Ngày 8/6/2017, Cục Tần số Vô tuyến điện (VTĐ) tổ chức Hội thảo quốc tế “Quản lý tần số đối với vô tuyến băng rộng và IoT”. Tham gia Hội thảo có đại diện của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công an, cơ quan quản lý tần số VTĐ Pháp, Lào, Myanmar, GSMA, Ericsson, Huawei…
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh: Trong những năm vừa qua, với chính sách tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực TT&TT, thị trường dịch vụ thông tin di động đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có mật độ thuê bao viễn thông cao trên thế giới, với tổng số thuê bao di động đạt hơn 120 triệu. Bốn nhà mạng di động đã được cấp phép dịch vụ 4G và bước đầu đi vào hoạt động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển hạ tầng băng thông rộng, tạo điều kiện cho việc đẩy mạnh IoT. Năm 2016, doanh thu lĩnh vực viễn thông đạt 365.500 tỷ đồng (16,5 tỷ USD), tăng 7,5% so với năm 2015, đóng góp khoảng 27,32% vào tổng doanh thu toàn Ngành. Về tổng nộp ngân sách nhà nước, lĩnh vực viễn thông đạt 50.396 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm 2015 và đóng góp khoảng 34,54% vào tổng nộp ngân sách nhà nước của Ngành.
Bộ trưởng khẳng định: “Những kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của lĩnh vực dịch vụ thông tin di động”. "Trong kỷ nguyên số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hiện nay, hạ tầng viễn thông CNTT, hạ tầng băng rộng di động đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi Bộ TT&TT cần tiếp tục có những chính sách hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ đối với hạ tầng viễn thông CNTT nói chung, hạ tầng băng rộng di động nói riêng", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo nhận định của ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, vô tuyến băng rộng động đang là xu hướng tất yếu của ngành Viễn thông, được các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp viễn thông, nhà cung cấp thiết bị đặc biệt quan tâm. Tại Việt Nam, thông tin di động đã có bước phát triển mới trong năm 2017 với việc các nhà cung cấp dịch vụ triển khai mạng 4G-LTE trên băng tần 1800 MHz. Tốc độ truy cập băng rộng vô tuyến đã tăng lên đáng kể. Hiện nay, Bộ TT&TT đang chuẩn bị đấu giá băng tần 2,6 GHz để các nhà mạng tiếp tục mở rộng mở rộng và nâng cao tốc độ mạng 4G, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người sử dụng.
Tuy nhiên, bên cạnh các yếu tố về yêu cầu tốc độ và nhu cầu dữ liệu truyền thống, ông Hoan cho rằng hiện đã và đang xuất hiện các nhu cầu mới mà công nghệ di động hiện tại chưa đáp ứng được đầy đủ, đó là các yêu cầu về kết nối dữ liệu siêu rộng với tốc độ dữ liệu siêu cao, nhu cầu kết nối IoT với số lượng truy cập lớn, yêu cầu kết nối di động với độ tin cậy siêu cao và độ trễ cực thấp.
Dự báo tới năm 2022 sẽ có 29 tỉ thiết bị kết nối qua mạng di động (cellular). Nhu cầu sử dụng dữ liệu, kết nối tăng mạnh. 5G sẽ cho phép kết nối thống nhất và định hình lại một loạt các ngành công nghiệp như giải trí, ô tô, điều khiển, an toàn, cứu nạn, dịch vụ hàng hóa, năng lượng, hạ tầng cơ sở, dịch vụ hàng hóa và bán lẻ…
Tại Hội nghị, ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ đã trao đổi về việc chuẩn bị phổ tần cho 5G trong kỷ nguyên IoT. Theo đó, trong tương lai, 80% - 90% thời gian con người làm việc và sinh sống trong nhà (indoor), chỉ khoảng 20% ở ngoài nhà (outdoor), bởi vậy nhu cầu sử dụng dữ liệu sẽ tăng nhiều khi mọi người trong nhà, nên cơ quan quản lý, nhà mạng cần có giải pháp đáp ứng xu hướng này.
Thứ hai là khi mọi thứ trở nên thông minh hơn, từ điện thoại thông minh đến nhà thông minh, thành phố thông minh, ô tô thông minh… thì sẽ có hàng tỷ kết nối. Ví dụ, vào năm 2016 chỉ có 35% kết nối IoT, tuy nhiên dự kiến con số này sẽ đạt 63%, tăng 13 triệu thiết bị kết nối IoT vào năm 2022.
Để chuẩn bị cho 5G, IoT và cách mạng công nghiệp 4.0, khác với nhiều nước, Việt Nam đã đi tương đối sớm khi mở băng tần 5 GHz cho sử dụng WiFi và LTE không giấy phép (unlicensed). Năm 2016, Bộ TT&TT đã ban hành Thông tư cho phép sử dụng LTE 4G. Đầu năm nay, Bộ TT&TT tiếp tục ban hành thông tư mới cho phép sử dụng các băng tần trước đây các nhà mạng đã được cấp phép dùng 2G chuyển sang được dùng 3G, 4G. Băng tần mới nhất là băng tần 2100 MHz cũng đã được chấp thuận cho sử dụng, phát triển 4G.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn cấp thêm băng tần để đáp ứng nhu cầu về dữ liệu. Sau Hội nghị Vô tuyến thế giới (WRC) 2015, Việt Nam đã đưa vào quy hoạch phổ băng tần quốc gia như các phổ băng tần 1,5 GHz, băng 3300 - 3400 MHz, 4800 - 4900 MHz. Sắp tới, để chuẩn bị cho WRC 2019, Việt Nam tiếp tục xem xét bổ sung thêm băng tần 2,4 GHz cho 5G.
Đối với nhu cầu IoT trong nhà, ông Tuấn cho biết Bộ TT&TT đã có một số chính sách mới, như đưa thêm băng tần 60 GHz cho công nghệ không dây WiGig cho kết nối tốc độ cao các đồ đạc, thiết bị trong nhà, đưa thêm các băng tần cho sạc không dây (Samsung, Apple), tần số cho radar ôtô. Tất cả các hãng ô tô Việt Nam đã được khuyến cáo không dùng băng 24 GHz, mà chuyển sang băng mới 76 - 81 GHz theo quy định của Bộ TT&TT. Tất cả các xe ô tô mới nhập về hoặc sản xuất ở Việt Nam phải tuân theo yêu cầu này.
Cục Tần số VTĐ đang kết hợp với Viettel triển khai một số bài toán thử nghiệm chính sách như tăng công suất lên có được không, nếu làm trong môi trường tăng băng tần không phép có gây nhiễu cho các hệ thống được cấp phép hay không. Tất cả nhằm xác định sau này nên cấp phép loại nào hay dành riêng.
Ông Tuấn cũng cho biết Việt Nam cũng đang tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế như ITU và các tổ chức khu vực để cùng tham gia thảo luận, xây dựng chính sách chung. Đó là những công việc Bộ TT&TT đã chuẩn bị, chủ động chuẩn bị nắm bắt về mặt chính sách để chuẩn bị cho kỷ nguyên 5G.
Ông Peng Zhao, Giám đốc chính sách phổ tần khu vực của GSMA cho biết đã có nhiều nhà khai thác chuẩn bị cho 5G. Chúng ta cần sử dụng 5G như là một nền tảng để phát triển các ứng dụng khác nhau, là một nền tảng để cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đại diện của GSMA cũng lưu ý một điểm khi cấp phép tần số phải đảm bảo trung lập công nghệ để tái sử dụng tần số cấp phép cho 3G, 4G và 5G. Theo đó, chính phủ các nước cũng cần có những chính sách, chương trình trong triển khai băng rộng 5G quốc gia và phải đảm bảo tần số được cấp phép không được tính phí quá lớn để không tạo gánh nặng cho DN khi triển khai 5G…