, 5G sẽ cần thêm các băng tần mới có băng thông lớn, 5G sẽ là sự tích hợp của nhiều công nghệ. Trong khi đó, Nokia cho rằng công nghệ 5G sẽ thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với nhiều ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo, công nghệ đám mây, robot,...

Về các băng tần cho 5G, một số nhà nghiên cứu cho rằng 5G sẽ cần cả băng tần dưới 1GHz (cho vùng phủ) và băng tần C, băng tần trên 24GHz (cho tốc độ cao) để phục vụ nhiều người dùng. Hiện Châu Âu cũng đang nghiên cứu sử dụng băng tần 700 MHz cho 5G.

Đối với băng tần tiềm năng cho 5G trong dải tần 24.25-86 GHz được đề cập tại nội dung nghiên cứu hướng tới WRC-19, hiện vẫn còn có một số quan điểm khác nhau. SES Proprietary and Confidental cho rằng việc xác định sử dụng các băng tần này cho 5G có thể gây khó khăn cho thông tin vệ tinh. Ví dụ, mặc dù băng tần 28GHz đang được sử dụng cho các vệ tinh Inmarsat Global Xpress, Kacific và OneWeb, nhưng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đã thử nghiệm và có ý định triển khai 5G trên băng tần này.

Với vấn đề IoT, nghiên cứu của Ericsson cho biết 70% (khoảng 29 tỉ) thiết bị IoT sẽ sử dụng công nghệ mạng tế bào vào năm 2022. Vùng phủ có thể tập trung ở khu vực thành thị, nơi đông dân cư với nhiều dịch vụ và yêu cầu khác nhau. Các dịch vụ từ IoT có thể mang lại nguồn thu mới cho các nhà cung cấp di động.

Về băng tần và yêu cầu cho IoT, GSMA cho rằng lượng phổ tần phụ thuộc vào yêu cầu về truyền dẫn của ứng dụng. Công nghệ 5G có thể đóng một vai trò khi cung cấp được các dịch vụ có độ trễ thấp. Các nhà xây dựng chính sách nên chấp nhận các dịch vụ, công nghệ trung lập để hỗ trợ cho IoT mạng tế bào; đồng thời làm việc với giới công nghiệp di động để hỗ trợ IoT trong quy hoạch băng tần cho 5G.

Hiện trạng quản lý tần số tại một số quốc gia lân cận

Tại Hội nghị, Myanma thông báo có kế hoạch quy hoạch và cấp phép các băng tần 1800MHz và 700MHz cho thông tin di động trong giai đoạn 2017-2018; nước này đã đấu giá băng tần 2,6GHz (đoạn quy hoạch TDD) cho các truyền dẫn cố định băng rộng.

Lào có kế hoạch bổ sung 350MHz trong giai đoạn 2017-2018 và thêm 340MHz nữa trong giai đoạn 2019-2020.

Thái Lan đưa ra chính sách về cấp phép chia sẻ (licensed sharing) trên băng tần E (71-76/81-86GHz) cho kế hoạch triển khai 5G.

Trung Quốc đã quy hoạch 687MHz cho thông tin di động, trong đó 522MHz đã được cấp phép cho 03 nhà cung cấp. Nước này đã có những thử nghiệm về 5G từ năm 2016 và triển khai thương mại công nghệ Massive MIMO từ năm 2017. Theo kế hoạch 05 năm lần thứ 13, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh phát triển 5G và dự kiến triển khai 5G vào năm 2020.

Tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn đã trình bày tham luận về các vấn đề phải đối mặt khi quy hoạch băng tần 700MHz cho thông tin di động và giới thiệu hiện trạng, lộ trình sử dụng, quy hoạch băng tần 700MHz đến năm 2020 tại Việt Nam. Việt Nam phấn đấu tổ chức đấu giá được băng tần 700MHz trong giai đoạn 2019-2020.

Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn trình bày tham luận tại Hội nghị

Giá và đấu giá phổ tần

Theo Nera economic consulting phân tích từ 60 quốc gia, giá phổ tần số và giá khởi điểm đấu giá tần số có xu hướng tăng từ năm 2008 đến nay. Điều này phù hợp với nhu cầu cần thêm phổ tần để cung cấp các dịch vụ dữ liệu. Tuy nhiên, việc đặt giá quá cao có thể gây ảnh hưởng xấu tới cuộc đấu giá và doanh nghiệp. Telenor group thì đưa ra quan điểm rằng giá phổ tần số sẽ có chu kỳ giảm trong tương lai; xã hội chứ không phải doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc có thêm phổ tần số và công nghệ mới.

Tiếp nối Hội nghị thường niên khu vực lần 03, chiều ngày 03/5 và ngày 04/5/2017, cũng tại Thái Lan, Liên minh Viễn thông quốc tế đã tổ chức“Hội thảo khu vực về quản lý phổ tần trong thời đại truyền thông không dây”.

Tại Hội thảo, đại diện cơ quan quản lý tần số của các quốc gia trong khu vực, đã trình bày các tham luận tập trung vào các nội dung về số hóa truyền hình, xu hướng quản phổ tần, phối hợp về giải quyết nhiễu biên giới. Đoàn Việt Nam đã trình bày về quy hoạch và cấp phép băng tần cho thông tin di động; giới thiệu lộ trình cấp phép băng tần cho 4G tại Việt Nam.

Đại diện Đoàn Việt Nam trình bày tham luận tại Hội thảo

Hội thảo cũng dành thời gian để các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các vấn đề  liên quan đến hoạt động quản lý tần số tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

Xuân Trường