Tại cuộc họp lần này, các vấn đề hợp tác song phương mà hai bên đã tập trung trao đổi, gồm: Cập nhật tình hình quản lý tần số của hai nước; chia sẻ thông tin về các băng tần mỗi nước dự kiến sử dụng cho IMT; đấu giá băng tần 2600 MHz; kế hoạch thử nghiệm 5G tại Việt Nam; nhiễu vô tuyến điện; tiến độ số hóa truyền hình mặt đất; quan điểm về các chương trình nghị sự của WRC-19.
Liên quan đến các nội dung chuẩn bị cho WRC-19, Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về một số nội dung quan trọng. Về tìm kiếm thêm băng tần cho IMT (nội dung 1.13), Việt Nam ủng hộ lựa chọn băng 24.25-27.5 GHz và 37- 43.5 GHz cho IMT; về tìm kiếm băng tần cho WAS/RLAN (nội dung 1.16), Việt Nam ủng hộ lựa chọn băng tần 5 725-5 850 MHz. Ngoài ra, Việt Nam cũng có quan điểm ủng hộ các vấn đề tương thích giữa IMT và các hệ thống khác trên cùng băng tần (nội dung 9.1.1, 9.1.2 và 9.1.3); ủng hộ một số biện pháp kỹ thuật được đề xuất trong mục 7 để bảo vệ IMTvà các hệ thống vệ tinh;... Hai bên thống nhất sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau về việc chuẩn bị cho WRC-19.
Đối với việc phối hợp cho các mạng di động, hai bên đã cập nhật số liệu về triển khai các hệ thống thông tin băng rộng trên các băng tần di động 2G (900, 1800, 2100 MHz). Ngoài ra, hai bên đã hoàn thành phối hợp cho hệ thống thông tin di động băng rộng trên băng tần 1800 MHz. Thỏa thuận này sẽ được triển khai từ ngày 01/8/2019, sau khi được Bộ chủ quản của hai nước phê duyệt.
Đây là một kết quả quan trọng, góp phần giúp các doanh nghiệp hai bên triển khai mạng thông suốt tại khu vực vùng biên, cũng như giúp cơ quan quản lý hai bên quản lý các mạng di động tại khu vực vùng biên một cách hiệu quả.