Theo Báo cáo do Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan - Phó Trưởng Tiểu ban giúp việc Ban Chỉ đạo trình bày tại phiên họp cho thấy: Trong công tác thông tin tuyên truyền, nhờ sự chỉ đạo triển khai từ Trung ương đến các địa phương và việc phân bổ nguồn lực của các địa phương đã làm cho công tác thông tin tuyên truyền đạt hiệu quả tích cực tại các thành phố trực thuộc Trung ương; hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truyền hình số đã có hiệu lực, đảm bảo các yêu cầu quản lý của Bộ trong lĩnh vực truyền hình, đáp ứng yêu cầu của Đề án.
Về quản lý sản xuất, nhập khẩu, lưu thông các thiết bị thu truyền hình số mặt đất: Đến nay, các doanh nghiệp đã hoàn toàn tuân thủ quy định của Bộ TTTT, các máy thu hình được sản xuất và nhập khẩu tại Việt Nam kể từ ngày 01/04/2015 đều đã được tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất DVB-T2. Hiện có 718 mẫu TV đã được tích hợp chức năng thu DVB-T2 và 64 mẫu đầu thu DVB-T2.
Trong công tác quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất đến năm 2020, Bộ đã ban hành: Thông tư số 26/2013/TT-BTTTT quy định mỗi đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất được ưu tiên phân bổ các kênh tần số liền kề nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng tần số và Quyết định 80/QĐ-BTTTT đưa ra lộ trình chuyển đổi các kênh tần số ảnh hưởng tới các kênh tần số được ưu tiên phân bổ cho đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số toàn quốc, khu vực Bắc Bộ và khu vực Nam Bộ.
Đối với vấn đề truyền dẫn, phát sóng DVB-T2: Tại phiên họp lần thứ 7, Ban Chỉ đạo đã quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo nguyên tắc ngừng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất đến đâu thì phải phủ sóng truyền hình số mặt đất các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu và thực hiện hỗ trợ đầu thu STB đến đó. Theo đó, hiện nay, VTV đã triển khai 16 máy phát sóng DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ; AVG đã phủ sóng toàn bộ khu vực Bắc Bộ, Nam Bộ và 1 số tỉnh, thành phố miền Trung như Đà Nẵng, Bắc Quảng Nam, Khánh Hòa, phát sóng không khóa mã một số kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; VTC hiện vẫn phủ sóng theo chuẩn DVB-T tại nhiều tỉnh, thành phố và truyền tải không khóa mã 24 kênh chương trình, trong đó có 1 số các kênh chương trình thiết yếu quốc gia và địa phương; SDTV đã triển khai phát sóng DVB-T2 tại khu vực đồng bằng Nam Bộ với 06 máy phát; RTB đã thiết lập mạng đơn tần SFN với 2 máy phát kênh 48 phát sóng tại Hải Phòng và Hà Nam, hiện đang tạm thời sử dụng máy phát hình số kênh 49 để phát sóng DVB-T2 tại Hà Nội với công suất phát 14.5 kW.
Đặc biệt, trong giai đoạn qua, với chỉ đạo chặt chẽ, kịp thời của Ban Chỉ đạo, sự phối hợp tích cực của UBND TP Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cùng sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan quản lý và người dân, việc thí điểm số hóa truyền hình mặt đất tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã thành công. Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên tại khu vực Asean ngừng phủ sóng toàn bộ truyền hình tương tự mặt đất.
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Viện Chiến lược TTTT chủ trì, phối hợp với Cục PTTH&TTĐT cùng các đơn vị liên quan sớm trình Bộ ban hành Đề án thông tin, tuyên truyền số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn tiếp theo trên cơ sở tổng kết kết quả triển khai của giai đoạn 2013-2015 và xem xét kế thừa các phương thức tuyên truyền hiệu quả trong giai đoạn trước, công tác tuyên truyền phải tập trung vào đối tượng chính là người dân đang xem truyền hình tương tự, nội dung tuyên truyền phải phù hợp, thời điểm tuyên truyền trước thời gian ngừng phủ sóng truyền hình tương tự và tổ chức tuyên truyền ngay tại địa bàn tắt sóng analog.
Thứ trưởng đồng ý với đề xuất ngày 15/8/2016 sẽ ngừng phủ sóng toàn bộ kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Hồ Chí Minh; Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị cần tăng cường phối hợp thực hiện các công việc liên quan để kế hoạch ngừng phủ sóng diễn ra đúng thời gian.
Bên cạnh đó, để đảm bảo vùng phủ sóng DVB-T2 tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương và 19 địa phương chịu ảnh hưởng, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp TDPS phối hợp với các địa phương, rà soát, đảm bảo phạm vi và chất lượng phủ sóng DVB-T2 theo quy định, đảm bảo việc chuyển đổi từ analog sang DVB-T2 không làm ảnh hưởng tới việc thu xem truyền hình của người dân.
Đối với nhiệm vụ chuẩn bị triển khai số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn 2, Thứ trưởng chỉ đạo: Cục Tần số VTĐ phối hợp với đơn vị liên quan triển khai thực hiện số hoá theo phương án kết hợp phủ sóng DVB-T2 và truyền hình số vệ tinh đối với địa bàn trung du, đồi núi, hải đảo; chủ trì, phối hợp nghiên cứu, lấy ý kiến các địa phương đề xuất điều chuyển một số tỉnh thuộc nhóm 2 sang nhóm 3; Cục Tần số VTĐ, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cục PPTTH&TTĐT, Công ty RTB, SDTV, VTC nghiên cứu, xác định các địa bàn thực hiện số hóa truyền hình tương tự mặt đất bằng truyền hình vệ tinh; Cục Tần số VTĐ xây dựng văn bản để Bộ gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị báo cáo về tình hình hoạt động, hiệu quả của các trạm phát lại truyền hình tương tự, từ đó đề xuất vùng số hóa bằng truyền hình mặt đất và vệ tinh trên từng địa bàn, từ đó có cơ sở thực hiện số hóa truyền hình tương tự mặt đất bằng truyền hình vệ tinh; Viện Chiến lược TT&TT nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Quyết định 2451 của Thủ tướng Chính phủ.
Về vấn đề hỗ trợ đầu thu, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn giao Cục Tần số VTĐ xem xét việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, địa phương; cân nhắc nguồn kinh phí trên cơ sở rút kinh nghiệm tắt analog ở Đà Nẵng để quyết tâm thực hiện; Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích khẩn trương xây dựng các bước hỗ trợ đầu thu, phối hợp với Cục Tần số VTĐ triển khai hỗ trợ đầu thu kịp thời.
Thứ trưởng yêu cầu Cục PTTH&TTĐT báo cáo Bộ về phân công truyền tải kênh truyền hình thiết yếu chậm nhất trong tháng 6/2016; Viện Chiến lược TT&TT trình dự thảo định mức TDPS tạm thời trong tháng 6/2016 và dự thảo Thông tư định mức truyền dẫn phát sóng DVB-T2 trong tháng 9/2016. Trong thời gian chưa ban hành được định mức, Thứ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp TDPS phối hợp chặt chẽ, cụ thể với các địa phương để phát sóng, trên cơ sở tận dụng hạ tầng TDPS của các địa phương.
Ngoài ra, Thứ trưởng đề nghị Cục Tần số VTĐ sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định Phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án số hóa TDPS truyền hình mặt đất giai đoạn 2016-2018 để trình BCĐ Đề án xem xét, phê duyệt.
Cũng tại Phiên họp này, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn đã trao tặng Bằng khen của Trưởng BCĐ cho 02 tập thể và 12 cá nhân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ triển khai Đề án số hóa TDPS truyền hình mặt đất giai đoạn 2013 - 2015.