Toàn cảnh Hội nghị
Tại phiên 3 của hội nghị, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan đã trình bày tham luận về vai trò kết nối của phát thanh thông qua ICT, góc nhìn của quản lý, với chủ đề: “Xu hướng trong phát thanh và phân chia tần số cho phát thanh ở Việt Nam”
Phát thanh phải tiến hóa, tự thay đổi mình
Những năm gần đây đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực phát thanh ở Việt Nam, đặc biệt là phát thanh công suất nhỏ. Phát thanh đã có sự đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Cơ quan quản lý nhìn nhận phát thanh là một công cụ hiệu quả và kinh tế để phục vụ quá trình phát triển đất nước.
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan trình bày tham luận
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan khẳng định phát thanh sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai và nhấn mạnh trong bối cảnh có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin (CNTT), sự hội tụ của phát thanh và CNTT, một mặt tạo nên cơ hội phát triển, lớn mạnh cho phát thanh, như phát thanh qua internet, qua vệ tinh, sự hỗ trợ của thông tin di động và internet…, mặt khác cũng mang đến những thách thức to lớn cho ngành phát thanh. Vì vậy, phát thanh phải cạnh tranh với các công nghệ giải trí khác trên cùng mặt phẳng với các công nghệ ICT mới, để theo kịp cuộc sống buộc phát thanh phải tiến hóa, tự thay đổi mình.
Vấn đề truyền thanh không dây đã được Cục trưởng trình bày với một khái niệm mở rộng - phát thanh làng xã, một loại hình phát thanh xã hội trong phạm vi làng xã. Đây là lần đầu tiên vấn đề phát thanh làng xã được trình bày với góc nhìn mới của phát thanh xã hội, loại hình phát thanh đang được phổ biến ở nhiều nước. Điểm khác biệt và độc đáo ở đây là phát thanh làng xã của Việt Nam đã được định nghĩa cụ thể. Bài trình bày đã nêu bật những giá trị thiết thực về văn hóa, xã hội mà loại hình phát thanh này mang lại. Đây chính là phần trình bày thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu.
Phát thanh số - xu hướng phát triển của ngành phát thanh
Phát thanh là một ngành thông tin có lịch sử rất lâu dài. Tuy vậy, đây là lĩnh vực dường như khá chậm trong chuyển đổi sang truyền dẫn số. Một trong những nguyên nhân làm chậm tốc độ này là do sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền hình, các loại hình thông tin khác như di động, internet,… và các loại hình giải trí khác.
Ở Việt Nam, phát thanh số đã được thử nghiệm từ khá sớm. Năm 2005, tiêu chuẩn DRM đã được thử nghiệm. Trong khuôn khổ của Hội nghị, tiêu chuẩn DAB+ đã được thử nghiệm tại hội thảo bên lề VOV/WorldDMB Phát thanh số và trình diễn công nghệ DAB+. Đến nay, cả 4 công nghệ phát thanh số chính – DRM, HD radio, T-DMB, DAB+ - đều đã được thử nghiệm tại Việt Nam.
Các công nghệ phát thanh số cho chất lượng âm thanh cao hơn phát thanh truyền thống. Tuy vậy ở Việt Nam, thời điểm triển khai rộng rãi phát thanh số vẫn chưa được xác định cụ thể. Trong bài phát biểu, Cục trưởng đã chỉ ra các rào cản của việc triển khai phát thanh số ở Việt Nam, đồng thời cũng nêu rõ quan điểm của cơ quan quản lý về các tiêu chí đánh giá lựa chọn công nghệ phát thanh số phù hợp cho thị trường trong nước, đó là công nghệ phải có tính hài hòa hóa tần số cao, thiết bị thu phổ dụng trên thế giới với giá thành thấp, phù hợp với đặc tính tiêu dùng trong nước.
Một số model đầu thu phát thanh số hiện nay
Quy hoạch tần số cho phát thanh ở Việt Nam
Trong phần trình bày của mình, Cục trưởng nêu rõ về các quy định của pháp luật liên quan tới quản lý tần số của phát thanh ở Việt Nam. Phát thanh AM có độ phủ sóng rộng khắp, được cấp phép sử dụng tần số ở các băng MF và HF. Phát thanh FM công suất lớn và các trạm phát lại được sử dụng băng tần 87-108 MHz. Đối với phát thanh làng xã, trước đây cùng sử dụng băng tần với phát thanh FM. Tuy nhiên, do số lượng các trạm phát nhiều, công suất phát tương đối nhỏ, nên loại hình truyền thanh làng xã đã được quy hoạch và cấp phép trong băng tần 54-68 MHz. Việt Nam hiện có trên 11 nghìn xã, phường, do đó sẽ còn phát triển thêm nhiều trạm phát thanh làng xã trong tương lai.
Cục trưởng Đoàn Quang Hoan tại phiên trả lời câu hỏi
Kết thúc bài tham luận, Cục trưởng Đoàn Quang Hoan nhấn mạnh: Sự phát triển của công nghệ mới và ICT chỉ góp phần bổ sung và nâng cao vai trò của phát thanh, chứ không thay thế được phát thanh.
Đinh Chí Hiếu