Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật "BỘ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN"

02/11/2021

(rfd.gov.vn)- Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật "BỘ DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN". Thời gian từ ngày 01/11/2021 đến ngày 01/01/2022.

QUỐC HỘI
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Luật số:      /2022/QH15
 

DỰ THẢO 1
ngày 29/10/2021


 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện số …../2022/QH15.

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

1.   Bổ sung khoản 19 vào Điều 3 như sau:

19. Hạn mức sử dụng tần số vô tuyến điện là giới hạn tối đa tổng độ rộng các băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng mà một tổ chức được cấp phép sử dụng trong hoạt động viễn thông.”

2.   Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm h khoản 2 Điều 5 như sau:

“c) Cấp, cấp mới, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; quản lý lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện, phí sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

h) Quản lý đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ vô tuyến điện và quản lý việc cấp Chứng chỉ vô tuyến điện viên;”.

3.   Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 như sau:

“7. Phù hợp với quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông đối với băng tần sử dụng trong hoạt động viễn thông.”.

4.   Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 11 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 như sau:

b) Quy hoạch băng tần là quy hoạch phân bổ một hoặc một số băng tần thành các khối băng tần cho một hệ thống thông tin vô tuyến điện và quy định nguyên tắc, điều kiện sử dụng cụ thể đối với băng tần đó.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

“3. Việc sản xuất, nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện để sử dụng tại Việt Nam và việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện phải phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện theo quy định của pháp luật trừ trường hợp quy định tại Điều 22b của Luật này.”.

5.   Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 13 như sau:

“1. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị vô tuyến điện có khả năng gây nhiễu có hại trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường hoặc sử dụng phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy trừ trường hợp quy định tại Điều 22b của Luật này.”.

6.   Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 15 như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thiết bị điện, điện tử có bức xạ vô tuyến điện thuộc Danh mục thiết bị có khả năng gây mất an toàn do không tương thích điện từ quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, trước khi đưa vào lưu thông trên thị trường hoặc sử dụng phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và sử dụng dấu hợp quy trừ trường hợp quy định tại Điều 22b của Luật này.”.

7.   Sửa đổi, bổ sung khoản 4, bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 16 như sau:

“4. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết thủ tục cấp, cấp mới, sửa đổi, bổ sung, gia hạn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện; thu hồi giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.

5. Chính phủ quy định chi tiết về thu hồi giấy phép sử dụng băng tần, giấy phép sử dụng tần số và quỹ đạo vệ tinh.”.

8.   Bổ sung khoản 2a sau khoản 2 Điều 17 như sau:

“2a. Phù hợp với quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về hạn mức sử dụng tần số vô tuyến điện.”.

9.   Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:

“1. Phương thức cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định như sau:

a) Cấp giấy phép trực tiếp được thực hiện trên cơ sở xem xét hồ sơ xin cấp giấy phép theo nguyên tắc tổ chức, cá nhân đăng ký trước được xét cấp trước;

b) Cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ thi tuyển, theo những tiêu chí cơ bản về năng lực tài chính và đầu tư, năng lực kỹ thuật nghiệp vụ, năng lực kinh doanh, nguồn nhân lực;

c) Cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện trên cơ sở đánh giá hồ sơ đấu giá theo những tiêu chí nhất định và mức trả giá của doanh nghiệp.

2. Áp dụng phương thức cấp giấy phép trực tiếp đối với:

a) Băng tần, kênh tần số không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này;

b) Tần số vô tuyến điện sử dụng cho mục đích thử nghiệm để đánh giá công nghệ và thử nghiệm để đánh giá thị trường viễn thông theo pháp luật về viễn thông. Việc thử nghiệm không là điều kiện ưu tiên khi tham gia đấu giá, thi tuyển.

c) Tần số được cấp mới theo quy định tại Điều 22a của Luật này.

3. Áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng trong trường hợp cần phủ sóng nhanh, trên phạm vi rộng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

5. Việc đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần, kênh tần số khác ngoài băng tần quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này do Chính phủ quyết định.

6. Chính phủ quy định chi tiết về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. ”.

10.   Bổ sung Điều 18a vào sau Điều 18 như sau:

“Điều 18a. Cách thức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện

1. Đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được thực hiện theo nguyên tắc cho phép người tham gia đấu giá được thay đổi số lượng khối băng tần hoặc vị trí khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá và được thực hiện theo quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.

2. Cách thức đấu giá nhiều vòng, đồng thời tất cả các khối băng tần và cho phép người tham gia đấu giá được linh hoạt quyết định số lượng khối băng tần muốn mua tại cuộc đấu giá

a) Cuộc đấu giá gồm giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá của người tham gia đấu giá và giai đoạn xác định vị trí cụ thể khối băng tần trúng đấu giá của người trúng đấu giá.

b) Giai đoạn xác định số lượng khối băng tần trúng đấu giá của người tham gia đấu giá được thực hiện như sau:

Tại mỗi vòng trả giá, người tham gia đấu giá được quyết định số lượng khối băng tần muốn mua theo mức giá do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định;

Giai đoạn này kết thúc tại vòng mà tổng số khối băng tần muốn mua của tất cả người tham gia đấu giá ít hơn hoặc bằng số lượng khối băng tần được đưa ra đấu giá. Trường hợp tổng số khối băng tần muốn mua của tất cả người tham gia đấu giá ít hơn số lượng khối băng tần được đưa ra đấu giá, thì cho phép tổ chức thêm một vòng trả giá kín để xác định người trúng đấu giá các khối băng tần còn lại.

c) Giai đoạn xác định vị trí cụ thể khối băng tần trúng đấu giá của người trúng đấu giá theo điểm b khoản này thực hiện như sau:

Tổ chức một vòng trả giá kín duy nhất giữa những người được xác định trúng đấu giá theo quy định tại điểm b khoản này. Người trả giá được chọn vị trí khối băng tần trúng đấu giá theo mức trả giá từ cao xuống thấp theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

d) Số tiền trúng đấu giá của người trúng đấu giá là tổng số tiền mà người đó trả trong cả hai giai đoạn đấu giá quy định tại điểm b và c khoản này.

3. Cách thức đấu giá nhiều vòng, đồng thời tất cả các khối băng tần và cho phép người tham gia đấu giá được linh hoạt quyết định vị trí khối băng tần muốn mua.

a) Tại mỗi vòng, người tham gia đấu giá có quyền trả giá cho bất kỳ khối băng tần nào. Để được tiếp tục trả giá ở các vòng sau, người tham gia đấu giá phải duy trì quyền trả giá của mình bằng cách trả tiếp cho khối đã trả nếu không phải là người trả giá cao nhất tại vòng trước đó hoặc chuyển sang trả giá cho khối băng tần khác.

b) Cuộc đấu giá kết thúc khi không có người nào trả giá hoặc không có người nào còn quyền trả giá.

c) Người được xác định trúng đấu giá tại một khối băng tần là người trả giá cao nhất cho khối băng tần đó.” .

11.   Sửa đổi, bổ sung điểm b, c khoản 2 Điều 19 như sau:

“b) Có giấy phép viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông;

c) Có giấy phép hoạt động báo chí hoặc được quyền phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật.”.

12.   Sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 20 như sau:

“2. Điều kiện để được cấp giấy phép trong trường hợp áp dụng phương thức cấp giấy phép trực tiếp được quy định như sau:

a) Có đủ các điều kiện để được cấp giấy phép quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này đối với băng tần, kênh tần số quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 18 của Luật này;

b) Có đủ các điều kiện quy định tại điểm a khoản này và có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với băng tần, kênh tần số quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 của Luật này.

3. Điều kiện để được cấp giấy phép trong trường hợp áp dụng phương thức đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện bao gồm:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này;

b) Có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông theo quy định của pháp luật về viễn thông;

c) Hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó với Nhà nước về viễn thông, tần số vô tuyến điện (nếu có);

d) Cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định;

đ) Thắng trong đấu giá hoặc trúng tuyển trong thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.”.

13.   Bổ sung Điều 22a, Điều 22b vào sau Điều 22 như sau:

“Điều 22a. Cấp mới giấy phép sử dụng băng tần

1. Khi giấy phép sử dụng băng tần lần đầu được cấp thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hết hạn sử dụng, tổ chức được xem xét cấp mới thông qua phương thức cấp giấy phép trực tiếp trong các trường hợp sau:

a) Khi quy hoạch băng tần tại thời điểm cấp mới không làm thay đổi phân bổ khối băng tần so với quy hoạch băng tần đã áp dụng để cấp phép cho các tổ chức trước đó;

b) Khi quy hoạch băng tần tại thời điểm cấp mới có thay đổi phân bổ khối băng tần so với quy hoạch băng tần đã áp dụng để cấp phép cho các tổ chức trước đó nhưng vẫn đảm bảo khả năng phân bổ cho các tổ chức đó.

2. Thời hạn của giấy phép cấp mới theo quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này.

3. Trước khi giấy phép sử dụng băng tần hết hạn ít nhất 3 năm, Bộ Thông tin và Truyền thông thông báo về kế hoạch cấp phép, phương thức cấp phép đối với băng tần đã cấp.

4. Điều kiện cấp mới giấy phép bao gồm:

a) Có đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này;

b) Thực hiện đầy đủ cam kết về triển khai mạng viễn đối với băng tần, kênh tần số đã được cấp (nếu có);

c) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính về viễn thông, tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số đã được cấp;

d) Nộp đúng, đủ, kịp thời tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần, kênh tần số được cấp mới;

đ) Cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định đối với băng tần, kênh tần số được cấp mới.

5. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết về cấp mới giấy phép sử dụng băng tần.

Điều 22b. Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện, quy chuẩn kỹ thuật

1. Tổ chức, cá nhân được sử dụng tần số, thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện và các quy chuẩn kỹ thuật về phát xạ vô tuyến điện, tương thích điện từ khi được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong các trường hợp sau đây:

a) Sử dụng tạm thời trong thời gian không quá 30 ngày;

b) Sử dụng cho mục đích thử nghiệm công nghệ, nghiên cứu, chế tạo và các trường hợp tương tự.

2. Điều kiện để được cấp giấy phép bao gồm:

a) Sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện vào mục đích mà pháp luật không cấm;

b) Có phương án sử dụng tần số vô tuyến điện khả thi;

c) Cam kết thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; kiểm tra, giải quyết nhiễu có hại và an toàn bức xạ vô tuyến điện;

d) Cam kết ngừng sử dụng khi gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến điện được phép sử dụng khác hoặc khi không đảm bảo an toàn bức xạ vô tuyến điện;

đ) Có giấy phép tạm nhập, tái xuất đối với các thiết bị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.

14.   Sửa đổi tên Điều 23 và sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 23 như sau:

a) Sửa đổi tên Điều 23 như sau:

“Điều 23. Đình chỉ, thu hồi giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm đ, e khoản 1 như sau:

“đ) Không nộp đúng, đủ, kịp thời phí sử dụng tần số vô tuyến điện, tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

e) Không triển khai trên thực tế các nội dung quy định của giấy phép sau thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp giấy phép trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;”;

c) Bổ sung điểm h vào khoản 1 như sau:

“h) Không khắc phục vi phạm về cam kết triển khai mạng viễn thông trong thời hạn giấy phép bị đình chỉ theo quy định tại khoản 2 Điều này.”;

d) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 như sau

“1a. Tổ chức được cấp giấy phép sử dụng băng tần thông qua đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện hoặc được cấp mới giấy phép sử dụng băng tần bị đình chỉ trong thời hạn 06 tháng một phần quyền sử dụng băng tần đã được cấp phép theo quy định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khi vi phạm cam kết triển khai mạng viễn thông.”.

15.   Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 24 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Tổ chức nhận quyền sử dụng tần số vô tuyến điện phải có đủ điều kiện được cấp giấy phép thiết lập mạng viễn thông phù hợp với băng tần, kênh tần số nhận chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về viễn thông và điều kiện cấp giấy phép quy định tại các điểm a, b, d, đ và e khoản 2 Điều 19 của Luật này;”;

 b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

“2. Chính phủ quy định chi tiết việc chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.”.

16.   Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 27 như sau:

“a) Thiết bị vô tuyến điện ít khả năng gây nhiễu có hại thuộc Danh mục quy định tại khoản 2 Điều này;”.

17.   Bổ sung khoản 10a vào sau khoản 10 Điều 29 như sau:

“10a. Thực hiện đúng cam kết về triển khai mạng viễn thông.”.

18.   Sửa đổi tên Điều 31 và sửa đổi, bổ sung Điều 31 như sau:

“Điều 31. Khai thác nguồn lực tài chính từ tần số vô tuyến điện

1. Các khoản thu tài chính từ tần số vô tuyến điện bao gồm:

a) Phí sử dụng tần số vô tuyến điện;

b) Lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện;

c) Tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.

2. Thu phí, lệ phí

a) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện phải nộp phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

b) Phí sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định trên cơ sở mục đích sử dụng; mức độ chiếm dụng phổ tần số vô tuyến điện; phạm vi phủ sóng; nhu cầu, mức độ sử dụng kênh tần số trong băng tần và địa bàn sử dụng tần số vô tuyến điện; bảo đảm bù đắp chi phí cho công tác quản lý tần số vô tuyến điện và để thi hành các chính sách của Nhà nước trong từng thời kỳ.

c) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng tần số vô tuyến điện, lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

3. Thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được quy định như sau:

a) Tổ chức sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng và các băng tần, kênh tần số khác theo quy định tại khoản 5 Điều 18 phải nộp tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, trừ trường hợp được cấp giấy phép sử dụng băng tần để thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông.

b) Chính phủ quy định cụ thể mức thu, phương thức thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện.”.

19.   Sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 Điều 32 như sau:

“1. Người trực tiếp khai thác thiết bị vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động hàng hải, di động hàng không, vô tuyến điện nghiệp dư phải có Chứng chỉ vô tuyến điện viên trừ trường hợp Luật chuyên ngành hoặc cam kết quốc tế có quy định khác.  

2. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, thủ tục công nhận tổ chức đủ điều kiện đào tạo, tổ chức thi, chấm thi, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên; quy định các loại chứng chỉ vô tuyến điện viên, đối tượng, điều kiện, thủ tục cấp, thu hồi chứng chỉ vô tuyến điện viên, công nhận chứng chỉ vô tuyến điện viên nước ngoài.”

20.   Bổ sung khoản 4, khoản 5 vào sau khoản 3 Điều 35 như sau:

“4. Cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện, Thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về sử dụng tần số vô tuyến điện.

5. Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng, danh mục phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm hành chính về tần số vô tuyến điện.”.

21.   Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 39 như sau:

“3. Tổ chức, cá nhân sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện, thiết bị điện, điện tử, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện trong khu vực nhiễu có hại có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện nguồn nhiễu nhanh chóng, chính xác và xử lý nhiễu có hiệu quả.”.

22.   Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 42 như sau:

a)     Sửa đổi, bổ sung điểm c, khoản 2 như sau:

“c) Phê duyệt kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh;”;

b)    Bổ sung điểm d sau điểm c khoản 2 như sau:

“d) Kiểm tra, thông báo Liên minh Viễn thông quốc tế các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh của Việt Nam.”;

c) Bổ sung điểm e sau điểm đ khoản 3 như sau:

“e) Kiểm tra, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông kết quả kiểm tra các đăng ký tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh của nước ngoài được Liên minh Viễn thông quốc tế công bố có khả năng ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh được giao sử dụng.”.

23.Sửa đổi điểm d khoản 1 Điều 43 như sau:

“d) Phê duyệt kết quả phối hợp quốc tế về tần số vô tuyến điện.”

24.   Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 45 như sau:

“3. Trường hợp có tình huống ảnh hưởng trực tiếp đến chủ quyền, an ninh quốc gia:

a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được phép sử dụng thiết bị vô tuyến điện không phù hợp với quy hoạch tần số vô tuyến điện, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; sử dụng tần số vô tuyến điện ngoài các tần số vô tuyến điện đã được phân bổ cho mục đích quốc phòng, an ninh và thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Tổ chức, cá nhân phải sử dụng nếu gây nhiễu có hại cho các thiết bị vô tuyến điện quy định tại điểm a khoản này.”.

25.   Bổ sung Điều 47a sau Điều 47 như sau:

“Điều 47a. Quy định chuyển tiếp

1. Không thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến đối với thời hạn còn lại của giấy phép sử dụng băng tần để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

2. Đối với các giấy phép sử dụng băng tần được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, khi giấy phép hết hạn sử dụng, tổ chức được cấp mới như đối với trường hợp cấp mới giấy phép sử dụng băng tần quy định tại Điều 22a Luật này.”.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày .... tháng … năm .…

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, kỳ họp thứ ... thông qua ngày ..... tháng … năm 2022

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 

 

 

Vương Đình Huệ