Báo cáo tại Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn cho biết: 6 tháng đầu năm 2018, Cục Tần số VTĐ đã triển khai các nhiệm vụ được giao đảm bảo tiến độ và chất lượng đề ra, như: Hoàn thành trình Lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đấu giá băng tần 2.6 GHz và về phương án cấp phép băng tần 850 MHz; xây dựng và lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Thông tư sửa đổi quy hoạch phân kênh tần số cho nghiệp vụ cố định và di động mặt đất băng tần (30-30.000)MHz, Thông tư sửa đổi, bổ sung một số nội dung về danh mục thiết bị vô tuyến điện được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, điều kiện kỹ thuật và khai thác kèm theo; xây dựng dự thảo Thông tư về quy hoạch băng tần 700MHz cho thông tin di động; được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 2451/QĐ-TTg về Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020; ...
Tổ chức Hội thảo triển khai Đề án số hóa THVN khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên; phối hợp với 12/12 tỉnh nhóm III xác định vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số trên địa bàn các tỉnh khi ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất.
Trong 6 tháng qua, Cục đã cấp gần 15 nghìn giấy phép, trong đó hơn 10.600 giấy phép điện tử; thực hiện trên 3.600 phép đo về dung sai và độ rộng băng tần chiếm dụng, lập 58 báo cáo phát hiện vi phạm; thu và phân tích 1.092 phát xạ; kiểm soát công suất của hơn 540 đài PTTH từ cấp huyện trở lên, phát hiện 04 đài tăng mức thu cường độ trường; đo tham số kỹ thuật đối với 317 Đài PTTH, TTKD, 62 Đài không đáp ứng chất lượng phát xạ theo các quy chuẩn kỹ thuật; kiểm soát lưu động tại 37 tỉnh, thành phố, lập 144 báo cáo vi phạm; tiếp nhận và xử lý 67 vụ can nhiễu; chủ trì, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng giải quyết 02 vụ nhiễu thông tin VTĐ.
Thanh tra việc chấp hành pháp luật về lĩnh vực tần số đối với 03 đơn vị; ban hành 81 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; phối hợp kiểm tra an toàn bức xạ vô tuyến điện đối với 04 doanh nghiệp thông tin di động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; đôn đốc Đại sứ quán Pháp và Trung Quốc chấp hành pháp luật về tần số VTĐ trong việc sử dụng trạm VSAT; hoàn thành phối hợp tần số khu vực biên giới, thống nhất nguyên tắc phối hợp cho mạng di động thế hệ mới trên băng tần 1800MHz với Lào; tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 23 Nhóm vô tuyến của APT tại Đà Nẵng và Hội nghị APT PP 18-2 tại Hà Nội.
Phối hợp với các Sở TTTT tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số VTĐ tại 28 tỉnh, thành phố; tổ chức 08 đợt hướng dẫn nghiệp vụ cho các các tổ chức, cá nhân sử dụng tần số VTĐ trên địa bàn; cấp mới và gia hạn 744 giấy phép đài Truyền thanh không dây và 609 giấy phép cho các phương tiện nghề cá.
Sửa chữa, khắc phục xong hơn 50 thiết bị kiểm soát tần số; bảo dưỡng, hiệu chuẩn 97 thiết bị và 48 trạm kiểm soát; tổ chức khai trương và đưa vào khai thác Phòng đo EMC 10m tại Tp HCM; được Bộ trưởng Bộ TTTT ký ban hành các Quyết định về chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Kỹ thuật và 08 Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực; tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Cục, Hội nghị toàn thể Uỷ ban Tần số VTĐ, Hội nghị CCVC Cục năm 2018 và Đại hội Công đoàn Cục nhiệm kỳ 2018-2023; hoàn thành nghiệm thu cấp cơ sở Đề tài Khoa học cấp nhà nước;…
Trong 6 tháng cuối năm 2018, Cục Tần số VTĐ đã xác định nhiều nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện, trong đó có: Trình Lãnh đạo Bộ ban hành 02 Thông tư; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đấu giá tần số; xác định vùng phủ sóng, vùng hỗ trợ thiết bị thu truyền hình phục vụ triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại các tỉnh thuộc nhóm III và một số vùng còn lại thuộc nhóm II; triển khai các nội dung liên quan đến cấp phép băng tần 2.6 GHz và 850 MHz theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; thúc đẩy chuyển đổi kênh truyền hình theo quy định của Bộ TTTT; rà soát và đề xuất sửa đổi Thông tư về cấp phép theo hướng tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC; triển khai sử dụng dịch vụ bưu chính công ích trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC; rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung các chỉ tiêu kiểm soát tần số; xây dựng phương pháp đo an toàn bức xạ PTTH và trạm BTS; thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ vô tuyến điện; tổ chức phối hợp tần số biên giới với Campuchia và Trung Quốc; hoàn thành kế hoạch đầu tư XDCB và thu nộp ngân sách nhà nước năm 2018; hoàn thiện phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2018-2020 của Trung tâm Kỹ thuật thuộc Cục; thực hiện các giải pháp nâng cao chỉ số cải cách hành chính của Cục năm 2018.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan cho rằng, trong 6 tháng vừa qua, Cục đã làm được nhiều việc, trong đó đã tổ chức tốt Lễ Kỷ niệm và tổng kết 25 năm xây dựng và phát triển của Cục, tạo dấu ấn và động lực để thúc đẩy cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ. Tuy vậy, do gặp nhiều khó khăn, nên có một vài công việc chưa đạt được như mong muốn, trong đó phải kể đến là chưa thể thực hiện cấp phép một số băng tần di động, mặc dù băng tần đã sẵn sàng để sử dụng và các doanh nghiệp đang có nhu cầu, nhưng vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc thực hiện đấu giá tần số.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đánh giá cao những kết quả Cục đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2018. Thứ trưởng cho rằng, Cục Tần số VTĐ là đơn vị có truyền thống, có kinh nghiệm triển khai công việc chuyên nghiệp, nên ít bị tác động của những sự thay đổi và các khó khăn trong thời gian vừa qua, từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải đề nghị Cục tiếp tục chú trọng công tác xây dựng văn bản pháp luật. Cùng với việc xây dựng, trình ban hành các văn bản mới, Cục cần rà soát lại các hành lang pháp lý của lĩnh vực tần số vô tuyến điện, để đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện nếu cần thiết, kể cả Luật Tần số VTĐ. Thứ trưởng chỉ đạo Cục đặc biệt quan tâm đến các quy hoạch tần số trong tương lai, trong đó sớm triển khai xây dựng quy hoạch băng tần cho thông tin di động 5G.