Wi-Fi tốc độ 1 Gbit/s sẽ xuất hiện vào năm 2012

16/12/2011

(rfd.gov.vn)- Broadcom cho biết rằng chuẩn Wi-Fi 802.11ac sắp đến sẽ thay thế cho chuẩn 802.11n trong các dòng sản phẩm phần cứng điện tử dân dụng vào cuối năm 2012. Chuẩn 802.11ac còn được biết đến với tên gọi khác là 802.11 VHT (Very High Throughput, tạm dịch là lưu lượng rất cao), sử dụng băng tần 5 GHz với các kênh có băng thông cực rộng 80 MHz và 160 MHz, tốc độ truy cập 1 Gbit/s.

 


           Rahul Patel, Phó Tổng giám đốc Broadcom - phụ trách mảng không dây và di động, cho rằng đường truyền 802.11ac gần như gấp đôi 802.11n, với khả năng tăng băng thông khả dụng, cải thiện tuổi thọ của pin và khai thác phổ tần 5 GHz sẵn có.

           “Băng tần 2,4 GHz chỉ có 3 kênh, trong khi đó băng tần 5 GHz có đến 20 kênh lẻ để sử dụng; vì thế, có nhiều tuyến truyền dẫn cao tốc rộng hơn cho lưu lượng thông tin”, Rahul Patel cho biết thêm, mặc dù thừa nhận tiêu chuẩn sẽ không được sửa đổi trong một thời gian dài. “Chỉ có một điều là 20 kênh cũng không đủ, nhưng chúng tôi sẽ có giải pháp trong vài năm tới”.

 

 


          Tiêu chuẩn tiếp theo sẽ là 802.11ad, khi đó Wi-Fi sẽ được bổ sung băng tần 60 GHz. Sự hợp nhất tiềm năng Wi-Fi với băng tần 60 GHz dưới dạng chuẩn 802.11ad, sẽ cho phép cải thiện hơn băng tần 60 GHz trên cơ sở thiết lập các mạng Wi-Fi.

 

 


Dưới đây là thông tin về lộ trình phát triển của các chuẩn Wi-Fi:

- IEEE 802.11n: Tăng tốc độ dữ liệu thô cực đại từ 54 Mbit/s lên 600 Mbit/s bằng cách sử dụng 4 spatial streams (tạm dịch là chuỗi dữ liệu không gian) với một kênh rộng gấp đôi (40 MHz). Cấu trúc MIMO và các kênh rộng hơn đã cải thiện tốc độ của các kênh trên băng tần 5 GHz và 2,4 GHz.

- IEEE 802.11ac: Cung cấp lưu lượng cao trên băng tần 5 GHz, sử dụng các kênh có băng thông rộng 80 MHz hoặc 160 MHz (tối đa 40 MHz với 802.11n) và hỗ trợ lên đến 8 spatial streams (thay vì 4 spatial streams như 802.11n).

- IEEE 802.11ad: Cung cấp lưu lượng cao trên băng tần 5 GHz và 60 GHz. Băng tần 60 GHz có phạm vi phủ sóng nhỏ, do khả năng xuyên thấu thấp, nhưng với phổ tần rộng sẽ hỗ trợ lưu lượng lên đến 7 Gbit/s.

- WiGig: Một biến thể của chuẩn 802.11ad, được thiết kế riêng cho luồng video độ nét cao. Liên minh Wi-Fi và liên minh WiGig sẽ hợp tác công nghệ trên băng tần 60 GHz. WiGig có thể đạt tốc độ truyền dữ liệu lên đến 7 Gbit/s và đã được chấp nhận cho các kết nối video không dây HDMI.

- WirelessHD: Nhóm được dẫn đầu bởi SiBeam, cho phép truyền dẫn số cả có nén (H.264) lẫn không nén các tín hiệu video độ nét cao, âm thanh và dữ liệu; về cơ bản tương đương với HDMI không dây. Các đặc tính kỹ thuật của WirelessHD có các quy định để mã hoá nội dung thông qua DTCP (Digital transmission content protection, tạm dịch là bảo vệ nội dung truyền dẫn số). SiBeam đã được Silicon Image mua lại hồi tháng 4/2011.

 

 


         Các chuẩn IEEE 802.11ac và IEEE 802.11ad có thể cũng sử dụng kỹ thuật MINO nhiều người dùng (MU-MIMO); trong đó, các chuỗi đồng thời được phát đến nhiều người dùng trên cùng một kênh.

         Theo Ali Sadri, Giám đốc của Intel Mobile Wireless Group và là Chủ tịch liên minh WiGig, WiGig được xác nhận như một đặc điểm kỹ thuật cơ bản cho dự thảo chuẩn 802.11ad. WiGig đã phát triển cấu hình cho các giao diện HDMI không dây, DisplayPort, USB và PCIe cũng như bảo vệ nội dung HDCP 2.0.

         Liên minh WiGig hiện đang kêu gọi tạo ra một chuẩn kết nối nhiều Gbit để cho phép kết nối màn hình hiển thị từ các thiết bị khác nhau như PC, máy tính bảng, điện thoại cầm tay.

          Bộ settop box và máy thu hình (TV) sẽ là một trong những thiết bị đầu tiên sử dụng chuẩn WiFi siêu nhanh.

Theo một báo cáo của In-Stat xuất bản vào tháng 02/2011, các lô hàng thiết bị sử dụng chuẩn 802.11ac sẽ tăng gần đến con số 1 tỷ và năm 2015. Chuẩn 802.11ac được kỳ vọng sẽ tăng tốc độ và hiệu suất, đáp ứng nhu cầu người dùng, nhưng vẫn duy trì khả năng tương thích ngược với chuẩn 802.11n.

 

Thiên Tường (Theo Dailywireless)