• Trang chủ
  • Tin tức
  • Đề án số hoá truyền hình

Việt Nam hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất giai đoạn 1

03/01/2017

(rfd.gov.vn)- Kể từ 24h ngày 15/8/2016, các kênh chương trình truyền hình tương tự mặt đất (analog) phát sóng tại 4 thành phố trực thuộc Trương ương là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Hải Phòng đã ngừng phát sóng hoàn toàn, chuyển hoàn toàn sang phát sóng bằng công nghệ truyền hình số mặt đất DVB-T2. Như vậy, cùng với thành phố Đà Nẵng đã ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình analog từ ngày 01/11/2015, đến nay Việt Nam đã hoàn thành giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.

Gần 600.000 hộ nghèo, cận nghèo được xem truyền hình chất lượng cao

Phạm vi ảnh hưởng của việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự chuyển sang phát sóng truyền hình số tại 5 thành phố thuộc Trung ương không chỉ là khán giả thu xem truyền hình mặt đất tại 5 thành phố này, mà còn tác động đến toàn bộ hoặc một phần địa bàn của 20 địa phương lân cận.

Với chủ trương tắt sóng truyền hình analog đến đâu, thì sẽ hỗ trợ đầu thu truyền hình số DVB-T2 cho hộ nghèo và cận nghèo đến đó. Trước thời điểm ngừng phát sóng hoàn toàn analog giai đoạn I, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam và các địa phương đã thực hiện hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo và cận nghèo tại 25 tỉnh, thành phố. Trong đó, Bộ TTTT thực hiện hỗ trợ hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn của Trung ương; một số địa phương hỗ trợ thêm nhiều hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn của địa phương. Tính đến nay, tổng số hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn Trung ương đạt trên 600.000 hộ. Như vậy, từ cuối tháng 8/2016, hàng trăm nghìn người dân nghèo tại Việt Nam đã được xem nhiều kênh truyền hình hơn với chất lượng hình ảnh, âm thanh cao hơn trước đó. Người dân có thể thu xem được từ 26 kênh đến 70 kênh chương trình, trong đó có 05 đến 07 kênh chương trình truyền hình có độ phân giải cao HDTV.

Theo kết quả khảo sát sơ bộ, ngoài số lượng đầu thu hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, đến nay trên 800.000 thiết bị thu truyền hình số DVB-T2 (bao gồm đầu thu và tivi có tích hợp chức năng thu truyền hình số) đã được bán cho người dân. Điều này cho thấy, người dân đang xem truyền hình analog tại 25 tỉnh thành phố nói trên đã chủ động chuyển sang thu xem truyền hình theo chuẩn DVB-T2.

Văn phòng BCĐ Đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, sau khi ngừng phát sóng truyền hình analog gia đoạn I, việc thu xem truyền hình của người dân hầu như không bị ảnh hưởng. Số lượt thông tin phản ánh của người dân không lớn và giảm dần sau 05 - 07 ngày tắt sóng analog.

Với kết quả đạt được, có thể thấy rằng chúng takhông những đã hoàn thành số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố thuộc giai đoạn I, mà còn số hóa được một phần địa bàn tương đối lớn thuộc giai đoạn II.

Hành trình tắt sóng analog giai đoạn I

Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020”, trước ngày 31/12/2015, các đài truyền hình trung ương và địa phương kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất tại các thành phố thuộc nhóm I gồm Hà Nội (cũ), Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng.

Quá trình triển khai, thành phố Đà Nẵng đã tiên phong đăng ký thực hiện số hóa truyền hình mặt đất trước thời điểm quy định của Chính phủ. Theo đó, ngày 01/7/2015, Đà Nẵng đã ngừng phát sóng analog 03 kênh truyền hình VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT-2; đến ngày 01/11/2015, thành phố này đã ngừng phát sóng hoàn toàn các kênh truyền hình analog và trở thành thành phố đầu tiên không chỉ của Việt Nam, mà của cả ASEAN thực hiện thành công số hóa truyền hình mặt đất.

Đối với 04 thành phố còn lại, Ban Chỉ đạo Đề án đã quyết định điều chỉnh thời điểm ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình analog đến 01/6/2016 và sau đó là 15/8/2016, nhằm đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động thông tin, tuyên truyền về Đại hội lần thứ XII của Đảng và cuộc Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội nhiệm kỳ 2016-2020. Đến ngày 15/6/2016, tại các thành phố này bắt đầu ngừng phát sóng một số kênh truyền hình tương tự (tại Hà Nội là VTV6, H2 và VTC9; tại Thành phố HCM: VTV6, VTV9 và VTC9 và HTV7; Cần Thơ: VTV6, VTV Cần Thơ1, VTV Cần Thơ2, VTC9; Hải Phòng không có kênh truyền hình ngừng phát ongs trong đợt này).

Từ 24h ngày 15/8/2016, 4 thành phố này chính thức ngừng phát sóng hoàn toàn các kênh truyền hình analog, chuyển sang phát sóng truyền hình số theo chuẩn DVB-T2, kết thúc giai đoạn I của Đề án số hóa THMĐ.

Để thực hiện thành công giai đoạn I của Đề án, Ban chỉ đạo, Bộ TTTT, chính quyền các địa phương và các Đài truyền hình đã trải qua quá trình chuẩn bị tương đối dài với khối lượng công việc rất lớn. Đó là triển khai công tác thông tin, tuyền truyền; xây dựng, hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn, phát sóng số, trong đó có thành lập mới các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực; triển khai hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo; hình thành thị trường thiết bị thu sóng truyền hình số;…

Một số bài học kinh nghiệm

Từ thực tế triển khai số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ưng, tiên phong là Đà Nẵng, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho các giai đoạn tiếp theo sau đây:

Công tác thông tin, tuyên truyền được xác định có ý nghĩa quan trọng quyết định  sự thành công của Đề án này. Chính vì vậy, việc xác định đối tượng, hình thức, nội dung, thời điểm tuyên truyền sao cho phù hợp và đạt hiệu quả là rất cần thiết.

Đối tượng tuyên truyền khi triển khai đề án tại địa phương có thể chia thành 02 nhóm: Chính quyền các cấp của địa phương và người thu xem truyền.

Đối với chính quyền các cấp cần phải được thông tin, tuyên truyền ngay từ khi bắt đầu triển khai Đề án tại địa phương. Điều này đảm bảo rằng các cấp chính quyền địa phương hiểu rõ về chủ trương, nội dung, kế hoạch, lộ trình, biện pháp, kinh nghiệm,… triển khai Đề án, để chỉ đạo, điều hành, lập kế hoạch, phân bổ nguồn lực, tổ chức thực hiện Đề án tại địa phương đúng chủ trương của Chính phủ và Ban Chỉ đạo.

Đối với người thu xem truyền hình tương tự, là đối tượng chịu tác động trực tiếp của Đề án, vì vậy chỉ tập trung tuyên truyền cao điểm trước thời điểm tắt sóng analog một khoảng thời gian nhất định (khoảng 03 đến 06 tháng) hoặc khi bắt đầu có phát sóng thử nghiệm truyền hình số, điều này giúp người thu xem có điều kiện trải nghiệm thực tế về số lượng và chất lượng vượt trội của các kênh chương trình truyền hình phát sóng trên hệ thống truyền hình số mặt đất so với truyền hình analog. Qua triển khai gia đoạn I cho thấy một số hình thức tuyên truyền cho người thu xem có hiệu quả cao đó là: Đài Truyền hình đăng tải thông báo thời điểm tắt sóng trên các kênh truyền hình analog mà người dân đang xem; chuyên trang thông tin điện tử về số hóa (sohoatruyenhinh.vn); tuyên truyền qua truyền thanh cơ sở;phát tờ rơi đến tận chính quyền thôn, tổ dân phố; nhắn tin qua điện thoại; tổng đại hỗ trợ. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung về lợi ích của truyền hình số (chất lượng hình ảnh, âm thanh cao hơn; số lượng kênh được xem nhiều hơn); thời điểm ngừng phát sóng analog; cách thức chuyển đổi, các thiết bị thu truyền hình số; hướng dẫn cách thức lắp đặt, điều khiển thiết bị thu,…

Hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho hộ nghèo và cận nghèo. Theo Đề án, trước thời điểm ngừng phát sóng hoàn toàn analog, các hộ nghèo và cận nghèo theo chuẩn của Trung ương, đang xem truyền hình analog bằng tivi không tích hợp chức năng thu truyền hình số, thì được Nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình số chuẩn DVB-T2. Để thực hiện chính sách này, các cơ quan Trương ương và địa phương có trách nhiệm phải thực hiện nhiều khâu công việc, như xác định vùng hỗ trợ (theo phạm vi phủ sóng thực tế); thống kê, tổng hợp danh sách hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định; tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp đầu thu; tổ chức trao và lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo.

Đây là công việc liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị của Trung ương và địa phương. Chính vì vậy, quá trình triển khai cần phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan tại địa phương và sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của cơ quan địa phương với cơ quan Trung ương trong tất cả các khâu. Riêng trong hoạt động trao và lắp đặt đầu thu cho hộ nghèo và cận nghèo phải có sự tham gia của chính quyền của cấp cơ sở.

Thị trường đầu thu truyền hình số. Thực tế triển khai giai đoạn I, đặc biệt tại Đà Nẵng, ngay sau khi ngừng phát sóng truyền hình tương tự, tại nhiều nơi thị trường đầu thu xảy ra tình trạng “cháy hàng” trong khoảng thời gian ngắn, khiến nhiều người dân bị gián đoạn tạm thời việc thu xem truyền hình hoặc phải mua đầu thu giá cao hơn trước đó. Tình trạng này xảy ra được xác định là do tâm lý chung của người tiêu dùng, chỉ khi tắt sóng thực sự mới mua sắm đầu thu.

Để giải quyết vấn đề này, kế hoạch và thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog cần được xác định rõ ràng, có sự đồng thuận và ủng hộ của chính quyền địa phương để công tác thông tin tuyên truyền đạt hiểu quả cao, các doanh nghiệp sản xuất, đại lý,…chủ động trong việc cung ứng đầu thu ra thị trường.

Thực hiện tắt sóng “mềm”. Đó là việc ngừng phát sóng cần thực hiện theo 02 đợt: Ban đầu chỉ ngừng một số kênh truyền hình không thiết yếu; sau khoảng thời gian nhất định thực hiện ngừng phát sóng hoàn toàn các kênh còn lại. Theo cách thức này sẽ hạn chế gây biến động lớn việc thu xem truyền hình của người dân; đây cũng là cách giúp người dân làm quen, trải nghiệm dần công nghệ truyền hình mới. Từ đó, người dân sẽ chủ động trang bị thiết bị phù hợp để chuyển đổi phương thúc thu xem.  

Chủ động sắp xếp, tổ chức lại hoạt động của Đài PTTH địa phương. Khi số hóa truyền hình mặt đất, các kênh chương trình truyền hình chỉ phát trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng số của Trung ương hoặc của khu vực, hệ thống phát sóng tương tự mặt đất của các Đài truyền hình địa phương sẽ dừng hoạt động; khi đó chương trình truyền hình của một địa phương không chỉ có người dân địa phương đó thu xem, mà người dân nhiều địa phương khác cũng có thể xem, do dùng chung hạ tầng TDPS. Chính vì vậy, địa phương cần chủ động xây dựng phương án sắp xếp lại tổ chức, hoạt động của Đài PTTH địa phương mình. Trong đó cần phải chú trọng các giải pháp, nguồn lực nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình của địa phương, để có tính cạnh trạnh cao trong môi trường truyền dẫn, phát sóng mới, thu hút nhiều người xem.

Sự thành công giai đoạn I của Đề án là nền tảng quan trọng để triển khai tiếp các giai đoạn tiếp theo của Đề án, mà trước mắt là số hóa truyền hình tại các địa phương thuộc nhóm II vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Trung Thành