Đại diện Cục Tần số VTĐ cho biết, thông tin vô tuyến có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hàng hải trong hoạt động hàng hải nói chung, và đối với hệ thống An toàn cứu nạn hàng hải toàn cầu (GMDSS - Global Maritime Distres and Safety System) và hệ thống thông tin cứu nạn hàng hải qua vệ tinh COSPAS-SARSAT nói riêng.
Trong đó, hệ thống COSPAS-SARSAT cung cấp các báo hiệu cứu nạn, từ các phao cứu nạn trên tần số 406 MHz, một cách chính xác, kịp thời và tin cậy để giúp cho cơ quan tìm kiếm cứu nạn đảm bảo các hoạt động cứu nạn được xử lý nhanh nhất có thể khi tai nạn trên biển xảy ra.
Tuy nhiên, trong thực tế, các phát xạ từ các băng tần lân cận 406 MHz chưa được kiểm soát một cách thích hợp làm dâng nền nhiễu và tạp âm trong đoạn băng tần hoạt động của COSPAS-SARSAT dẫn đến cản trở khả năng phát hiện, chuyển tiếp tín hiệu từ các phao cứu nạn và/hoặc làm giảm tính chính xác của các thông tin về vị trí cứu nạn.
Việc khảo sát, nghiên cứu về các phát xạ có nguy cơ gây ra can nhiễu có hại cho tần số 406 MHz của COSPAS-SARSAT để tìm ra phương án giảm thiểu nguy cơ bị can nhiễu cũng như bảo vệ họat động của hệ thống COSPAS-SARSAT là vô cùng cần thiết. Dựa trên kết quả nghiên cứu này, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và cơ quan quản lý của các nước, trong đó có Cục Tần số vô tuyến điện Việt Nam sẽ ban hành những hướng dẫn và quy định về sử dụng tần số hợp lý, hiệu quả nhằm bảo vệ tính toàn vẹn cho hệ thống thông tin cứu nạn hàng hải qua vệ tinh COSPAS-SARSAT.
Cũng tại Hội thảo này, đại diện Cục Tần số VTĐ đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực thông tin và định vị ứng dụng cho phát triển kinh tế biển, giảm thiểu thiên tai, đang được cơ quan quản lý tần số của Việt Nam nghiên cứu tại ITU và Liên minh Viễn thông Châu Á - Thái Bình Dương như: Truyền dẫn năng lượng không dây, thông tin vô tuyến trên băng tần HF và hiện đại hóa hệ thống GMDSS; đồng thời đề nghị các tổ chức, chuyên gia trong lĩnh vực hàng hải, hoạt động trên biển quan tâm tìm hiểu và tham gia cùng nghiên cứu với Cục Tần số VTĐ.
Trước đó, phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn đánh giá COMNAVI 2017 với nội dung thảo luận chuyên sâu về chủ đề quản lý và hoạt động thông tin, định vị trên biển Việt Nam là Hội thảo rất quan trọng và ý nghĩa, phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển và bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam.
Bên cạnh đó, PCT Lê Văn Tuấn đã nêu lên một số vấn đề còn tồn tại, những thách thức đang đặt ra đối với công tác quản lý cũng như nghiên cứu khoa học về thông tin và định vị trên biển, như: Đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động của phương tiện nghề cá trên biển, hoạt động nghiên cứu hải dương học, và đặc biệt là thông tin an toàn cứu nạn hàng hải trên biển.
Hội thảo COMNAVI 2017 có sự tham gia của các diễn giả là các giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia đến từ các trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội), Đại học Kỹ thuật - Hậu cần CAND, Học viện Kỹ thuật quân sự, Đại học Sao đỏ, Đại học Giao thông vận tải và Đại học công nghệ Turin; Cục Tần số VTĐ, Bộ tham mưu Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Viện nghiên cứu biển và hải đảo, Viện Hải dương học, Viện sinh thái và tài nguyên sinh vật và Trung tâm Vệ tinh quốc gia. Nội dung của Hội thảo lần này tập trung các nhóm chủ đề về Thông tin an toàn hàng hải, Định vị 3D dưới nước, Quản lý năng lượng cho thiết bị trên biển, Hải dương học và Hệ thống thông tin thủy âm số.