Hội thảo Đề tài cấp Nhà nước: Dự báo nhu cầu phổ tần số dành cho thông tin di động băng rộng tại Việt Nam đến năm 2020

05/05/2018

(rfd.gov.vn)- Ngày 04/5/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức Hội thảo Dự báo nhu cầu phổ tần số dành cho thông tin di động băng rộng tại Việt Nam đến năm 2020. Đây là Hội thảo lần thứ ba trong khuôn khổ Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp Nhà nước “Nghiên cứu, định hướng, phân bổ lại các băng tần 700/800/900/1800 MHz đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng”.

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS Lê Xuân Công - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ TTTT; PGS.TS Đào Ngọc Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KHCN; PGS.TSKH Nguyễn Hồng Vũ - Tổng thư ký  Hội Vô tuyến điện tử; PGS.TS Nguyễn Văn Đức - Đại học Bách khoa Hà Nội; TS Tân Hạnh - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: Đề tài đã được tiến hành nghiên cứu trên thực tế trong thời gian dài, nhằm xây dựng các căn cứ khoa học để thuyết minh, củng cố sở cứ cho việc xây dựng các quy hoạch tần số đối với các băng tần quý hiếm 700/800/900/1800 MHz ở Việt Nam. Trong các băng tần này hiện có nhiều nghiệp vụ đang sử dụng, với nhiều công nghệ khác nhau; đặc biệt là đang sử dụng chung giữa các lĩnh vực dân sự và quốc phòng, an ninh. Việc sử dụng hiệu quả phổ tần hay không phụ thuộc rất nhiều vào quy hoạch tần số. Quy hoạch tần số là để mở đường cho việc triển khai các công nghệ ở trong đó. Thực tế cho thấy việc lựa chọn công nghệ không chỉ có ý nghĩa quyết định rất lớn việc sử dụng hiệu quả phổ tần, mà còn cả hiệu quả về đầu tư, kinh tế và dịch vụ. Trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, việc lựa chọn, sử dụng tần số cũng như lựa chọn công nghệ có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng trang bị và năng lực chiến đấu.

Hội thảo thứ nhất đã làm rõ các sở cứ khoa học của việc triển khai các quy hoạch đối với các băng tần 700/800/900/1800 MHz; Hội thảo thứ hai khẳng định cách thức đưa các công nghệ tiên tiến trong các băng tần. Hội thảo lần này tập trung thuyết minh sâu hơn về các vấn đề đã định hướng, dự báo.

Cục trưởng Đoàn Quang Hoan, Chủ nhiệm Đề tài phát biểu.

“Một nội dung rất quan trọng không được xây dựng trong đề cương của Đề tài, nhưng khi triển khai nghiên cứu thì ngày càng rõ ra và trở thành một nội dung rất có giá trị của Đề tài, đó là vấn đề đưa các công nghệ IoT như thế nào vào Việt Nam để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sắp xếp/xác định băng tần như thế nào cho công nghệ IoT”, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan cho biết thêm.

Tại Hội thảo, đại diện các Nhánh của Đề tài đã trình bày các báo cáo: Nghiên cứu đề xuất chính sách nhằm đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả lộ trình phân bổ lại các băng tần 700/800/900/1800 MHz; kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu phổ tần của Việt Nam cho thông tin di động băng rộng tại Việt Nam đến năm 2025; kết quả tham vấn chuyên gia nước ngoài; nghiên cứu đánh giá tác động của việc phân bổ lại các băng tần tới hệ thống vô tuyến phục vụ mục đích kinh tế xã hội, đề xuất phương án chuyển đổi và ước tính chi phí; đề xuất phương án tái sử dụng thiết bị cơ sở hạ tầng hiện có cho hệ thống mới, đảm bảo tính kế thừa và hiệu quả kinh tế; nghiên cứu đề xuất phương án kiểm soát tần số vô tuyến điện với công nghệ thông tin vô tuyến thế hệ mới áp dụng trên các băng tần 700/800/900/1800 MHz.

Ngay sau phiên Hội thảo, các chuyên gia đã tiến hành đánh gia kết quả nghiên cứu của Đề tài nói trên.  

Hồng Hạnh