I. Quá trình hình thành và phát triển
Sóng vô tuyến điện được ứng dụng rất rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt là các lĩnh vực viễn thông, phát thanh truyền hình, hàng không, hàng hải, khoa học, công nghiệp và y tế. Vì vậy, phổ tần số vô tuyến điện được hầu hết các nước trên thế giới coi là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn và quý giá.
Nhà nước Việt nam đã nhận thức rất sớm tầm quan trọng của công tác quản lý tần số và thông tin vô tuyến điện. Từ năm 1959, Chính phủ đã có các Nghị định 344/TTg về quản lý máy phát VTĐ và Nghị định 345/TTg về quản lý tần số vô tuyến điện. Trên cơ sở đó, tổ chức quản lý tần số vô tuyến điện cũng đã sớm hình thành và hoạt động phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ trong từng giai đoạn.
Từ trước năm 1978, công tác quản lý tần số được giao cho Đài C19 thuộc Cục Điện chính, từ năm 1978 là Vụ Điện chính. Tháng 10/1982, Trung tâm Tần số vô tuyến điện thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập. Giữa năm 1985, Trung tâm tần số vô tuyến điện được tách ra thành 2 bộ phận là Phòng Quản lý Tần số thuộc Vụ Điện chính và Đài Kiểm soát thuộc Công ty Điện báo Bưu điện Hà Nội. Tháng 5/ 1989, Trung tâm Quốc gia Kiểm soát tần số vô tuyến điện thuộc Tổng cục Bưu điện được thành lập và đến năm 1991, đổi tên thành Trung tâm Quốc gia quản lý tần số trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện. Những tổ chức tiền thân này của Cục Tần số vô tuyến điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo cho sự hoạt động có hiệu quả của các hệ thống thông tin vô tuyến, phục vụ phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng qua các thời kỳ.
Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thông tin vô tuyến điện trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã có sự phát triển rất mạnh mẽ. Việc hệ thống thông tin di động tế bào thế hệ thứ hai được triển khai rộng rãi trên thế giới và bắt đầu đưa vào sử dụng ở Việt nam đã đặt ra nhiều vấn đề mới về quản lý tần số vô tuyến điện. Yêu cầu cần có về một tổ chức quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện đủ lớn mạnh và hiện đại nhằm đảm bảo việc sử dụng phổ tần có hiệu quả đã trở nên cấp thiết. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 8/6/1993, Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện đã ra Quyết định số 494/QĐ-TCBĐ thành lập Cục Tần số vô tuyến điện. Cục Tần số vô tuyến điện thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về tần số vô tuyến điện, quỹ đạo vệ tinh và phát sóng phát thanh, truyền hình trên phạm vi cả nước.
Sự thành lập Cục Tần số vô tuyến điện thể hiện sự đổi mới tư duy về quản lý tấn số, phù hợp với xu thế chung của quốc tế , đồng thời là sự chuẩn bị tích cực đón đầu trước sự bùng nổ của thông tin vô tuyến điện trong những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI ở Việt nam, góp phần tích cực cho việc mở cửa thị trường viễn thông và hội nhập quốc tế.
Năm 2007, Cục Tần số VTĐ đã được nâng cấp từ Cục hạng II lên Cục hạng I và ngày 04/7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 88/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Tần số VTĐ, đó là sự thể hiện tầm nhìn và sự đánh giá của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông về tầm quan trọng của công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Từ khi thành lập đến nay, Cục Tần số vô tuyến điện đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý tần số, đóng góp to lớn vào thành tích chung của Ngành Thông tin và Truyền thông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
II. Những thành tựu nổi bật:
Đổi mới tư duy, xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách quản lý hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện
Sự phát triển nhanh chóng của các nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện đòi hỏi cần có sự đổi mới về các cơ chế và chính sách quản lý. Do vậy, công tác quản lý tần số cũng đòi hỏi phải có sự thay đổi cho phù hợp. Cục đã nghiên cứu, chủ động đề xuất và xây dựng, tham mưu cho Đảng, Nhà nước những chính sách quan trọng để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, như Nghị định về Bưu chính viễn thông – phần tần số vô tuyến điện và Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về BCVT và tần số vô tuyến điện (năm 1997); Pháp lệnh BCVT – phần về tần số VTĐ (năm 2002) và Nghị định qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh BCVT về tần số vô tuyến điện (năm 2004); Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BCVT và tần số VTĐ (năm 2004).
Nổi bật nhất trong lĩnh vực công tác này là Cục Tần số đã chủ trì xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật tần số vô tuyến điện ngày 23/11/2009. Luật đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010.
Luật Tần số vô tuyến điện được ban hành góp phần hoàn thiện và nâng cao hình thức pháp luật về hoạt động quản lý tần số vô tuyến điện, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên tần số, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Bên cạnh đó, Luật Tần số vô tuyến điện ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho các hệ thống, thiết bị vô tuyến điện phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, các công nghệ mới trong lĩnh vực thông tin vô tuyến điện có thể được triển khai ở Việt Nam, tránh được can nhiễu lẫn nhau giữa các thiết bị vô tuyến điện trong nước và can nhiễu với thiết bị vô tuyến điện của các nước khác, bảo vệ lợi ích của quốc gia.
Ngay sau khi Luật Tần số VTĐ có hiệu lực thi hành, Cục Tần số đã trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quan trọng quy định chi tiết một số nội dung của Luật, như: hướng dẫn thủ tục cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, cho thuê, cho mượn thiết bị tần số vô tuyến điện, sử dụng chung tần số vô tuyến điện; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện; đấu giá, chuyển nhượng tần số,…
Xây dựng hệ thống qui hoạch tần số, có tính chất mở đường, thúc đẩy sự phát triển thông tin vô tuyến trên tất cả các lĩnh vực (phát thanh truyền hình, thông tin di động, dẫn đường hàng không, hàng hải, đến những hệ thống thông tin dùng riêng, an ninh quốc phòng).
Quy hoạch tần số là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng của quản lý tần số, có ý nghĩa to lớn trong việc đảm bảo hiệu quả sử dụng phổ tần cũng như thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ thông tin vô tuyến.
Năm 1998, Cục đã chủ trì xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam cho các nghiệp vụ”. Quy hoạch này tiếp tục được hoàn thiện và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào các năm 2005, 2009 với tên gọi “Qui hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia”. Hiện nay, Cục đang tập trung hoàn thành việc sửa đổi Quy hoạch này theo kết quả Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới WRC-2012, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013.
Quy hoạch phổ tần số quốc gia được đánh giá cao, vì các nội dung phù hợp với các văn bản pháp quy hiện hành của Việt Nam cả về viễn thông và tần số vô tuyến điện, đồng thời trên cơ sở bản Quy hoạch này, phổ tần số được sử dụng rất có hiệu quả và tiết kiệm. Đặc biệt, bản Quy hoạch đã đáp ứng kịp thời được các yêu cầu phát triển công nghệ mới trong thông tin vô tuyến, cập nhật các kết quả nghiên cứu của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU), tạo ra các tiền đề pháp lý và kỹ thuật cho việc quản lý tần số một cách khoa học, chấn chỉnh tình trạng sử dụng tần số, nhập khẩu thiết bị một cách tự do, tuỳ tiện, gây lãng phí tài nguyên phổ tần.
Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là cơ sở để Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các quy hoạch cụ thể, các quy định chi tiết về quản lý, khai thác sử dụng tần số vô tuyến điện khác, như: Quy hoạch phân kênh cho nghiệp vụ cố định và lưu động dải tần 30MHz đến 30GHz (năm 2000); các Quy hoạch băng tần thông tin di động: Quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động IMT-2000 của Việt Nam đến năm 2015 trong dải tần 1900-2200MHz (năm 2005); Quy hoạch băng tần cho các hệ thống thông tin di động tế bào số của Việt Nam trong các dải tần 821-960 MHz và 1710-2200 MHz (năm 2008)... Các quy hoạch băng tần cho thông tin di động thực sự có vai trò mở đường và thúc đẩy sự phát triển của thông tin di động ở Việt Nam. Nhờ đó, đến năm nay, Việt Nam đã có hơn 121 triệu thuê bao điện thoại di động, thị trường thông tin di động đã trở thành một thị trường cạnh tranh, cung cấp dịch vụ cho mọi tầng lớp nhân dân với giá cả rẻ, đóng góp trên 5% GDP. Các quy hoạch băng tần thể hiện rõ chính sách công khai, minh bạch trong quản lý nhà nước về tần số, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động trong việc định hướng về công nghệ và đầu tư, đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần cũng như cơ sở hạ tầng viễn thông.
Để thúc đẩy triển khai Đề án “Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông”, Cục đã hoàn thành xây dựng Thông tư về Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình số mặt đất băng tần VHF/UHF đến năm 2020. Quy hoạch ra đời sẽ góp phần phát triển hệ thống truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất theo hướng chuyên môn hoá, hiện đại, hiệu quả, thống nhất về tiêu chuẩn và công nghệ, nâng cao chất lượng dịch vụ truyền hình số mặt đất, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng phổ tần, tiến tới giải phóng một phần băng tần UHF để phát triển các hệ thống truy cập băng rộng vô tuyến.
Đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công tác ấn định và cấp phép tần số, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên hữu hạn tần số vô tuyến điện
Công tác ấn định và cấp phép tần số là công tác thực thi pháp luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp viễn thông, các đài phát thanh truyền hình và các tổ chức, cá nhân khác sử dụng tần số vô tuyến điện. Việc ấn định và cấp phép tần số không phải là công việc hành chính thuần tuý mà đòi hỏi phải sử dụng công nghệ và kỹ thuật hiện đại để đưa ra được các ấn định chính xác, không gây nhiễu và không bị can nhiễu có hại, đảm bảo sử dụng hiệu quả nhất phổ tần số vô tuyến điện.
Nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của tổ chức, cá nhân sử dụng tần số, trong suốt 20 năm qua, Cục đã thường xuyên đổi mới quy trình, cải cách triệt để thủ tục hành chính, đồng thời dựa trên quy trình khoa học và minh bạch. Minh chứng cho điều này, đó là Cục một trong số cơ quan QLNN sớm được cấp chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 (năm 2009) và ISO 9001:2008 (năm 2012); là một trong những cơ quan đầu tiên thực hiện cấp phép điện tử mức độ 4 với gần 30 nghìn giấy phép điện tử đã được cấp. Một trong những thành công của công tác cấp phép đó là Cục đã thực hiện cấp hàng chục nghìn giấy phép sử dụng tần số, mà không để xảy ra tiêu cực gây ảnh hưởng đến quền lợi của khách hàng.
Cho đến nay, tất cả các dịch vụ thông tin vô tuyến từ thông tin di động, phát thanh truyền hình, dẫn đường hàng không, hàng hải, rada khí tượng, đến bộ đàm, định vị, .v.v.. đều đã được kiểm soát thông qua ấn định và cấp phép. Nhờ đó việc sử dụng phổ tần đã trở nên có trật tự và hiệu quả, hạn chế tối đa khả năng gây can nhiễu lẫn nhau.
Một hoạt động cấp phép đáng chú ý trong nhiều năm gần đây, đó là Cục đã tập trung thực hiện cấp phép cho thiết bị VTĐ đặt trên phương tiện nghề cá của tư nhân, nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác của ngư dân trên vùng biển, thông tin kịp thời, chính xác khi có sự cố, giảm thiểu đáng kể thiệt hại vào mùa mưa bão, góp phần vào việc bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực biển đảo.
Áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại vào hoạt động kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu đảm bảo cho các hệ thống thông tin vô tuyến hoạt động bình thường, thông suốt, không bị can nhiễu có hại, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an toàn, an ninh quốc gia.
Công tác kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm và xử lý can nhiễu đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực thi quyền quản lý nhà nước về tần số. Từ khi thành lập đến nay, đặc biệt trong hơn 10 năm trở lại đây, bằng các công nghệ kiểm soát đa năng, hiện đại và trang thiết bị kiểm soát chuyên dụng, Cục đã thực hiện kiểm soát thường xuyên các dải tần từ (9KHz-3GHz) tại tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc, chú trọng kiểm soát các mạng đài HF phục vụ an toàn cứu nạn, hàng không hàng hải, phòng chống bão lụt, kiểm soát các băng tần HF, V/UHF của PTTH, của các phương tiện đánh bắt cá xa bờ. Nhờ tăng cường kiểm soát thường xuyên và mở rộng địa bàn kiểm soát, số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, trật tự sử dụng phổ tần được thiết lập, ý thức tiết kiệm trong sử dụng phổ tần của các tổ chức và cá nhân ngày càng được nâng cao; mặt khác hoạt động kiểm soát cũng đã hỗ trợ rất tốt cho các cơ quan an ninh, quốc phòng phá nhiều vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Cục luôn chủ động, tích cực tổ chức kiểm soát và đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ các sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước như các kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội, Hội nghị cấp cao ASEAN 17, Đại lễ kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội, Seagame...
Chủ động, sáng tạo, bản lĩnh trong hoạt động hợp tác phối hợp quốc tế để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số vô tuyến điện, giành vị trí quĩ đạo để phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2 và tiếp tục chuẩn bị vị trí quỹ đạo cho các dự án vệ tinh viễn thám.
Một đặc điểm quan trọng trong quản lý tần số là sóng vô tuyến truyền lan không bị hạn chế về biên giới hành chính. Vì vậy, hoạt động hợp tác và phối hợp quốc tế trong quản lý tần số có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ các lợi ích quốc gia cũng như thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế về tần số và quỹ đạo vệ tinh mà Việt nam đã ký kết.
Từ khi mới thành lập đến nay, Cục luôn chủ động mở rộng hợp tác quốc tế song phương, đa phương. Cục đã tham gia tích cực trong các tổ chức quốc tế như Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) và Tổ chức viễn thông Châu Á - Thái bình dương (APT). Tại các Hội nghị quốc tế, Cục luôn có những đóng góp tích cực, nhiều kiến nghị, đề xuất đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số, quỹ đạo vệ tinh; đồng thời nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Một số thành tích tiêu biểu là: Tại Hội nghị vô tuyến thế giới WRC -1997, Cục đã đấu tranh giành được quyền phủ sóng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho nghiệp vụ thông tin vô tuyến quảng bá; tại Hội nghị WRC-2000, đoàn Việt Nam đã thành công trong việc đề nghị Hội nghị thông qua việc Việt Nam thay đổi vị trí quỹ đạo cho vệ tinh quảng bá trong băng tần quy hoạch, sửa đổi vùng phủ sóng để bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị WRC-2003, lần đầu tiên, Việt Nam đã đề xuất một dự thảo Nghị quyết về việc sử dụng băng tần quy hoạch cho vệ tinh và đã được sử dụng làm cơ sở cho Nghị quyết chung của Hội nghị WRC.
Cũng trên phương diện hợp tác quốc tế, Cục đã hỗ trợ nước bạn Lào trong công tác kiểm soát, đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong suốt thời gian diễn ra Seagames 2009 tổ chức chức tại Lào. Với thành tích này, Cục Tần số vô tuyến điện đã vinh dự được Nhà nước Lào tặng Huân chương Lao động hạng nhì.
Một trong những thành tích nổi bật nhất của Cục Tần số là đề xuất và trực tiếp tham gia xây dựng dự án tiền khả thi; chủ trì thực hiện các thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số cho vệ tinh viễn thông VINASAT của Việt Nam. Sau hơn 10 năm thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh với ITU và 27 quốc gia hết sức phức tạp, Cục đã hoàn thành phối hợp với các mạng vệ tinh xung quanh vị trí quỹ đạo 132 độ Đông, tiền đề cho việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-1 vào năm 2008. Tiếp nối thành công đó, Cục Tần số đã đăng ký thành công vị trí quỹ đạo và hoàn thành phối hợp tần số cho việc cho việc phóng thành công vệ tinh VINASAT-2 vào năm 2012. Với việc phóng thành công hai vệ tinh VINASAT-1 và vệ tinh VINASAT-2, Việt Nam đã có hệ thống vệ tinh có khả năng dự phòng về dung lượng và giảm thiểu rủi ro giữa các vệ tinh, củng cố an ninh, an toàn cho mạng viễn thông quốc gia, đồng thời đem lại lợi ích chung cho cộng đồng, góp phần tăng cường khả năng khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên tần số quỹ đạo vệ tinh.
Nối tiếp việc hoàn thành đăng ký vị trí quỹ đạo và phối hợp tần số, góp phần quan trọng cho việc phóng thành công hai vệ tinh nói trên. Gần đây, Cục đã hoàn thành thủ tục đăng ký, phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh để phóng thành công vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam VNRedsat-1 vào tháng 5/2013 vừa qua.
Với những đóng góp quan trọng cho sự phát triển thông tin vệ tinh của Việt Nam, đặc biệt là đóng góp xuất sắc vào việc phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1, Cục vinh dự và tự hào được Nhà nước tặng Huân chương lao động Hạng nhì về thành tích này.
Trực tiếp tham gia, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với với các đơn vị an ninh, quốc phòng góp phần thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Ngay từ khi mới thành lập đến nay, Cục đã có nhiều đóng góp trực tiếp vào hoạt động đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nổi bật là:
Đảm bảo đủ băng tần số phục vụ các hệ thống thông tin khí tài chiến đấu của lực lượng an ninh quốc phòng, tránh gây can nhiễu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng có hiệu quả băng tần giữa ba khối dân sự, an ninh và quốc phòng, Cục tập trung nghiên cứu, phân chia băng tần giữa dân sự, an ninh quốc phòng. Kết quả, đến năm 2004, Cục đã hoàn thành phân chia băng tần giữa Dân sự - An ninh - Quốc phòng dải 9KHz-470MHz. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng quy định rõ việc phân công trách nhiệm và quyền hạn của các Bộ Công an, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông trong quản lý phổ tần.
Trực tiếp tham gia hoặc phối hợp kiểm soát và xử lý can nhiễu, phục vụ trực tiếp cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, Cục đã thực hiện kiểm soát thường xuyên các dải tần số trên phạm vi cả nước; tổ chức nhiều đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện khảo sát tình hình sử dụng tần số tại nhiều khu vực trọng điểm về an ninh chính trị, luôn đòi hỏi phải có sự quản lý. Thông qua các hoạt động này, đã phát hiện và xử lý triệt để các vụ can nhiễu, đảm bảo sự thông suốt của các mạng thông tin dân sự và an ninh quốc phòng, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.
Một số vụ việc điển hình mà Cục đã tham gia cùng lực lượng an ninh, quốc phòng phát hiện, phá án là: Vụ án sử dụng vệ tinh VSAT lậu để kinh doanh viễn thông quốc tế trái phép tại Việt Nam (năm 1999); vụ bạo động của thế lực thù địch tại địa bàn Tây Nguyên dịp tết Nhâm Ngọ 2002; vụ án sử dụng thông tin vô tuyến để tuyên truyền pháp luân công của các tổ chức phản động tại Sóc Sơn - Hà Nội; vụ án lừa đảo tín dụng của tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; gần đây là chuyên án phá Mạng lưới đánh bạc trực tuyến với casino Campuchia tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài (Việt Nam) và khu vực cửa khẩu Bavet (Campuchia).
Với thành tích trực tiếp tham gia và phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, Cục đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba.
Chú trọng công tác xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống kỹ thuật hiện đại đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác quản lý tần số, phục vụ mục đích kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng. Không ngừng kiện toàn tổ chức bộ máy và nhân sự, có đội ngũ chuyên gia lành nghề, làm chủ khoa học công nghệ, qui trình quản lý và tham gia tích cực hoạt động quốc tế đạt hiệu quả cao.
Tần số vô tuyến điện là lĩnh vực kỹ thuật có đặc thù cao và phức tạp, do đó quản lý tần số VTĐ không đơn thuần mang tính hành chính mà quyết định quản lý phải được xuất phát từ kết quả phân tích, đánh giá về mặt kỹ thuật của trang thiết bị chuyên ngành. Xuất phát từ đó, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phục vụ quản lý tần số luôn có tính đặc thù, chuyên dụng, chi phí đầu tư rất cao.
Với tính chất đặc thù đó, ngay từ khi thành lập, Cục đã chủ động đầu tư, xây dựng cơ sở kỹ thuật hiện đại để phục vụ công tác quản lý, đảm bảo luôn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý tần số. Sau gần 20 năm, từ một đơn vị có quy mô mô nhỏ với cơ sở vật chất nghèo nàn, Cục đã trở thành cơ quan quản lý chuyên ngành có đội ngũ công chức, viên chức hùng hậu và chuyên nghiệp với trên 350 người, trong đó 85% có trình độ từ đại học trở lên, nhiều CCVC đạt trình độ chuyên gia về lĩnh vực tần số vô tuyến điện và luôn thành công trong các diễn đàn về tần số vô tuyến điện của thế giới và khu vực; có cơ sở vật chất kỹ thuật to lớn và hiện đại với hàng trăm trạm kiểm soát tần số cố định, trạm điều khiển từ xa, và các xe kiểm soát lưu động, luôn đáp ứng yêu cầu quản lý tần số và quỹ đạo vệ tinh ngày, chủ động trước sự phát triển bùng nổ của thông tin vô tuyến; hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp và luôn đảm bảo kết nối trong nội bộ và với bên ngoài.
Cùng với sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, từ ngày thành thành lập đến nay, Cục đặc biệt chú trọng công tác kiện toàn tổ chức bộ máy. Trong giai đoạn 1993 đến 2000, từ 02 Đài kiểm soát tần số tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh khi mới thành lập, Cục đã triển khai hoạt động 08 Trung tâm Tần số VTĐ khu vực tại các thành phố lớn. Điều này đã đảm bảo cho Cục thực hiện có hiệu quả quản lý tần số trên phạm vi toàn quốc. Các đơn vị tham mưu thuộc Cục thường xuyên được kiện toàn đảm bảo phù hợp yêu cầu quản lý, đảm bảo tính chuyên môn hóa cao và chuyên nghiệp trong hoạt động của Cục.
Chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách về phí và lệ phí sử dụng tần số hiệu quả, là công cụ để quản lý tốt nguồn tài nguyên tần số, tạo nguồn thu tài chính phục vụ đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm soát tần số hiện đại đáp ứng mọi yêu cầu quản lý, đồng thời đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.
Từ nguồn thu phí và lệ phí sử dụng tần số, Cục Tần số đã đầu tư, trang bị cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại với hàng trăm trạm kiểm soát tần số cố định, trạm điều khiển từ xa, và các xe kiểm soát lưu động, đáp ứng được yêu cầu kiểm soát thông tin vô tuyến, xác định các nguồn nhiễu và các vi phạm trên phạm vi toàn quốc; cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, tác nghiệp và luôn đảm bảo kết nối trong nội bộ và với bên ngoài.
Ngoài đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ quản lý tần số, trong 10 năm qua đã nguồn thu phí và lệ phí tần số đã đóng góp vào ngân sách Nhà nước gần 1.500 tỷ đồng.
Chủ động, tích cực, hiệu quả trong ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới, trong nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật và cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý
Năm 2010, Cục Tần số vô tuyến điện là cơ quan Nhà nước cấp Tổng cục, Cục và tương đương duy nhất được trao tặng giải thưởng “Cơ quan Nhà nước cấp Tổng cục, Cục và tương đương ứng dụng CNTT hiệu quả nhất”. Đây là giải thưởng ghi nhận, đánh giá cao về thành tích ứng dụng CNTT của Cục trong hoạt động quản lý, điều hành và tác nghiệp, trong đó nổi bật nhất là ứng dụng CNTT trong hoạt động ấn định và cấp phép.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin, tin học hóa quản lý, hệ thống mạng, máy chủ, xây dựng Website, chương trình cấp phép điện tử qua mạng, phần mềm Ellipse, Email... của Cục liên tục được bảo trì, nâng cấp nhằm đảm bảo tốt công tác quản lý tần số. Các phần mềm chuyên ngành và phần mềm phục vụ điều hành tác nghiệp tiếp tục được ứng dụng sâu rộng. Từ năm 2008, Cục đã thực hiện giao dịch văn bản điện tử trong toàn cơ quan thông qua phương tiện e.mail và phần mềm quản lý văn bản (net-office). Đến nay, trong Cục sử dụng trên 75% văn bản điện tử thay thế văn bản giấy, qua đó góp phần tiết kiệm nhiều chi phí hành chính và năng suất lao động được tăng lên rõ rệt.
Trong công tác cải cách thủ tục hành chính, bên cạnh việc thực hiện đơn giản hóa triệt để thủ tục cấp giấy phép tần số hướng đến tối thiểu chi phí của khác hàng và chi phí quản lý của cơ quan quản lý, Cục luôn quyết tâm đổi mới lề lối làm việc, cải tiến quy trình tác nghiệp, ... thông qua ban hành, áp dụng một loạt các qui chế, quy định như: Quy chế làm việc, Quy định giao dịch văn bản điện tử trong nội bộ, Quy chế Văn hóa công sở, Quy chế thi đua Khen thưởng, Quy định về công tác sáng kiến,...
Năm 2011, Cục đã khai trương Phòng đo tương thích điện từ EMC. Phòng đo tương thích điện từ của Cục là phòng đo kiểm về EMC đầu tiên của khu vực phía Bắc Việt Nam, được đầu tư hệ thống đo nhiễu điện từ EMI vào năm 1998, được công nhận trong hệ thống các phòng thí nghiệm của Việt Nam mã số VILAS 060 năm 2000. Hệ thống thiết bị phòng đo tương thích điện từ công nghệ hiện đại đạt chuẩn quốc tế của Phòng được đưa vào khai thác, sử dụng từ tháng 7/2011, đã đáp ứng được đầy đủ các phép đo kiểm về EMC (bao gồm đo phát xạ và thử miễn nhiễm điện từ); Triển khai thực hiện tốt việc đo kiểm mẫu sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị VTĐ cho khách hàng, phục vụ công tác chứng nhận hợp quy của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây được coi là một trong những công cụ rất quan trọng, để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý về tần số VTĐ.
Phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá công tác quản lý luôn được Cục đẩy mạnh và thường xuyên động viên cán bộ công chức tham gia. Hàng năm, Cục đã tổ chức đăng ký và thực hiện hàng chục đề tài cấp ngành, đề tài cấp cơ sở, gần trăm sáng kiến cấp Cục và cấp đơn vị. Kết quả các đề tài khoa học và các sáng kiến đã được ứng dụng rộng rãi trong thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tần số.
Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo trình độ về mọi mặt cũng như công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ công chức, viên chức và người lao động.
Trong gần 20 năm qua, Cục đã cử hơn một nghìn lượt công chức tham dự các khóa đào tạo trong và ngoài nước, trong đó riêng về đào tạo dài hạn: ngoài nước 04 tiến sỹ và 08 thạc sỹ; trong nước 01 tiến sỹ, 47 thạc sỹ và 12 đại học; cao cấp lý luận chính trị 24. Đến nay, 100% công chức, viên chức của Cục được đào tạo đầy đủ các kiến thức đáp ứng yêu cầu về trình độ theo tiêu chuẩn chức danh.
Bên cạnh đó, hàng năm Cục đều tổ chức các lớp bồi dưỡng cập nhật, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho CCVC như: nhập môn về quản lý tần số để trang bị kiến thức cần thiết cho cán bộ mới vào công tác; kiến thức quản lý tần số, thông tin vệ tinh, thông tin di động, thông tin vô tuyến hàng không, thực hành kỹ năng thiết bị, kiến thức quản lý Nhà nước, lý luận chính trị.v.v.. Nhờ đó mà trình độ đội ngũ cán bộ của Cục đã không ngừng được nâng cao, có khả năng giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo tốt quyền lợi của người lao động, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản
Xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của Cục, Đảng uỷ Cục đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát các hoạt động của Công đoàn, Đoàn thanh niên Cục, hướng các hoạt động của công đoàn và đoàn thanh niên vào các phong trào thi đua, và chăm lo đời sống cho người lao động, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo Đảng, chuyên môn, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cục luôn quan tâm việc tổ chức học tập, tuyên truyền giáo dục, vận động tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hàng năm đều có kế hoạch triển khai công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hoá cho cho cán bộ công chức; Tổ chức cho công chức quán triệt các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các quy chế về chính sách xã hội của ngành v.v…; Tổ chức tốt các phong trào thi đua, vận động công chức hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ công tác của Cục và các đơn vị thuộc Cục. Vận dụng tốt các phong trào thi đua, kết hợp tổ chức các hoạt động thể thao văn nghệ, giao lưu, tham quan, học tập về truyền thống yêu nước, truyền thống dân tộc... Công tác phát triển Đảng cũng luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo Đảng, chuyên môn, Công đoàn và Đoàn thanh niên coi trọng nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhiều đoàn viên ưu tú để Đảng xem xét, kết nạp.
Công đoàn Cục thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động công chức, viên chức trong Cục tích cực tham gia thực hiện tốt các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện, như ủng hộ đồng bào gặp thiên tai, đồng bào nghèo gặp khó khăn, thăm hỏi gia đình liệt sĩ, bà mẹ anh hùng… Nổi bật nhất, nhân dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước (30/4/2013), Cục Tần số VTĐ đã hoàn thành xây dựng và trao tặng Mẹ VNAH Phạm Thị Chừ (Mẹ có chồng và 03 người con hy sinh trong cuộc chiến trang chống đế quốc Mỹ) ngôi nhà tình nghĩa.
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, với không ít khó khăn và thách thức nhưng công tác quản lý nhà nước về tần số của Cục Tần số vô tuyến điện đã đạt được nhiều thành tựu to lớn góp phần vào sự phát triển của ngành thông tin vô tuyến của Việt Nam cũng như đảm bảo an ninh quốc phòng. Với những kết quả đó, Cục tần số VTĐ đã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đây là phẩn thưởng xứng đáng và là nguồn động lực to lớn để mỗi cán bộ công nhân viên trong Cục tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa ngành thông tin truyền thông Việt Nam sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
III. Những phần thưởng cao quý
Huân chương Độc lập hạng Ba, vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (2014).
Danh hiệu Anh hùng Lao động, về thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc (Quyết định số 992/QĐ-CTN ngày 31/05/2013 của Chủ tịch Nước).
Huân chương lao động Hạng nhất về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2003 đến năm 2007, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Huân chương lao động Hạng nhì về thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Huân chương lao động Hạng nhì về thành tích xuất sắc trong việc phóng thành công vệ tinh viễn thông VINASAT-1, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Huân chương lao động Hạng ba về thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 1996 đến năm 2000, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Huân chương chiến công hạng ba về thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn mạng lưới và an ninh thông tin trong hoạt động bưu chính viễn thông, góp phần đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội;
Huân chương lao động Hạng ba về thành tích xuất sắc trong hoạt động công đoàn và phong trào CNVC từ năm 1993 đến năm 2008, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng thưởng về thành tích xuất sắc trong sản xuất, công tác năm 1995 đến năm 1997, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc;
Cờ thi đua của Chính phủ năm 1998; 2000; 2002; 2003; 2005; 2007; 2009;
Cờ thi đua của Bộ Thông tin và truyền thông năm 2008, 2010, 2011;
Cờ thi đua của Bộ Bưu chính Viễn thông năm 2004 và 2006;
Cờ thi đua Tổng cục Bưu điện năm 1999; 2001;
Bằng khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện năm 1996, 1997;
Bằng khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện giai đoạn 1993-1998;
Bằng khen của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về thành tích trong phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất và quản lý năm 1993-1995; 1996-1998;
Bằng khen của Tổng cục An ninh -Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong phong trào Bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 1999;
Cờ thi đua của Đảng ủy khối cơ quan Trung ương năm 2011;
Bằng khen của Đảng ủy khối cơ quan Trung ương giai đoạn 2007- 2009
Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2006;
Cờ thi đua của Công đoàn viên chức Việt Nam, năm 2011;
Bằng khen của Công đoàn Bưu điện Việt Nam từ năm 2000 đến 2005;
Bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh năm 2004;
Bằng khen của Thành đoàn Hà Nội 2003, 2005,
Ngoài ra, nhiều tập thể, cá nhân trong Cục được tặng thưởng Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chỉnh phủ, Cờ thi đua của Chính phủ, Cờ thi đua của Bộ Thông tin và truyền thông, Bằng khen của Bộ Thông tin và truyền thông, Bằng khen của các đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.
IV. Lãnh đạo Cục qua các thời kỳ
1. Ông Nguyễn Ngọc Cảnh
Giám đốc Trung tâm quản lý tần số quốc gia từ 1991 đến 1993
2. Bà Phan Thị Nhã
Phó Cục trưởng từ 1993 đến 1997
3. Ông Lưu Văn Lượng (đã mất)
Cục trưởng từ năm 1993 đến tháng 01/2002
Nghỉ hưu từ tháng 02/2002
4. Bà Vũ Thị Bích
Phó Cục trưởng từ tháng 11/1993 đến tháng 03/2003
Cục trưởng từ 03/2003 đến tháng 05/2006
Nghỉ hưu từ tháng 5/2006
5. Ông Chu Mai Hồng
Phó Cục trưởng từ năm 2001 đến tháng 6/2005
Nghỉ hưu từ tháng 7/2005
6. Ông Đoàn Quang Hoan
Phó Cục trưởng từ tháng 9/1998 đến tháng 04/2006
Cục trưởng từ tháng 05/2006 đến tháng 7/2018
Nghỉ hưu từ tháng 8/2018
7. Ông Nguyễn Ngọc Duyên
Phó Cục trưởng từ tháng 12/2001 đến tháng 3/2015
Được điều động, bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ TTTT) từ 16/3/2015.
8. Bà Ngô Thuý Trầm
Phó Cục trưởng từ tháng 10/2005 đến 8/2011
Nghỉ hưu từ tháng 9/2011
9. Ông Nguyễn Ngọc Lâm (đã mất tháng 5/2020)
Phó Cục trưởng từ tháng 12/2006 đến 05/2020
10. Ông Lê Văn Tuấn
Phó Cục trưởng từ tháng 3/2011 đến 02/2020
Được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT) từ 15/02/2020
Được điều động, bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện từ 01/9/2022
11. Ông Nguyễn Văn Thư
Phó Cục trưởng từ tháng 5/2011 đến tháng 8/2018
Nghỉ hưu từ tháng 9/2018
12. Bà Nguyễn Phương Anh
Phó Cục trưởng từ tháng 4/2015 đến nay
13. Ông Trần Mạnh Tuấn
Phó Cục trưởng từ tháng 3/2019 đến nay
14. Ông Lê Thái Hòa
Phó Cục trưởng từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023
Được điều động, bổ nhiệm giữ chức Thư ký Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông từ 09/03/2023
15. Ông Nguyễn Đức Trung
Cục trưởng từ tháng 7/2019 đến tháng 8/2022
Nghỉ hưu từ tháng 9/2022.