• Trang chủ
  • Tin tức
  • Đề án số hoá truyền hình

Khi số hóa, Đài truyền hình địa phương cần làm gì?

14/08/2015

(rfd.gov.vn)- Theo đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất, thì đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ hoàn tất chuyển đổi hạ tầng TDPS truyền hình từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số. Như vậy, từ nay đến hết năm 2020, hệ thống phát sóng tương tự mặt đất của các Đài truyền hình địa phương sẽ lần lượt phải dừng hoạt động. Khi đó, các Đài truyền hình địa phương chỉ còn nhiệm vụ sản xuất chương trình.

Trường quay hiện đại của Đài THVN (ảnh VTV)

Nâng cao chất lượng chương trình để cạnh tranh

Khi không còn hạ tầng phát sóng của riêng mình, chương trình của các Đài truyền hình địa phương sẽ phát sóng trên hạ tầng của doanh nghiệp TDPS toàn quốc hoặc của khu vực. Lúc đó, chương trình của Đài truyền hình tỉnh không chỉ có người dân trong tỉnh và vùng lân cận xem như hiện nay, mà sẽ được người dân trong cả nước hoặc trong khu vực theo dõi. Hơn nữa, trên mỗi hạ tầng TDPS sẽ có rất nhiều kênh chương trình của đài Trung ương và tỉnh thành khác cùng phát sóng trên đó.

Trong bối cảnh đó, chương trình của Đài nào hay hơn, hấp dẫn hơn sẽ được nhiều người dân lựa chọn để xem. Một chương trình có nhiều người xem, chắc chắn sẽ là nơi thu hút nhiều quảng cáo. Bức tranh về thị trường quảng cáo sẽ có sự thay đổi, sự đầu tư từ ngân sách địa phương cho hoạt động của đài truyền hình cũng có thể thay đổi theo chiều hướng khác nhau tùy theo chất lượng của chương trình.

Như vậy có thể nói rằng, khi số hóa các Đài truyền hình địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng chương trình của mình để tăng tính cạnh tranh.

Sắp xếp lại các nguồn lực của Đài

Khi số hóa, Đài truyền hình địa phương sẽ không còn nhiệm vụ truyền dẫn phát sóng. Chính vì vậy, các Đài truyền hình cần sắp xếp lại công việc cho lực lượng lao động đang làm nhiệm vụ này. Đó có thể là tổ chức đào tạo lại để chuyển sang làm về kỹ thuật sản xuất chương trình. Bên cạnh đó, các Đài cần hạn chế tối đa việc bổ sung lực lượng lao động làm truyền dẫn phát sóng trước giai đoạn triển khai đề án số hóa.

Cùng với việc sắp xếp lại lao động động làm TDPS, các Đài cần phải tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng và quy mô đội ngũ sản xuất chương trình, như đạo diễn, biên tập viên, phóng viên, dẫn chương trình, quay phim, kỹ thuật viên…, nhằm hướng đến nâng cao chất lượng các chương trình của Đài mình.

Ngoài ra, trong kế hoạch đầu tư, các đài cần tăng đầu tư cho mua sắm các trang thiết bị sản xuất chương trình, xây dựng trường quay tiên tiến, hiện đại; giảm dần đầu tư về truyền dẫn phát sóng.

Thiết nghĩ, trước khi triển khai số hóa, các Đài truyền hình địa phương cần sớm xây dựng phương án sắp xếp lại các nguồn lực của mình, để chủ động sắp xếp và phát triển nguồn nhân lực hợp lý, cũng như thực hiện đầu tư hiệu quả, tránh được lãng phí.

Đình Quang