Tốc độ 4G cao gấp 3,5 - 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại
Theo thông tin tại Hội thảo, năm 2017, hạ tầng kỹ thuật 4G LTE tại Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, Viettel đã phủ sóng 4G tới 99% quận huyện trên cả nước, Vinaphone và Mobifone cũng đã tăng cường nhiều trạm thu phát sóng 4G tại các quận huyện trung tâm trên toàn quốc. Theo một kết quả khảo sát đã được công bố thì tỉ lệ phủ sóng 4G tại Việt Nam lên đến 71,26% diện tích lãnh thổ. Về tốc độ mạng cũng đã có nhiều cải thiện đáng kể, đạt mức 21,49 Mbps, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore.
Theo Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, thì trong năm 2017, tốc độ tải dữ liệu trung bình hướng xuống của mạng 4G tại Việt Nam là 35 - 37 Mbit/s (cao gấp 3,5 đến 4,5 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện tại); góp phần nâng tổng dung lượng Internet di động đi quốc tế đạt 5,4Gb/s, (tăng 1,5 lần so với năm 2016). Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia thì tiềm năng thị trường 4G tại Việt Nam còn rất lớn, thể hiện qua một vài số liệu thống kê như có tới 76,4 triệu thuê bao 2G hoặc 41,5 triệu thuê bao 3G có thể chuyển đổi thành thuê bao 4G…
Chưa có tốc độ trải nghiệm 4G thực sự
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT trong 1,5 năm qua, mạng 4G LTE đã phủ sóng đến 95% dân số, nhưng có thể nói tốc độ 4G trải nghiệm thì chưa thể có.
Để giải quyết vấn đề này, ông Hoan cho biết Việt Nam đã quy hoạch băng các băng tần 2,6 GHz, băng 2,3GHz và 700 MHz đáp ứng các dịch vụ băng rộng di động 4G/5G, trong đó băng tần 700MHz là băng tần “quý” hiện đã được nhiều khu vực như châu Phi, châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu sử dụng.Bởi theo phân tích của ông Hoan băng tần cho 4G còn hạn chế. Các doanh nghiệp viễn thông vẫn đang chủ yếu sử dụng băng tần 1800MHz cho 4G. Tiếp theo, về lý thuyết dù bao nhiêu trạm cũng có thể đạt tốc độ 4G miễn là số người sử dụng trung bình ở trên một tần số sóng mang (carrier frequency) nhưng tần số sóng mang được nhiều người sử dụng thì tốc độ trải nghiệm bị giới hạn.