• Trang chủ
  • Tin tức
  • Đề án số hoá truyền hình

Những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hoá truyền hình sẽ giúp Việt Nam thực hiện thành công các chuyển đổi tiếp theo

14/01/2022

(rfd.gov.vn)- Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tại Hội nghị trực tuyến tổng kết “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” do Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam tổ chức chiều ngày 12/01/2022 tại Hà Nội.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng – Nguyên Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban chỉ đạo và Tiểu ban giúp việc, cùng các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình, đại diện một số Bộ ngành liên quan và đại diện 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu

Số hóa truyền hình giúp giải phóng tài nguyên tần số

Báo cáo kết quả thực hiện Đề án tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án cho biết, ngày 28/12/2020, sau 9 năm triển khai, Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự sang công nghệ số trên phạm vi toàn quốc; đã giải phóng được băng tần 700 MHz để dùng cho phát triển thông tin di động 5G.

Nhờ có số hóa truyền hình, 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước có thể xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau. Người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình với chất lượng cao; thu hẹp khoảng cách số về thông tin giữa vùng sâu, vùng xa và thành thị. Trước đây, với truyền hình tương tự chỉ thu xem được từ 3 đến 7 kênh chương trình có độ phân giải SD thì nay với truyền hình số có thể thu xem đến 70 kênh chương trình quảng bá miễn phí, trong đó có hàng chục kênh HD.

Ông Nguyễn Đức Trung - Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam báo cáo tại Hội nghị

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung cho biết thêm: Đề án đã thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình số mặt đất. Năm 2011, chỉ có VTC thực hiện phủ sóng truyền hình số mặt đất với 100% vốn nhà nước; nay đã có 5 đơn vị thực hiện gồm VTV, VTC, AVG, SDTV và DTV, trong đó có công ty cổ phần với sự tham gia của tư nhân. Qua đó đã hình thành được thị trường truyền dẫn phát sóng, làm chuyên nghiệp hóa khâu truyền dẫn phát sóng, tách biệt với khâu sản xuất nội dung chương trinh, mang lại hiệu quả và chất lượng cao hơn.

Trước khi triển khai Đề án, 100% các Đài phát thanh, truyền hình vừa làm nội dung, vừa thực hiện truyền dẫn phát sóng. Nay, 100% các Đài phát thanh, truyền hình địa phương đã tổ chức, sắp xếp lại bộ máy của Đài, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, từng bước thực hiện đào tạo, sắp xếp lại bộ phận truyền dẫn, phát sóng để phù hợp với yêu cầu tập trung vào sản xuất chương trình phát thanh truyền hình và truyền dẫn phát sóng phát thanh.

Đề án cũng đã hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho gần 1,9 triệu hộ dân với tổng kinh phí hỗ trợ trên 1000 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Một số địa phương còn hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn địa phương và các hộ gia đình chính sách từ nguồn kinh phí của địa phương - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Đề án nhấn mạnh.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm tại Hội nghị

Kinh nghiệm quý cho chuyển đổi số và mở thêm nhiều không gian mới

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án đánh giá: Đề án Số hóa truyền hình đã hoàn thành được 4 mục tiêu lớn, cụ thể là: Hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ truyền hình tương tự sang công nghệ truyền hình số thế hệ thứ hai với hiệu quả sử dụng tần số của truyền hình số mặt đất tăng 30 lần so với truyền hình tương tự mặt đất; mở rộng đáng kể vùng phủ sóng truyền hình mặt đất vượt mục tiêu đã đề ra, đảm bảo 100% các hộ gia đình có máy thu truyền hình trên cả nước xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau; thu hút được nguồn lực xã hội để phủ sóng truyền hình mà trước kia chỉ dùng ngân sách Nhà nước; đã tổ chức, sắp xếp theo hướng chuyên môn hoá, tập trung vào khâu sản xuất nội dung chương trình và thuê dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Bộ trưởng khẳng định: Đề án số hóa truyền hình bắt đầu với nhiều thách thức nhưng Việt Nam đã giữ đúng cam kết và trở thành một trong những nước thuộc nhóm dẫn đầu hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất nhờ cách tiếp cận phù hợp. Trên thế giới, Việt Nam xếp thứ 78/193 nước hoàn thành việc dừng phát sóng truyền hình tương tự, thuộc nhóm các nước hoàn thành sớm. Thành công của Đề án là do chúng ta có những cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, có 7 cách tiếp cận, đó là: Hoàn thành hành lang pháp lý trước, tạo ra cơ chế hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; có lộ trình phù hợp; đi thẳng vào công nghệ hiện đại; sáng tạo, linh hoạt vận dụng cơ chế tài chính thích hợp; quan tâm lắng nghe ý kiến của người dân, đặt người dân làm trung tâm; truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân; sự vào cuộc tích cực, chủ động của các địa phương trong việc triển khai Đề án.

Việt Nam chỉ có thể thay đổi thứ hạng nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới về cái mới và muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự mặt đất sang truyền hình số công nghệ số thứ hai giúp chúng ta đi cùng với các nước dẫn đầu thế giới về công nghệ truyền hình. Trong tương lai, việc chuyển đổi trong nhiều lĩnh vực sẽ xảy ra. Những kinh nghiệm tốt, cách tiếp cận phù hợp của số hoá truyền hình sẽ giúp chúng ta thực hiện thành công các chuyển đổi tiếp theo.

“Đất nước muốn phát triển nhanh, bền vững thì phải liên tục chuyển đổi. Chuyển đổi để đón nhận những cơ hội mới, chuyển đổi để tiến tới những điều tốt đẹp hơn và công cuộc chuyển đổi lớn nhất của chúng ta là chuyển đổi từ thế giới thực vào thế giới số, gọi là chuyển đổi số mà ngành ta được giao lĩnh ấn tiên phong. Kế thừa và mở ra không gian mới sẽ là cách mà chúng ta làm để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia” - Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm, Nguyên Thứ trưởng Bộ TTTT Lê Nam Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Đoàn Quang Hoan chụp hình lưu niệm cùng các cá nhân được trao tặng Bằng khen Bộ trưởng

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho 53 tập thể, 47 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện Đề án; Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đã trao tặng Kỷ niệm chương cho lãnh đạo và các thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án và Tiểu ban giúp việc.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm đã trao tặng Kỷ niệm chương cho lãnh đạo và các thành viên của Ban Chỉ đạo Đề án và Tiểu ban giúp việc.

Hồng Hạnh