Hội thảo Quản lý phổ tần đối với 5G và IoT

05/09/2018

(rfd.gov.vn)- Chiều ngày 30/8/2018, tại Hà Nội, Cục Tần số phối hợp với Qualcomm tổ chức buổi Hội thảo “Quản lý phổ tần đối với 5G và IoT”.

Tham dự Hội thảo có Nguyên Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan; đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Trường Đại học, Học viện, Doanh nghiệp viễn thông, di động. Về phía Qualcomm có ông Thiệu Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào - Campuchia, bà Julie Welch – Phó Chủ tịch, Chính sách và Quan hệ chính phủ cùng hai diễn giả là ông Patrick Tsie - Giám đốc cao cấp và ông Ricki Taufik – Kỹ sư.

Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, ông Thiệu Phương Nam cho biết: 5G sẽ là nền tảng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Với năng lực lớn hơn rất nhiều, với độ trễ thấp, 5G sẽ mở ra rất nhiều cơ hội cho nền công nghiệp của Việt Nam, ví dụ như ngành ôtô, nhà máy thông minh, giáo dục thông minh và các ngành công nghiệp khác. 5G cũng là cơ hội để ngành viễn thông đổi mới mình, tạo ra bước đột phá mới. Với 5G, các nhà mạng có thể tối ưu hạ tầng mạng lưới, xây dựng các dịch vụ phù hợp với từng ngành công nghiệp khác nhau, chẳng hạn như với ô tô tự lái thì độ trễ phải nhỏ hơn một phần nghìn giây, với dịch vụ y tế đòi hỏi siêu băng thông rộng, độ trễ thấp, độ ổn định cao để các bác sỹ thực hiện các thao tác y tế một cách hoàn hảo nhất trong việc chữa bệnh và cứu người. Điều này chỉ có thể thực hiện được với công nghệ 5G. Hiện, Qualcom đang đầu tư mạnh mẽ cho 5G, làm việc với các đối tác trên toàn thế giới để có thể ra mắt, triển khai 5G đầu tiên trên thế giới vào năm 2019-2020.

Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam – Lào - Campuchia cho biết: Một trong những việc quan trọng là qui hoạch băng tần, việc chuẩn bị sớm băng tần cho 5G sẽ giúp các quốc gia, các nhà mạng có thời gian chuẩn bị cần thiết cho việc triển khai 5G thành công. Ông cho rằng Hội thảo là cơ hội để các chuyên gia của Qualcomm chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật công nghệ mới nhất cho 5G, là cơ hội để trao đổi các vấn đề mà các đại biểu quan tâm.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Văn Tuấn – Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Tần số VTĐ cho biết: Chúng ta đang ở giai đoạn chuyển đổi sang nền kinh tế số. Nền kinh tế dựa rất nhiều vào hạ tầng kết nối. Trong hạ tầng kết nối này thì kết nối vô tuyến đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là 4G, 5G và IoT. 

Mạng 5G không chỉ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, tốc độ đường truyền, với độ trễ thấp, mà còn mở ra chân trời mới cho ứng dụng mới, cho công nghệ phát triển. Hiện nay, trên thế giới các nhóm nghiên cứu quốc tế cũng đang hoàn thiện bộ tiêu chuẩn cho 5G, các nhà mạng đang tích cực thử nghiệm công nghệ 5G ở các thành phố lớn. Các nước thành viên ITU đang tích cực bàn thảo, đưa ra băng tần có thể sử dụng cho 5G và nhiều nhà mạng đang lên kế hoạch để triển khai thương mại, công nghệ vào năm 2020. Tại Việt Nam, Quyền Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh chúng ta phải đi đầu về công nghệ. Quyền Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Tần số VTĐ chuẩn bị tần số để sớm thử nghiệm công nghệ 5G ở Việt Nam.

Ông Lê Văn Tuấn cũng khẳng định, một trong những vấn đề quan trọng của 5G và IoT là tần số. Cục Tần số VTĐ đã và đang tích cực đi tìm lời giải cho bài toán này; với quan điểm chúng ta đi nhanh nhưng phải đúng, tức là lựa chọn những tần số có được sự hài hòa để Việt Nam có thể hưởng lợi về qui mô thị trường. “Cục Tần số VTĐ đã tích cực tham gia các Nhóm nghiên cứu của ITU, các Hội nghị Thông tin vô tuyến như APG, AWG để cùng các nước tìm kiếm băng tần cho 5G và IoT phù hợp với lợi ích quốc gia, hài hòa với lợi ích của khu vực và thế giới. Chúng ta đồng hành cùng khu vực, đồng hành cùng thế giới để biết thế giới lựa chọn băng tần nào, từ đó chúng ta có con đường đi đúng”, ông Tuấn cho biết.

Ông Lê Văn Tuấn – Phó Cục trưởng, Phụ trách Cục Tần số VTĐ phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, ông Patrick Tsie và ông Ricki Taufik đã trình bày, giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin mới, chuyên sâu về các tính năng liên quan đến công nghệ di động tiên tiến, bao gồm: LTE-A Pro, truy cập được cấp phép; Cellular IoT gồm NB-IoT và Cat-M; 5G New Radio và công nghệ ô tô như C-V2X.

Các Chuyên gia cũng đã trả lời nhiều câu hỏi khác nhau của các đại biểu tham dự Hội thảo.

Nguyễn Huy Cương