Phối hợp tần số biên giới giữa Việt Nam và Campuchia lần thứ 8

20/10/2017

(rfd.gov.vn)- Từ ngày 11 đến 13/10/2017, cuộc họp song phương và phối hợp tần số vùng biên lần thứ 8 giữa Việt Nam và Campuchia đã được diễn ra tại thành phố Phnôm Pênh, Campuchia. Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Việt Nam và ông Moa Chakrya, Chủ tịch Cơ quan Quản lý tần số Campuchia (TRC) đồng chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp song phương, hai bên đã cập nhật thông tin về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của TRC và trao đổi nhiều vấn đề về hợp tác song phương như: Băng tần cho các hệ thống băng rộng, triển khai chuyển đổi truyền hình số, các hoạt động kiểm soát tần số và phát triển dịch vụ vệ tinh.

Hai bên cùng thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, đào tạo và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý tần số, tổ chức cuộc họp phối hợp tần số vùng biên và phối hợp vệ tinh, trao đổi quan điểm về các Chương trình nghị sự Hội nghị Thông tin vô tuyến Thế giới năm 2019 và đẩy mạnh hợp tác giữa các nhà khai thác truyền hình, di động của hai nước nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần.

Sau cuộc họp song phương, Hội nghị đã thảo luận, thống nhất nhiều nội dung phối hợp tần số vùng biên cho các mạng thông tin di động và truyền hình:

Về sử dụng các kênh tần số di động tại khu vực vùng biên, TRC đã chia sẻ thông tin cập nhật về việc cấp phép và ấn định tần số cho các nhà khai thác di động của nước này tại các dải tần 850/900/2100 MHz.

Đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận di động đã ký, Cơ quan quản lý hai nước cho rằng: Về cơ bản, doanh nghiệp hai bên đã cố gắng triển khai mạng di động 2G và 3G theo thỏa thuận giữa hai nước. Đối với một số kênh phát vượt mức thỏa thuận, các doanh nghiệp di động thống nhất sẽ cùng nhau phối hợp trực tiếp để điều chỉnh.

Về việc phối hợp cho các mạng băng rộng được quy hoạch lại trên các băng tần 2G và 3G (900, 1800 và 2100 MHz), Việt Nam đã đưa ra phân tích các trường hợp phối hợp phải nghiên cứu gồm: Khả năng can nhiễu giữa GSM và UMTS trên băng tần 900 MHz; giữa UMTS và UMTS trên băng tần 900 MHz; giữa GSM và LTE trên băng tần 1800 MHz; giữa LTE và LTE trên băng tần 1800 MHz; giữa LTE và UMTS trên băng tần 2100 MHz của hai nước. Hai bên đồng ý sẽ tiếp tục nghiên cứu phương án phối hợp cho các trường hợp trên và đưa ra đề xuất tại cuộc họp tiếp theo.

Ông Phùng Nguyên Phương và ông Sea Nareth - Đồng Chủ tịch Nhóm Phối hợp tần số cho các mạng di động ký biên bản của Nhóm làm việc 1

Đối với việc phối hợp tần số vùng biên cho các mạng truyền hình, hai bên đã chia sẻ số liệu về các đài phát thanh truyền hình tại vùng biên; thống kê các kênh truyền hình phát vượt mức cường độ trường do  ITU quy định, đồng thời thống nhất  sẽ phối hợp với các nhà đài để điều chỉnh một số kênh này. 

Với các kênh truyền hình đang được Campuchia sử dụng tại băng tần 694-806 MHz, Việt  Nam đề nghị Campuchia có kế hoạch chuyển đổi về băng tần thấp hơn (470-694 MHz) để giải phóng băng tần 694-806 MHz cho quy hoạch tần số cho các mạng di động băng rộng. Campuchia đã ghi nhận đề nghị này của Việt Nam.

Hai bên cũng thống nhất sẽ phối hợp với nhau để giải quyết can nhiễu của kênh FM tại Đắk Nông (Việt Nam) và nhiễu mạng truyền hình của Campuchia.

Liên quan đến phương án phối hợp cho các mạng truyền hình dọc theo đường biên, trong dải tần số 470-694 MHz, Việt Nam đã đưa ra đề xuất về phân chia các kênh tần số truyền hình cho mỗi nước trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi. Mỗi nước được sử dụng 14 kênh dùng riêng trong tổng số 28 kênh tần số truyền hình dải 470-694 MHz. Các mức cường độ trường cho các nước ưu tiên và không được ưu tiên khi sử dụng kênh dùng riêng sẽ được tiếp tục thảo luận tại các cuộc họp tiếp theo. Campuchia đã ghi nhận đề xuất của Việt Nam và đề nghị sẽ nghiên cứu và trả lời tại cuộc họp tiếp theo.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn và ông Lym Vuthy - Đồng Chủ tịch Nhóm Phối hợp tần số cho các mạng phát thanh truyền hình ký biên bản của Nhóm làm việc 2

Cũng tại cuộc họp song phương và phối hợp tần số vùng biên lần thứ 8 này, phía Campuchia đã đưa ra đề xuất về tổ chức một chuyến thăm quan  học tập kinh nghiệm tại Việt Nam vào cuối năm 2017 hoặc đầu 2018 liên quan đến các nhiệm vụ quản lý tần số và chuẩn bị cho các hội nghị quốc tế. Việt Nam đã ghi nhận đề xuất của Campuchia và sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ về vấn đề này.

Việt Nga