Hội nghị khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất và Hội nghị vô tuyến Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 13

26/09/2012

(rfd.gov.vn)- Hội nghị khu vực Châu Á Thái Bình Dương lần thứ nhất chuẩn bị cho Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2015 (APG15-1) và Hội nghị vô tuyến Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 13 (AWG-13) được Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) đăng cai, tổ chức tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 10/9/2012-15/9/2012.

   

Trưởng các đoàn tham gia Hội nghị
       

         Bộ TT&TT là cơ quan đại diện cho Việt Nam tham gia Hiệp hội Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương với tư cách là quốc gia thành viên. Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT đăng cai Hội nghị APG và là lần thứ 3 đăng cai Hội nghị AWG.Tham dự Hội nghị APG15-1 có 230 đại biểu, Hội nghị AWG-13 có trên 250 đại biểu từ các quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và các tổ chức liên kết. Các doanh nghiệp viễn thông hàng đầu trong nước và quốc tế cũng tham dự hội nghị như GSMA, Viettel, VNPT, Hanoi Telecom, Ericsson, Huawei, Qualcomm, Samsung.

            

 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng phát biểu khai mạc hội nghị
        

         Phát biểu khai mạc Hội nghị APG-15-1, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đánh giá cao vai trò của APT trong việc hài hòa quan điểm của khu vực để xây dựng quan điểm chung hướng tới Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới, đồng thời nhấn mạnh tới sự phát triển không ngừng của các công nghệ mới dẫn tới nhu cầu phổ tần tăng lên mạnh mẽ đòi hỏi các quốc gia phải có các chính sách hợp lý để đáp ứng nhu cầu đó trong khi vẫn phải đảm bảo sử dụng phổ tần hợp lý, hiệu quả và kinh tế.

 

 


         Hội nghị APG15-1 diễn ra trong 02 ngày là hội nghị đầu tiên để bắt đầu quá trình chuẩn bị cho Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới năm 2015 (WRC-15). Hội nghị lần này đã xây dựng cấu trúc của APG, đề cử giữ nguyên nhân sự chủ tịch, các phó chủ tịch APG cùng các nhân sự cấp cao khác và đề xuất lên Ủy ban quản lý xem xét tăng thêm vị trí phó chủ tịch cho APG.  Hội nghị cũng đã thảo luận xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho WRC-15, nghiên cứu các đề xuất của các nước thành viên, kết quả của Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới năm 2012 (WRC-12), Hội đồng thông tin vô tuyến năm 2012 (RA-12).

         Phát biểu tại Hội nghị AWG-13, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan đánh giá cao vai trò AWG, hội nghị luôn luôn là sự kiện quan trọng cho tất cả các nước thành viên APT, các tổ chức công nghiệp và khu vực tư nhân và các tổ chức quốc tế khác nhau. Ông Hoan khẳng định với tư cách là một thành viên của APT, Việt Nam luôn luôn tận dụng mọi cơ hội để tích cực tham gia vào các hoạt động đa dạng của AWG, cố gắng để theo dõi các xu hướng mới nhất của ngành công nghiệp và những thành tựu trong các cuộc họp AWG, để xây dựng ngành công nghiệp không dây hỗ trợ để hài hòa với quốc tế, khu vực và quốc gia.

         Quang cảnh tại hội nghị

          Hội nghị AWG-13 diễn ra trong 04 ngày đã xem xét các báo cáo, các đề xuất liên quan tới các hoạt động, phát triển, nghiên cứu và phê duyệt các kết quả nghiên cứu được hoàn thành theo thời gian đã định. Ngoài ra, bên lề Hội nghị AWG-13, hội thảo về các công nghệ IMT đã được tổ chức với sự tham gia trình bày của đông đảo các diễn giả trong đó có Việt Nam.


         Các nhà khai thác di động của Việt Nam như VNPT, Viettel, Hanoi Telecom đã bày tỏ quan tâm đặc biệt tới các chủ đề liên quan tới các chính sách về quy hoạch tần số và hài hòa tần số băng tần 2600 MHz, băng tần 800 MHz, truy cập băng rộng (3400-3600MHz), phân chia thêm băng tần cho thông tin di động, phân chia thêm băng tần cho nghiệp vụ vệ tinh cố định, dùng chung băng tần giữa nghiệp vụ vệ tinh cố định và IMT.


        Tham gia hội nghị, các nhà hoạch định chính sách, các nhà khai thác, các nhà cung cấp thiết bị viễn thông cùng thảo luận, chia sẻ quan điểm về khả năng sử dụng hiệu quả phổ tần, các giải pháp công nghệ mới, nhu cầu phổ tần cho các dịch vụ mới nổi. Các công ty cung cấp thiết bị như Erricson, Samsung, Huawei, Intel, Alcatel-Lucent, … đã có những đóp góp, đề xuất, nghiên cứu giải pháp và công nghệ cụ thể cho hội nghị.

 


         Cục trưởng Cục Tần số VTĐ phát biểu tại hội nghị

         Tại Hội nghị, Cục Tần số VTĐ thay mặt nước chủ nhà trình bày, chia sẻ quan điểm của Việt Nam về chính sách qui hoạch phổ tần cho IMT, thị trường di động băng rộng và định hướng qui hoạch cho di động băng rộng tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các đề xuất việc sử dụng tần số trong băng tần 806 - 960 MHz, các nghiệp vụ hội tụ di động - cố định, việc sử dụng tần số trong băng tần 3400 – 3600 MHz phục vụ cho việc nghiên cứu dùng chung giữa vệ tinh và IMT, thúc đẩy hài hòa tần số trong khu vực trong dải tần 2500-2690MHz giúp các nước trong khu vực có cơ hội triển khai IMT trong băng tần này.  


          Hội nghị được các tổ chức quốc tế như Hiệp hội viễn thông Châu Á Thái Binh Dương, Liên minh viễn thông quốc tế, CITEL và nhiều nước tham dự đánh giá cao về công tác tổ chức của Việt Nam.   

HTQT