• Trang chủ
  • Hỏi đáp
  • Đăng ký quỹ đạo vệ tinh

Thủ tục đăng ký Hồ sơ tần số qũy đạo vệ tinh địa tĩnh

30/12/2015

(rfd.gov.vn)- Trước khi một nước hoặc một nhóm nước phóng vệ tinh lên vị trí quỹ đạo địa tĩnh cần phải thực hiện đăng ký quỹ đạo và phối hợp tần số quốc tế gồm nhiều thủ tục phức tạp liên quan đến các qui định quốc tế được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) qui định trong quyển thứ nhất của Thể lệ vô tuyến (Radio Regulation).

1.     Các điều luật áp dụng cho việc sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh được Liên Minh Viễn thông quốc tế qui định

Các điều luật này xác định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý trong việc quản lý quỹ đạo, phổ tần và cung cấp các phương tiện để đạt được môi trường thông tin vô tuyến không có nhiễu, được Hội nghị thông tin Vô tuyến thế giới đề ra dựa trên hai nguyên tắc chính là: sử dụng hiệu quả và truy cập công bằng. Để các nguyên tắc này có hiệu lực, hai kỹ thuật chính cho việc chia sẻ qũy đạo và phổ tần đã được phát triển và thực hiện:

  • Các thủ tục qui hoạch ưu tiên (cho băng tần qui hoạch) bảo đảm công bằng trong việc sử dụng qũy đạo vệ tinh/phổ phổ tần trong tương lai bao gồm:
  • Phân bổ Quy hoạch đối với dịch vụ vệ tinh cố định sử dụng một phần băng tần 4/6 và 10-11/12-13 GHz.
  • Quy hoạch đối với nghiệp vụ vệ tinh quảng bá trong băng tần
    11.7- 12.7 GHz  và Quy hoạch cho đường lên trong 14 GHz và 17 GHz.
  • Các thủ tục phối hợp (cho băng tần không qui hoạch) với mục đích sử dụng hiệu quả qũy đạo/phổ tần và môi trường hoạt động không có nhiễu nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tế bao gồm:
  • Các mạng vệ tinh địa tĩnh và các mạng vệ tinh phi địa tĩnh trong các băng tần cụ thể. Các mạng này tuân theo thủ tục xuất bản trước và các thủ tục phối hợp liên quan;
  • Các mạng vệ tinh phi địa tĩnh khác trong đó chỉ yêu cầu thủ tục xuất bản trước và thủ tục Thông báo.

2.     Các thủ tục áp dụng cho các nghiệp vụ trong băng tần không quy hoạch

Băng tần không qui hoạch là băng tần được sử dụng phổ biến. Để sử dụng băng tần này, nguyên tắc chung để sử dụng băng tần này là “ai đăng ký trước được dùng trước”.

Hội nghị thông tin Vô tuyến thế giới năm 1995, 1997 và năm 2000 (WRC- 95, WRC- 97 và WRC- 2000) thống nhất tất cả các thủ tục phối hợp vào trong một điều khoản (điều khoản 9 của Thể lệ vô tuyến) để giúp đơn giản hóa các điều luật vô tuyến được gọi là "Thủ tục thực hiện phối hợp với hoặc nhận được thỏa thuận của các cơ quan quản lý khác " có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 1999. Thủ tục phối hợp dựa trên nguyên tắc "đến trước - phục vụ trước". Các mạng vệ tinh hoặc các trạm mặt đất được thực hiện phối hợp thành công sẽ được công nhận quốc tế đối với việc sử dụng tần số, quỹ đạo vệ tinh cho các mạng này. Các điều khoản qui định thực hiện phối hợp liên quan tới các thủ tục cơ bản sau:

- Thủ tục “Xuất bản trước” (API – Advance Public Information)

- Thủ tục “Phối hợp” (Request of Coordination)

- Thủ tục “Thông báo” (Notification).

a. Thủ tục xuất bản trước (API)

Cơ quan quản lý của một nước chịu trách nhiệm với mạng vệ tinh dự kiến của mình sẽ nộp hồ sơ theo thủ tục này tới Liên minh Viễn thông quốc tế theo mẫu được qui định trong Phụ lục của Thể lệ tần số vô tuyến điện.

Hồ sơ mạng vệ tinh đó phải được nộp cho ITU không sớm hơn 7 năm và không muộn hơn 2 năm trước ngày dự kiến đưa hệ thống mạng vệ tinh vào hoạt động. Sau khi nhận Hồ sơ đăng ký này, ITU trong thời hạn 3 tháng sẽ xuất bản với mã hồ sơ là API/xxxx và được ITU gửi tới tất cả các cơ quan quản lý của các nước (trước đây là các bản giấy, sau này là đĩa DVD).

Mục đích của thủ tục xuất bản trước là thông báo cho tất cả các cơ quan quản lý của các nước trên thế giới về các hệ thống thông tin vệ tinh mới và tổng quan về các mạng vệ tinh đó (băng tần, vị trí quỹ đạo, kiểu dịch vụ, vùng phủ khu vực sơ bộ, …). Thủ tục này cung cấp thông số kỹ thuật cơ bản nhờ đó cơ quan quản lý của các nước có thể đánh giá sơ bộ tác động của mạng vệ tinh dự kiến đến các hệ thống mạng vệ tinh đang tồn tại hoặc dự định cũng như các trạm mặt đất trong băng tần được khai báo, nếu bị ảnh hưởng họ sẽ thực hiện phản đối (yêu cầu thực hiện phối hợp).

Thủ tục này cũng xác định nếu bổ sung hoặc sửa đổi băng tần hoặc sửa đổi vị trí quỹ đạo lớn hơn 6 độ thì phải nộp lại hồ sơ.

Trong giai đoạn này ITU không qui định mức ưu tiên (ưu tiên xử lý trước) cho hồ sơ của các cơ quan quản lý nộp hồ sơ xuất bản trước (API).

b. Thủ tục phối hợp

Thực hiện thủ tục phối hợp là bước tiếp theo trong chuỗi xử lý hồ sơ của ITU. Thực hiện thủ tục này, cơ quan quản lý sẽ gửi bộ hồ sơ “Yêu cầu phối hợp” cho ITU không sớm hơn 6 tháng và không muộn hơn 24 tháng kể từ ngày ITU nhận thông tin đầy đủ của bộ hồ sơ xuất bản trước (bộ hồ sơ API). Bộ hồ sơ “Yêu cầu phối hợp” bao gồm các thông tin chi tiết của hệ thống mạng vệ tinh như các ấn định tần số, công xuất phát, nhiệt độ tạp âm, độ lợi anten, các mẫu bức xạ, bản đồ vùng phủ vệ tinh, ngày đưa vệ tinh vào hoạt động. . .

Sau khi ITU nhận được đầy đủ thông tin sẽ xuất bản bộ hồ sơ này (được lưu trong đĩa DVD gửi cho tất cả các nước). Trong thời hạn 4 tháng sau đó các nước sẽ nghiên cứu mức độ ảnh hưởng của các bộ hồ sơ mới tới hệ thống mạng vệ tinh của họ, nếu hệ thống vệ tinh mới gây nhiễu thì họ sẽ gửi yêu cầu phối hợp bằng văn bản cho nước chịu trách nhiệm đăng ký mạng vệ tinh mới (thông thường sẽ nhận được trên 20 yêu cầu phối hợp của các nước) kèm theo các kết quả tính toán cho thấy mức nhiễu là không thể chấp nhận được. Văn bản yêu cầu cũng được gửi tới ITU. Qúa trình tiếp theo là một tiến trình phức tạp thực hiện một loạt các hoạt động phối hợp thông qua các cuộc gặp phối hợp song phương giữa nước đăng ký mạng vệ tinh mới với các nước có yêu cầu phối hợp kể trên để giải quyết các vấn đề về nhiễu. Quá trình này thể hiện rất rõ quyền ưu tiên nước nào đăng ký mạng vệ tinh trước (tính theo thời điểm nộp bộ hồ “Yêu cầu phối hợp”) sẽ có quyền ưu tiên cao hơn. Các nước nộp hồ sơ sau có quyền ưu tiên thấp hơn sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện phối hợp vì buộc phải nhận được thoả thuận của các nước đó.

c. Thủ tục “Thông báo” và ghi vào bảng tần số chủ

Sau khi đạt được tất cả các thoả thuận phối hợp quỹ đạo/tần số với tất cả các nước có “yêu cầu phối hợp”, nước đăng ký mạng vệ tinh mới tiếp tục thực hiện thủ tục “Thông báo”. Để thực hiện thủ tục này,  nước đăng ký mạng vệ tinh mới sẽ phải nộp bộ hồ sơ “Thông báo” theo mẫu do ITU qui định trên cơ sở bộ hồ sơ “Yêu cầu phối hợp” ở giai đoạn trên và các kết quả phối hợp đạt được. Khi ITU kiểm tra bộ hồ sơ này đáp ứng tất cả các tiêu chuẩn kỹ thuật và hoàn thành tất cả các yêu cầu phối hợp ITU sẽ ghi các ấn định tần số đăng ký vào Bảng tần số. Khi đó qũy đạo vệ tinh và các ấn định tần số của mạng vệ tinh mới được công nhận quốc tế và thuộc về chủ quyền của nước đăng ký.

Nếu không đạt được tất cả các thoả thuận phối hợp quỹ đạo/tần số với tất cả các nước có “yêu cầu phối hợp”, nước đăng ký mạng vệ tinh mới vẫn có thể thực hiện thủ tục “Thông báo”. Nhưng khi đó mạng vệ tinh và các ấn định tần số chỉ được công nhận tạm thời và không có quyền được bảo vệ có nghĩa là khi có một nước thông báo với ITU rằng mạng vệ tinh mới gây nhiễu cho hệ thống mạng vệ tinh của họ thì mạng vệ tinh mới buộc phải ngừng phát các phát xạ gây nhiễu.

Ngoài ra trước thời điểm đưa mạng vệ tinh vào hoạt động cơ quan quản lý đăng ký mạng vệ tinh mới phải nộp bộ hồ sơ thông báo về tên nhà sản xuất vệ tinh, tên lửa đẩy, thời gian dự kiến phóng vệ tinh, … theo mẫu mà ITU qui định. Tất cả các thủ tục trên chỉ được thực hiện tối đa trong thời hạn 7 năm kể từ ngày ITU xuất bản bộ hồ sơ xuất bản trước (API). Ngược lại, toàn bộ thủ tục đăng ký mạng vệ tinh mới bị huỷ bỏ và phải thực hiện lại từ đầu.

  1. Băng tần qui hoạch

Băng tần qui hoạch là băng tần được ít được sử dụng, được qui hoạch phân bổ băng tần nhằm đảm bảo tất cả các nước đều có được vị trí quỹ đạo và đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng tài nguyên phổ tần mà không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội, qui mô và và trí của mỗi quốc gia. Nói cách khác băng tần này được giữa chỗ và để phân bổ đều cho các nước thành viên của ITU.

Băng tần qui hoạch gồm băng tần cho nghiệp vụ quảng bá, băng tần cho nghiệp vụ vệ tinh cố định.

Băng tần qui hoạch cho nghiệp vụ quảng bá qua vệ tinh (BSS)

Dải tần qui hoạch cho nghiệp vụ này bao gồm:

  • Khu vực 1:
    • 11.7 - 12.5 GHz (đường xuống)
    • 14.5 - 14.8 GHz (đường lên)
    • 17.3 - 18.1 GHz (đường lên)
  • Khu vực 2:
    • 12.2 - 12.7 GHz (đường xuống)
    • 17.3 - 17.8 GHz (đường lên)
  • Khu vực 3:
    • 11.7 - 12.2 GHz (đường xuống)
    • 14.5 - 14.8 GHz (đường lên)
    • 17.3 - 18.1 GHz (đường lên)

Các thủ tục để đăng ký một mạng vệ tinh cho nghiệp vụ BSS trong băng tần kể trên được qui định cụ thể trong Phụ lục 30/30A, Thể lệ vô tuyến điện.

Băng tần qui hoạch cho nghiệp vụ cố định qua vệ tinh (FSS)

Dải tần qui hoạch cho nghiệp vụ FSS bao gồm:

  • 4 500 và 4 800 MHz (đường xuống);
  • 6 725 và 7 025 MHz (đường lên);
  • 10.70 và 10.95 GHz (đường xuống);
  • 11.20 và 11.45 GHz (đường xuống);
  • 12.75 và 13.25 GHz (đường lên).

Các thủ tục để đăng ký một mạng vệ tinh cho nghiệp vụ FSS trong băng tần kể trên được qui định cụ thể trong Phụ lục 30B, Thể lệ vô tuyến điện.

Các hồ sơ đã được Việt nam đăng ký trong băng tần qui hoạch

Mỗi nước được phân bổ một vị trí quỹ đạo trong băng tần qui hoạch. Điều này đảm bảo sự công bằng cho mọi quốc gia đều có quyền bình đẳng về tài nguyên quỹ đạo vệ tinh. Việt nam được phân bổ vị trí quỹ đạo 107E với hai búp sóng tương ứng cho nghiệp vụ BSS và FSS là VTN32500 và VTN00000. Trên cơ sở vị trí quỹ đạo này và các điều khoản quy định của ITU, Việt nam đã đăng ký các bộ hồ sơ mạng vệ tinh như bảng sau:

  1. Hồ sơ vệ tinh do doanh nghiệp đăng ký

Hồ sơ vệ tinh do doanh nghiệp đăng ký cũng được xây dựng theo các thủ tục nêu trên đối với từng loại băng tần.

Các hồ sơ này phải được xây dựng dựa trên phần mềm của ITU.

Sau khi hoàn thiện các hồ sơ vệ tinh, doanh nghiệp phải gửi cho Cục Tần số kiểm tra. Khi việc kiểm tra cho kết luận đủ điều kiện đăng ký với ITU, Cục Tần số sẽ gửi hồ sơ đăng ký với ITU. Ngược lại, Cục Tần số sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.