Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phương Đông - Giám đốc Trung tâm I đã chia sẻ nhiều thông tin về xu hướng phát triển công nghệ thông tin VTĐ thúc đẩy sự phát triển thành phố thông minh, tiết kiệm năng lượng, nâng cao an ninh, cải thiện môi trường và cung cấp các dịch vụ tiện ích cho người dân đô thị.
Ông Đông cho rằng, cốt lõi của xây dựng, phát triển thành phố thông minh là ứng dụng công nghệ thông tin, xử lý dữ liệu lớn (Big Data) và ứng dụng công nghệ vô tuyến Internet vạn vật (Internet of Thing - IoT), di động băng rộng 4G/5G. Theo dự báo của Erisson, đến năm 2022, trên thế giới sẽ có khoảng 29 tỷ kết nối vô tuyến IoT và 70% ứng dụng IoT sử dụng hạ tầng mạng thông tin di động tế bào.
Về tình hình sử dụng tần số, thiết bị VTĐ trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm I cho biết số vụ vi phạm và gây can nhiễu có hại tiếp tục có sự gia tăng. Tình trạng can nhiễu không chỉ gây ảnh hưởng có hại cho các mạng thông tin di động hiện tại, mà sẽ là rào cản trong việc triển khai các ứng dụng công nghệ IoT để phát triển thành phố thông minh, bởi IoT được phát triển dựa trên cơ sở mạng thông tin di động tế bào.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, Trung tâm I đã phải xử lý 122 vụ vi phạm về sử dụng máy bộ đàm không có giấy phép, giấy chứng nhận hợp quy; 53 vụ can nhiễu ảnh hưởng suy giảm chất lượng, gián đoạn thông tin liên lạc của các thuê bao điện thoại di động tại 153 cells thuộc các nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel. Các vụ can nhiễu mạng di động chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân nhiều tổ chức, cá nhân tự ý mua và sử dụng các thiết bị VTĐ nhập lậu, không có chứng nhận hợp quy, không đảm bảo chất lượng, như: Thiết bị kích sóng điện thoại di động (Repeater), điện thoại không dây chuẩn DECT sử dụng băng tần không phù hợp quy hoạch phổ tần số của Việt Nam.
Trước hiện trạng đó, tại cuộc họp, Sở TTTT Hà Nội và Trung tâm I đã trao đổi các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tần số, thiết bị VTĐ đáp ứng xu hướng phát triển thành phố thông minh với các ứng dụng mạng không dây trong thời gian tới.
Qua đó, hai bên thống nhất sẽ phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ như: Tiếp tục thực hiện Kế hoạch phối hợp quản lý tần số đã được ký kết; tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các trường hợp nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh thiết bị VTĐ; phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh, sử dụng và quản lý thiết bị VTĐ cho các sở, ban, ngành, phòng VHTT, các đội quản lý thị trường và trung tâm thể thao văn hóa các quận, huyện của thành phố; phối hợp xây dựng kế hoạch triển khai công tác quản lý Nhà nước về tần số VTĐ giai đoạn 2017-2020 và trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt trước ngày 10/10/2017.