Cục Tần số vô tuyến điện tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2013

25/12/2012

(rfd.gov.vn)- Sáng ngày 21/12/2012, tại Hà Nội, Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2013. Tham dự Hội nghị có đại diện các cơ quan thuộc Bộ TT&TT, các lãnh đạo chủ chốt của Cục. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng tới dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hoàn thành chương trình công tác năm 2012 được giao trên tất cả các mặt

Tại Hội nghị này, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan đã đánh giá “Năm 2012, Cục Tần số vô tuyến điện (VTĐ) đã hoàn thành chương trình công tác Bộ TT&TT giao cho trên tất cả các mặt”. Nổi bật là:

Hoàn thành xây dựng và được ban hành các văn bản qui phạm pháp luật quan trọng về quản lý tần số VTĐ, như: Quyết định số 16/2012/QĐ-TTg ngày 08/3/2012 quy định về đấu giá, chuyển nhượng quyền sử dụng tần số VTĐ; Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BTTTT-BGTVT ngày 24/2/2012, hướng dẫn quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện thuộc nghiệp vụ di động hàng không, nghiệp vụ dẫn đường hàng không đã; Thông tư số 03/2012/TT-BTTTT ngày 20/3/2012 về thiết bị được miễn giấy phép; Thông tư số 12/2012/TT-BTTTT ngày 30/7/2012 quy định chi tiết về thi tuyển quyền sử dụng tần số VTĐ.

Bên cạnh đó, Cục cũng đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền một số văn bản, quy hoạch  như: Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt các băng tần được đấu giá quyền sử dụng tần số VTĐ; dự thảo Thông tư về lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ và phí sử dụng tần số VTĐ; dự thảo Thông tư về Quy hoạch kênh tần số cho các nghiệp vụ cố định và lưu động mặt đất băng tần (30-30000)MHz; dự thảo Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho truyền hình mặt đất băng tần VHF/UHF tới năm 2020; dự thảo Quy hoạch phân bổ kênh tần số cho phát thanh FM băng tần 87MHz-108 MHz đến 2020, dự thảo Thông tư về quy định và hướng dẫn sử dụng tần số cấp cứu, an toàn và tần số phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển...

    

Tham mưu, đề xuất triển khai Đề án số hoá truyền hình mặt đất đúng kế hoạch. Với chức năng là Văn phòng của Ban chỉ đạo Đề án số hoá truyền hình mặt đất, Cục đã tích cực triển khai Đề án theo đúng kế hoạch và lộ trình đề ra, như tổ chức hội nghị lần thứ nhất của Ban chỉ đạo Đề án; xây dựng để Bộ TTTT trình  Thủ trướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 1671/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung quyết định 2451/QĐ-TTg;  Bộ trưởng Bộ TT&TT ký ban hành Quyết định số 2226/QĐ-BCĐĐASHTH ngày 22/11/2012 ban hành Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam; trình dự thảo Quyết định phê duyệt lộ trình tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất đối với máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, Cục đã tổ chức 03  cuộc họp với các nhà sản xuất tivi, các nhà sản xuất thiết bị phát truyền hình và các đài truyền hình lớn để triển khai các nội dung của Đề án số hoá.

     

Thực hiện tốt công tác ấn định tần số và cấp giấy phép tần số; kiểm tra, kiểm soát kết hợp với thanh tra xử lý kịp thời các vi phạm can nhiễu:

Năm 2012, Cục đã thực hiện gia hạn giấy phép băng tần 900 và 1800 MHz cho VNPT; thực hiện cấp phép phát truyền hình số cho Đài Truyền hình Việt Nam tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cấp phép bổ sung thêm các điểm phát truyền hình số mới cho AVG (tại các tỉnh An Giang, Tiền Giang, và Cần Thơ); cấp 2902 giấy phép cho mạng PTTH; cấp giấy phép cho 632 thiết bị sử dụng 286 tần số đặt tại 63 tỉnh thành phố  phục vụ phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn; cấp và gia hạn 5660 giấy phép tàu cá; cấp mới 1650 giấy phép cho hệ thống truyền thanh không dây cấp xã, phường; cấp gần 24.000 giấy phép viba.

Trong năm qua, Cục tiếp tục cấp phép điện tử cho 4 doanh nghiệp viễn thông là Viettel, Mobiphone, Hanoi Telecom, Gtel Mobile và đã mở rộng cấp phép hình thức này đối với các Viễn thông tỉnh thành phố, nâng tổng số giấy phép điện tử đã cấp là 18.938 giấy phép.

Trong năm qua, Cục đã thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, can nhiễu, đặc biệt can nhiễu đối với các mạng thông tin an toàn bay, thông tin duyên hải, nhiễu trên diện rộng và có số lượng lớn nguồn nhiễu; tiếp nhận, xử lý thành công 55 vụ can nhiễu. Trong đó có một số vụ điển hình như: can nhiễu có hại cho điều hành bay của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam do phát xạ giả của đài phát thanh, truyền thanh không dây không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật; phát hiện và xử lý 03 đài phát thanh và đài truyền thanh không dây tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ; xử lý nhiễu có hại cho Truyền hình số của AVG do bức xạ từ các mạng truyền hình cáp Hà Nội và TP. HCM; xử lý nhiễu có hại cho các mạng di động do sử dụng các thiết bị trái phép tại Hà Nội; xử lý nhiễu có hại cho mạng 3G Mobifone; và phối hợp với Bộ Quốc phòng xử lý can nhiễu có hại hệ thống dẫn đường bay cho các máy bay quân sự, phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiễu do thiết bị gây nhiễu mạng 2G, 3G…

Tiếp tục chủ động,  tích cực trong hợp tác song phương và đa phương góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và giữ được vị thế dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về công tác quản lý tần số:

Trong khuôn khổ hợp tác với các nước ASEAN, Cục đã hoàn thành việc thành lập Diễn đàn quản lý tần số ASEAN và ra mắt vào tháng 7/2012; đề xuất thành công thêm 01 dự án sử dụng quỹ ASEAN là dự án “Tái sử dụng tần số băng 2G cho các hệ thống băng rộng”; đã tiến hành đào tạo về phối hợp, tính toán can nhiễu cho các mạng vệ tinh và hướng dẫn công tác quản lý một dự án vệ tinh cho Lào; trực tiếp hỗ trợ Lào trong việc kiểm soát tần số, phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu lần 9 (ASEM 9), được các bạn Lào đánh giá cao, góp phần vào việc tăng cường quan hệ Việt Nam và Lào theo định hướng của Chính Phủ.

Đóng vai trò tích cực tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-2012, Hội nghị RA, Hội nghị trù bị cho WRC-2015. Đặc biệt, tại Hội nghị WRC-2012, Cục đã có 2 báo cáo đóng góp, tham gia thảo luận về 28 chủ đề và có hơn 40 ý kiến. Nhiều nội dung đề xuất liên quan đến nghiệp vụ vô tuyến, quỹ đạo vệ tinh đã được thông qua.

Về phối hợp và đăng ký tần số quốc tế, đã đăng ký 580 tuyến viba trong băng tần 21.4-22GHz với ITU.  Đăng ký tần số quốc tế cho 59 tần số trên 51 giấy phép Hàng không. Thực hiện phối hợp cho 03 đài trái đất của Công ty điện tử Hàng hải, Công ty nghe nhìn AVG, Đài truyền hình Việt Nam. Trong năm qua, cũng đánh dấu sự thành công về phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh để hỗ trợ VNPT hoàn thành Dự án phóng vệ tinh VINASAT-2.

Việc phối hợp tốt với các Sở TT&TT đã tiếp tục khẳng định vai trò và là nhiệm vụ trọng tâm của Cục trong quản lý nhà nước về tần số tại địa phương. Thực hiện tốt vai trò cơ quan thường trực và điều phối hoạt động của Ủy ban tần số VTĐ quốc gia. Triển khai các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ đề ra. Đã khởi công xây dựng công trình Mở rộng trụ sở Cục Tần số vô tuyến điện tại 115 Trần Duy Hưng, Hà Nội. Bộ máy tổ chức liên tục được củng cố và kiện toàn. Ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý được chú trọng.

Đánh giá các kết quả công tác năm 2012, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đánh giá cao khối lượng lớn công tác của Cục đã hoàn thành trong năm. Thứ trưởng cho biết Cục Tần số VTĐ là đơn vị dẫn đầu trong Bộ TT&TT về tham mưu cho Bộ hoàn thành các văn bản, cơ chế chính sách quản lý tần số VTĐ, hợp tác quốc tế song phương và đa phương đặc biệt các hoạt động với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), ASEAN, các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc; Phối hợp chặt chẽ, thực chất với các Bộ ngành, địa phương, đặc biệt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công An và các Sở TT&TT trên cả nước; cải cách hành chính và ứng dụng CNTT, nổi bật làcấp được 18.938 giấy phép điện tử, chiếm trên 50% tổng số giấy phép được cấp trong năm. Bên cạnh đó, các công tác khác như đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính kế toán, sáng kiến cải tiến cũng đã được Cục thực hiện và hoàn thành rất tốt.

Trọng tâm công tác năm 2013

Về phương hướng năm 2013, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nhất trí với 12 nhiệm vụ trọng tâm mà Cục sẽ triển khai gồm: Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia sửa đổi theo kết quả WRC-2012; Hoàn chỉnh các quy hoạch tần số, phân kênh, sử dụng kênh tần số cho PTTH, an toàn cứu nạn trên biển; Triển khai đề án số hóa truyền hình; Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế và phối hợp tần số khu vực biên giới; Nâng cao năng lực kiểm soát tần số, xử lý can nhiễu, kiểm tra, thanh tra tần số VTĐ; Phối hợp với các Sở TT&TT trong công tác QLNN tại địa phương, Tổ chức hoạt động của Thanh Tra trong toàn Cục theo mô hình tổ chức và quy định mới; Điều chỉnh, sửa đổi chức năng nhiệm vụ của các Trung tâm tần số VTĐ khu vực phù hợp với quy định hiện hành...

Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nhấn mạnh một số nội dung Cục phải tập trung triển khai  trong năm 2013:

Đối với xây dựng văn bản pháp luật: tiếp tục giải trình tiếp thu các ý kiến để ban hành quyết định các băng tần, chuẩn bị cho đấu thầu băng tần trong năm tiếp theo; hoàn thành xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phổ tần số VTĐ quốc gia, đảm bảo phù hợp với Luật Tần số VTĐ, kết quả Hội nghị WRC-2012 và xem xét tính đặc thù của Việt Nam; quy hoạch này phải là sở cứ tham chiếu thực sự hiệu quả khi xây dựng các quy hoạch cụ thể; trình Bộ phê duyệt quy hoạch tần số PTTH , để quy hoạch sớm đi vào vào cuộc sống; tập trung xử lý can nhiễu do hệ thống truyền thanh không dây gây ra; phối hợp với các cơ quan liên quan để giải quyết vấn đề phủ sóng indoor của Việt Nam; tiếp tục triển khai tốt công tác kiểm tra, cấp phép cho tàu cá; tiếp tục quan tâm phối hợp tần số biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc; đẩy mạnh hoạt động trong Ủy ban tần số VTĐ Quốc gia; năm 2013 sẽ triển khai mạnh đề án số hóa truyền hình, trong đó Cục  phải triển khai các công việc quan trọng như hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung cấp dịch vụ, truyền thông, áp dụng tiêu chuẩn; quản lý hiệu quả các dự án đầu tư mà Cục đang và sẽ triển khai trong năm 2013.

   

          Tại Hội nghị này, Hội đồng Thi đua Khen thưởng của Bộ TT&TT đã triển khai công tác khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân của Cục. Trong đó: 02 tập thể được nhận Huân chương Lao động hạng 2, 10 cá nhân nhận Huân chương lao động hạng 3; 03 tập thể và 08 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

VP