Nhật Bản tăng cường hỗ trợ Việt Nam về giải pháp công nghệ không dây

03/05/2018

(rfd.gov.vn)- Ngày 2/5, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Giải pháp và công nghệ không dây Việt Nam-Nhật Bản”. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tham dự và phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu và chia sẻ sâu hơn các kinh nghiệm của Nhật Bản về ứng dụng các giải pháp không dây trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và các yếu tố nảy sinh liên quan đến nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm nhận định: Bộ TT&TT Việt Nam nhận thấy đây là cơ hội tốt cho các chuyên gia về lĩnh vực TT&TT nói chung, các chuyên gia về quản lý tần số nói riêng, có thể ngồi lại với nhau, trao đổi và chia sẻ các thông tin cập nhật về các công nghệ đang được phát triển trên thế giới. Đây cũng là một dịp giúp chuyên gia hai nước trao đổi quan điểm về chính sách, định hướng phát triển các công nghệ vô tuyến, giúp nhau xây dựng kế hoạch phát triển dài hơi, theo đúng xu hướng quốc tế.
 
Thứ trưởng cũng cho biết: tại Việt Nam, TT&TT là một lĩnh vực quan trọng giúp Việt Nam đi tắt đón đầu, hội nhập với các nước trong khu vực. Trong đó, thông tin vô tuyến là một công cụ rất hiệu quả, giúp người dân nhanh chóng kết nối, đến gần với nhau và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài. Do đó, từ nhiều năm nay, Bộ TT&TT đã luôn quan tâm, ủng hộ và tạo điều kiện để các doanh nghiệp khai thác thông tin vô tuyến trong và ngoài nước tại Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển.
 
Tuy nhiên, sự phát triển của các mạng thông tin di động 4G, 5G với tốc độ truyền dữ liệu rất cao (1000Mbp/s), độ tin cậy và độ trễ thấp đòi hỏi cơ quan quản lý phải dành lượng băng tần vô tuyến lớn để phát triển mạng lưới. Thêm vào đó, xu hướng phát triển CNTT cho thấy, công nghệ không dây có mặt ở khắp mọi nơi. Bất cứ ứng dụng hay dịch vụ nào liên quan đến vận chuyển dữ liệu đều có một giải pháp không dây tương ứng. Tuy nhiên đi cùng với nó, Bộ TT&TT sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt quản lý, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết thêm.
 
Theo Thứ trưởng: Sự phát triển nhanh của ngành dịch vụ vận tải hàng không, hàng hải kéo theo những đòi hỏi về các mạng lưới thông tin liên lạc. Thông tin vệ tinh cũng cho thấy sự hữu dụng của mình đối với việc truyền thông, dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai. Do đó, Bộ TT&TT đã nghiên cứu những chính sách phù hợp về băng tần vô tuyến nhằm tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các ứng dụng không dây giá thành rẻ. Cùng với đó, sự phát triển đa dạng và mạnh mẽ này đã tạo ra mạng thông tin vô tuyến đan chéo nhau, có khả năng gây can nhiễu, có hại cho nhau.
 
Do vậy, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định, việc nghiên cứu, xây dựng các hệ thống kiểm soát, giám sát thông tin vô tuyến cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của Bộ TT&TT. “Bộ luôn ủng hộ, và có chính sách đầu tư phù hợp về hệ thống kiểm soát vô tuyến nhằm giảm thiểu tình trạng can nhiễu giữa các hệ thống vô tuyến”, Thứ Trưởng Phan Tâm chia sẻ.
 
Lễ ký kết Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại Chương trình giám sát hệ thống đa điểm tại cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc
 
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội thảo còn diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận viện trợ không hoàn lại Chương trình giám sát hệ thống đa điểm tại Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc giữa công ty Công ty Japan Radio và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản Manabu SAKAI; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio UMEDA.
 
Theo đó, Công ty Japan Radio Nhật Bản sẽ tài trợ không hoàn lại cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam toàn bộ các chi phí vận chuyển, lắp đặt, bảo hiểm, chi phí chuyên gia, trang thiết bị, các loại thuế phí có liên quan để triển khai việc cung cấp, lắp đặt, đánh giá và kiểm tra hệ thống giám sát đa điểm tại cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc.
 
Thời gian thực hiện và hoàn thành Chương trình hợp tác là trong hai năm 2018-2019. Trong khuôn khổ Chương trình, phía Nhật Bản cũng đào tạo chuyển giao công nghệ và tổ chức các buổi hội thảo về công nghệ MLAT tại Hà Nội và Phú Quốc cho cán bộ, nhân viên của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.

Thảo Anh

(Mic.gov.vn; 02/05/2018 17:36 CH)