Hiện Bộ TT&TT đã cấp phép cho triển khai 4G cho 4 nhà mạng là Viettel, MobiFone, VNPT và Gtel trên băng tần 1800 MHz đã được cấp trước đó. Tuy nhiên, Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, khi các mạng di động cung cấp 4G trên tần số 2.6 GHz mới thực sự đem lại tốc độ cao cho 4G. Trong đợt đấu giá này sẽ có 4 giấy phép băng tần được cấp phép lần này, trong đó có 3 giấy phép là 40 MHz và có 1 giấy phép chỉ có 20 MHz. Cụ thể, khối băng tần A2-A2’: 2.510-2.530 MHz và 2.630-2.650 MHz sẽ có 40 MHz, khối băng tần B-B’: 2.530-2.550 MHz và/ 2.650-2.670 MHz có 40 MHz và khối băng tần C-C’: 2.550-2.570 MHz và 2.670-2.690 MHz có 40 MHz. Riêng khối băng tần A1-A1’: 2.500-2.510 MHz và 2.620-2.630 MHz chỉ có 20 MHz.
Hiện Việt Nam có 5 mạng di động là Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel và Vietnamobile. Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, mỗi doanh nghiệp viễn thông sẽ chỉ được cấp phép 1 giấy phép 4G ở băng tần 2.6 GHz. Các doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp giấy phép sử dụng băng tần với thời hạn 15 năm. Doanh nghiệp trúng đấu giá, khi triển khai hệ thống thiết bị vô tuyến điện phải tuân thủ điều kiện sử dụng băng tần; Tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật QCVN 47:2015/BTTTT về phổ tần số và bức xạ vô tuyến điện áp dụng cho các thiết bị thu phát vô tuyến điện; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm gốc thông tin di động phần truy nhập vô tuyến liên quan tới công nghệ LTE/LTE-Advanced; các giới hạn phát xạ đối với khối băng tần được cấp phép theo quy định tại phụ lục của Hồ sơ mời đấu giá.
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, trong lần đấu giá này không chỉ có 5 mạng di động hiện nay mới có quyền tham gia đấu giá mà các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng theo quy định của pháp luật về viễn thông cũng có thể tham gia đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G. Như vậy, ngoài Viettel, MobiFone, VinaPhone, Gtel và Vietnamobile thì hàng loạt các doanh nghiệp khác như FPT, CMC… cũng có thể tham gia đấu giá băng tần 4G.
Trước đó, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay, hiện số lượng thuê bao của Viettel rất lớn nhưng băng tần 4G thì chỉ được cấp như những doanh nghiệp khác. Vì vậy, Viettel sẽ gặp khó khăn trong phát triển 4G. Ông Hoàng Sơn kiến nghị Bộ TT&TT sớm cấp phép băng tần 2.6GHz cho 4G. Đối với băng tần 700 MHz, ông Hoàng Sơn đề nghị cấp phép băng tần này theo tỉnh, thành đã giải phóng xong sau khi tiến hành số hóa truyền hình để các nhà mạng có đủ băng tần nâng cao chất lượng cho dịch vụ 4G.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT đấu giá băng tần 2.6 GHz nhằm minh bạch hóa chính sách về quản lý tần số đối với dịch vụ, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và kinh tế trong việc sử dụng tần số vô tuyến điện.
Đề cập đến việc sử dụng băng tần 700 MHz, ông Đoàn Quang Hoan cho hay, Bộ TT&TT quyết tâm triển khai thành công Đề án số hóa truyền hình sớn hơn dự kiến. Khi số hóa truyền hình xong sẽ giải phóng được băng tần 700Mhz vào khai thác dịch vụ băng rộng.
"Đối với các nước trên thế giới băng tần 700Mhz được coi là là băng tần quý hiếm. Nếu các băng tần khác được coi là vàng thì 700MHz được xếp hạng là băng tần kim cương. Khi đưa vào khai thác sẽ mang lại hiệu quả to lớn không chỉ cho ngành viễn thông mà còn cho phát triển kinh tế xã hội. Với ưu điểm truyền sóng tối ưu ở băng tần này có thể cung cấp dịch vụ 4G ở nông thôn với giá rẻ. Với tiến độ triển khai Đề án số hóa truyền hình như hiện nay có thể đưa vào khai thác băng tần này sớm hơn dự kiến”, ông Hoan cho biết.
Tại hội thảo 4G LTE 2016 được tổ chức mới đây, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ TT&TT sẽ quản lý theo hướng trung lập về công nghệ. Bộ TT&TT chỉ cấp băng tần cho các doanh nghiệp nhưng dùng băng tần đó cho công nghệ nào như 3G, 4G, 5G… do nhà mạng tự quyết định. Bộ TT&TT không quy định cụ thể băng tần đó dùng cho công nghệ nào.