Đề xuất này được Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra tại Hội thảo Chiến lược phát triển mạng băng rộng và các ứng dụng cho nông thôn việt Nam được Bộ TT&TT tổ chức sáng ngày 13/6/2012, tại Hà Nội.
Theo WB, Việt Nam phù hợp với phát triển băng rộng di động cho nông thôn do có thị trường di động rất cạnh tranh với 7 nhà khai thác, mật độ điện thoại di động cao trên 150%, giá cước tương đối thấp. Năm 2009, Chính phủ ban hành giấy phép 3G giới thiệu băng rộng di động trong nước, thiết bị giá rẻ đến từ Trung Quốc đã giúp tăng mật độ băng rộng di động lên trên 15% trong vòng chưa đầy 3 năm. Chính phủ có định hướng phát triển băng rộng và thúc đẩy các dịch vụ ICT thông qua chính phủ điện tử, tăng cường công nghiệp công nghệ thông tin. Đó là những yếu tố quan trọng giúp khuyến khích nhu cầu băng rộng .
Tuy nhiên, WB cũng nhận định Việt Nam phải đối mặt với thách thức về địa lý. Số lượng dân sống ở nông thôn đông, phân tán và có mức thu nhập thấp đi kèm với việc cạnh tranh khốc liệt, giá cước và lợi nhuận của thị trường di động giảm khiến thị trường nông thôn ít hấp dẫn với doanh nghiệp. Đối với nhà sản xuất nội dung, khu vực nông thôn cũng là mảng thị trường lợi nhuận thấp nên không hấp dẫn để tạo ra nội dung đặc thù cho người dân ở đây.
WB cũng đưa ra lập luận về lý do đề xuất Việt Nam lựa chọn phát triển băng rộng di động cho khu vực nông thôn là thị trường băng rộng cố định của Việt Nam có quá trình tăng trưởng ít cạnh tranh (VNPT chiếm 70% thị phần). Mặc dù các nhà khai thác đang nâng cấp hạ tầng thông qua việc phát triển thuê bao FTTx ở khu vực đô thị, hạ tầng cố định tổng thể vẫn bị giới hạn (mật độ 12%) và mạng đường trục yếu đặc biệt ở những vùng nông thôn. Điều này đã dẫn đến khoảng cách lớn về dịch vụ băng rộng giữa thành thị và nông thôn, từ 2 lần ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đến gần 10 lần ở khu vực Đồng bằng sông Hồng. Trình độ giáo dục và mức thu nhập thấp ở khu vực nông thông là nguyên nhân hạn chế nhu cầu, tạo ra sự hấp thu về dịch vụ băng rộng thấp hơn ở những khu vực này.
WB đề xuất ba hành động chiến lược để Việt Nam mở rộng và tối đa hóa tác động của băng rộng ở những vùng nông thôn cho sự tăng trưởng toàn diện. Thứ nhất là Việt Nam có thể mở rộng truy cập băng rộng tới các vùng nông thôn một cách hiệu quả và thiết thực thông qua: cấp phép cho các công nghệ băng rộng di động phục vụ truy cập ở vùng nông thôn (giấy phép đặc thù hoặc các nghĩa vụ về dịch vụ); thúc đẩy sự phát triển của mạng đường trục tới những vùng nông thôn thông qua các liên doanh của nhà khai thác tư nhân và các dự án hợp tác công tư (PPP) nhằm tăng lợi nhuận và tính bền vững cho cơ sở hạ tầng ở khu vực này. Song song việc mở rộng truy cập băng rộng, Việt Nam có thể nâng cao nhận thức về ICT và kỹ năng đọc viết điện tử cho cộng đồng nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu hướng đến phục vụ nhu cầu người dân nông thôn. Và thứ ba là Việt Nam có thể thúc đẩy sự phát triển của các dịch vụ và ứng dụng Internet di động ở những vùng nông thôn thông qua tăng cường môi trường phần mềm di động và phát triển ứng dụng di động bằng mô hình hợp tác cộng đồng (channeling) hướng tới các dịch vụ cho nông thôn và sử dụng thông qua một trung tâm công nghiệp, các nền tảng hợp tác phát triển cộng đồng và hợp tác thanh toán (crowdsourcing) đồng thời phát triển ứng dụng cho những dịch vụ được cung cấp bởi Chính phủ.
WB đề xuất có thể hỗ trợ Việt Nam về kinh phí triển khai. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là năm 2016.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhận định việc xây dựng cơ sở hạ tầng băng rộng sẽ khó khăn hơn xây dựng hạ tầng viễn thông. Do đó, chiến lược của WB xây dựng không nên tiếp cận đại trà mà tiếp cận đúng đối tượng cần (do nguồn lực hạn chế). Ví dụ đưa băng rộng đến trường học, nên tính đến con số 25% tổng số dân trong độ tuổi dưới 15, con số này có thể mang lại một lượng nhu cầu lớn đối với các ứng dụng và dịch vụ ICT (thống kê năm 2010), hoặc có thể tính đến việc đưa băng rộng đến các thư viện, bệnh viện, chính quyền các cấp, khi đó hiệu quả sẽ tăng chứ nếu đưa đến hộ gia đình thì hiệu quả sẽ thấp hơn. Tại nông thôn nên tập trung trước vào đối tượng có nhu cầu sau đó mới mở rộng ra. Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã đánh giá cao hỗ trợ của WB trong phát triển ngành TT&TT Việt Nam ví dụ như ICT vừa qua. Tuy nhiên khả năng là Việt Nam sẽ cần dùng nhiều nguồn vốn và quan trọng là phải xây dựng một chiến lược, chương trình phát triển băng rộng phù hợp cho Việt Nam. Nguồn vốn là rất quan trọng song không phải là yếu tố duy nhất, vì nếu không có kế hoạch đúng thì tiền nhiều cũng vẫn thất bại. Về cơ bản, Thứ trưởng nhất trí 3 hành động chiến lược như WB đề xuất và cũng nhất trí với Viện Chiến lược đề xuất việc hỗ trợ về sản xuất thiết bị đầu cuối giá rẻ cho nông thôn. Thứ trưởng cũng khẳng định chiến lược muốn thành công cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Hai doanh nghiệp lớn là Viettel và VNPT cũng đã phát biểu đóng góp cho đề xuất của WB. Viettel cho rằng mục tiêu chính của doanh nghiệp là kinh doanh có lãi. Doanh nghiệp chỉ có thể lo được một phần còn nếu để đạt được mục tiêu băng rộng đến nông thôn cần hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước trong các mặt: về thiết bị đầu cuối cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất thiết bị giá rẻ cho nông thôn; hỗ trợ đào tạo kiến thức ICT cho người dùng ở nông thôn cần được làm cực kỳ cụ thể, chi tiết vì có những vùng ở nông thôn truyền hình có chỗ còn chưa tiếp cận được nên cần làm như thế nào để người dùng có kiến thức nhất định thì băng rộng đưa đến mới hiệu quả. Với địa bàn rộng của những nơi khó khăn thì cần có chính sách nhất định. Cuối cùng là việc duy trì thì như thế nào vì Nhà nước thường chỉ hỗ trợ 1 lần ban đầu, còn tiếp theo cần tính kỹ.
Đại diện VNPT cũng có chung quan điểm là doanh nghiệp cần kinh doanh có lãi. Chiến lược nên xem xét nhiều góc độ: mô hình theo vùng miền mà WB nhận định, từng vùng khác nhau có thể có các phương thức truy nhập khác nhau tuy nhiên dự thảo nghiêng về truy nhập băng rộng di động, cần có khảo sát cụ thể, có nhất thiết là 3G hay không, để tránh lãng phí có thể có hình thức khác nữa như vô tuyến hay vệ tinh… và nên chăng tùy từng vùng mà định hướng cho doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp khó khăn trong duy trì thì Nhà nước có tiếp tục hỗ trợ không. Hiện nay một số vùng nông thôn, ICT giáo dục cho thế hệ trẻ chưa hiệu quả. Việc xây dựng chiến lược cần lấy số liệu của các doanh nghiệp và có khảo sát cụ thể. Cần phân định rõ vùng công ích và kinh doanh để doanh nghiệp có kế hoạch phù hợp…