Hội nghị APG15-3
Hội nghị APG15-3 được tổ chức từ ngày 9/6-13/6/2013 tại Brisbane-Australia. Hội nghị APG15-3 sẽ tập trung xem xét các nghiên cứu của ITU-R liên quan đến nội dung chương trình nghị sự của WRC-15, xây dựng các quan điểm sơ bộ đối với các chương trình nghị sự của WRC-15 và quan điểm của APT đối với các vấn đề liên quan tới RA -15 dựa trên cơ sở đề xuất của các nước thành viên, xem xét các nội dung đầu vào của cuộc họp lần thứ 21 nhóm tư vấn thể lệ vô tuyến.
Chương trình đào tạo lần đầu tiên của APG
Trước cuộc họp APG15-3 hai ngày (6-7/6/2014), APT tổ chức Khóa đào tạo về kỹ năng điều hành hội nghị cho các Chủ tịch nhóm soạn thảo (chairman), kỹ năng tham gia hội nghị cho các đại biểu tham dự cuộc họp APG với mục đích hỗ trợ các nước đang phát triển ở khu vực tham gia tích cực và có hiệu quả tại các hội nghị của APG cũng như các hội nghị thuộc nhóm nghiên cứu ITU-R.
Nhận lời mời của Cơ quan quản lý Úc, đại diện Cục Tần số Phó Cục trưởng Lê Văn Tuấn đã có bài thuyết trình cho khóa đào tạo về công tác chuẩn bị cho hội nghị APG và WRC-15 của Việt Nam. Phần “công tác chuẩn cho hội nghị APG và WRC-15” của khóa đào tạo có 04 bài thuyết trình của Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và Việt Nam. Điều này thể hiện sự uy tín của Việt Nam nói chung và Cục Tần số Vô tuyến điện nói riêng trong Cộng đồng viễn thông châu Á Thái Bình Dương (APT). Bài thuyết trình của Việt Nam đã giới thiệu cho các học viên một cách nhìn khác, một cách tiếp cận khác đối với các nước đang phát triển với nguồn nhân lực còn hạn chế để tham gia hiệu quả hội nghị APG cũng như các hội nghị quốc tế, được các học viên nhiệt liệt hoan nghênh.
Các chuyên gia hàng đầu khu vực trực tiếp đào tạo học viên
Khóa đào tạo lần đầu tiên được APG tổ chức đã thành công tốt đẹp. Với sự thiết kế chương trình đào tạo hiệu quả của cơ quan quản lý Úc, các học viên đã được trang bị, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm của các giảng viên là các chuyên gia hàng đầu của khu vực trong ngày thứ nhất. Ngày thứ hai các học viên được chia làm tám nhóm (tương ứng với tám nước từ A, B, C…H) được thiết kế để các học viên học cách nghiên cứu, chuẩn bị, viết, trình bầy đề xuất (contribution) của chương trình nghị sự 1.18, mỗi nước có một chủ tịch là các chuyên gia hàng đầu khu vực để hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp cho các học viên. Thực sự khóa đào tạo đã trang bị các học viên trẻ kiến thức và kinh nghiệm tuyệt vời điều đó thể hiện rõ ngay tại cuộc họp APG15-3, các học viên trẻ đã tự tin tham gia thảo luận hơn rất nhiều so với các kỳ họp APG15-3 trước đây.
Phân nhóm học viên thực hành kỹ năng
Chủ tịch nhóm soạn thảo
Tiếp tục đảm nhiệm vai trò chủ tịch nhóm soạn thảo, 04 vị trí chủ tịch Nhóm soạn thảo của Việt Nam đã điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ, được hội nghị APG15-3 đánh giá cao:
a) Ông Phùng Nguyên Phương - Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị 7 (nhóm 7B- phụ lục AP30B).
b) Ông Bùi Hà Long: Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị sự 1.15 (nghiệp vụ di động hàng hải).
c) Ông Đinh Chí Hiếu: Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị sự 1.4.
d) Ông Nguyễn Huy Cương: Chủ tịch nhóm soạn thảo thuộc chương trình nghị sự 1.7 (nghiệp vụ vệ tinh)
Sự bỡ ngỡ, có chút rụt rè của lần đầu tiên làm chủ tịch nhóm soạn thảo tại hội nghị lớn nhất khu vực (APG15-2 năm 2013) có sự tham dự của hàng trăm đại biểu quốc tế dường như đã biến mất. Tại hội nghị lần này, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các chủ tịch nhóm soạn thảo của Việt Nam thể hiện sự tự tin, kiến thức và khả năng điều hành hội nghị. Điều đó thể hiện qua khả năng tổng hợp tài liệu, khả năng tổng hợp các đề xuất của các nước thành viên trong khu vực, khả năng dẫn dắt và lái các cuộc tranh luận theo hướng tích cực,cởi mở và thân thiện của các chủ tịch nhóm soạn thảo Việt Nam đã được các thành viên APT đánh giá cao.
Kết quả hội nghị APG-3
Hội nghị APG-3 đã thành công tốt đẹp. Một số kết quả chính của hội nghị:
1. Chương trình nghị sự (Agenda item 1.1)– Tìm kiếm thêm băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất
Lưu lượng dữ liệu của thông tin đi động băng rộng trên toàn cầu sẽ tăng cao rất nhiều trong tương lai. Điều đó dẫn tới việc cần một lượng phổ tần lớn để đáp ứng nhu cầu của người dùng.Lượng phổ tần hiện tại đã được phân chia cho IMT là không đủ đáp ứng, vì vậy cần phải tìm kiếm thêm các băng tần mới.Có rất nhiều băng tần đã được đề xuất để WRC-15 xem xét.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
§ Đề xuất chung
Đối với băng tần dành cho truyền hình: Không ủng hộ phân chia mới ở băng tần: 470-694/698 MHz.Lý do: Băng tần này được sử dụng ổn định, lâu dài cho truyền hình ở Việt Nam.
Tại cuộc họp APG-3, đề xuất quan điểm của Việt Nam như sau:
Băng tần
(MHz)
|
Quan điểm
|
470-694/698
|
Phản đối
|
1 350-1 400
|
Ủng hộ
|
1 452-1 492
|
Ủng hộ
|
3 300-3 400
|
Phản đối
|
3 400-3 600
|
Phản đối
|
3 600-3 800
|
Phản đối
|
3 800-4 200
|
Phản đối
|
Đối với các băng tần khác:
- Theo dõi thêm kết quả của cuộc họp tiếp theo của JTG 4-5-6-7 (21-31/7/2014). Tài liệu CPM, phần liên quan tới nội dung AI 1.1 sẽ được thông qua tại cuộc họp này.
- Sau khi tài liệu CPM được thông qua: cần lấy ý kiến các đơn vị có liên quan trong nước để chuẩn bị quan điểm rõ ràng cho các phiên họp APG tiếp theo.
§ Đề xuất bảo vệ băng tần C mở rộng của vệ tinh Vinasat
Trong các đoạn băng tần được xem xét nghiên cứu phân bổ cho IMT có đoạn băng tần C (3.4-4.2GHz). Vệ tinh Vinasat-1 đang sử dụng đoạn băng tần C từ 3.4-3.7GHz.
Việt Nam là một trường hợp đặc biệt, là một nước tham gia thị trường vệ tinh muộn nên chỉ có khả năng phối hợp và đăng ký vị trí quỹ đạo thành công ở băng tần C mở rộng (đương xuống 3.4-3.7GHz). Nếu đoạn băng tần này được phân bổ cho IMT thì sẽ ảnh hưởng tới khả năng kinh doanh hiện tại và phát triển sau này của hệ thống vệ tinh VINASAT. Và thực tế khi triển khai thử nghiệm ở một số quốc ra đã cho thấy các hệ thống mặt đất bao gồm cả IMT gây can nhiễu cho dịch vụ vệ tinh hoạt động ở băng tần này.
Các nghiên cứu hiện tại cho thấy khả năng dùng chung giữa IMT và FSS chưa hoàn toàn khả thi, việc triển khai IMT trong ở băng tần C đường xuống sẽ cản trở sự phát triển của dịch vụ vệ tinh hiện tại và tương lai. Do đó Việt Nam đề xuất không xem xét băng tần 3.4-4.2GHz cho IMT.
Kết quả hội nghị APG15-3:
Hội nghị đã xử lý 14 đóng góp từ các nước thành viên (Việt Nam có 2 đóng góp); 03 tài liệu cung cấp thông tin từ GSMA và Telstra.
Quan điểm sơ bộ của APT đã được cập nhật dựa trên các đóng góp từ các nước thành viên. Một số nước đề nghị đưa thêm các nội dung liên quan tới băng tần tiềm năng vào quan điểm sơ bộ của APT. Tuy vậy, sau 05 phiên thảo luận, Hội nghị đã nhất trí:
- Tại cuộc họp này chưa bổ sung nội dung vào quan điểm sơ bộ của APT mà chỉ mô tả hiện trạng các nghiên cứu;
- Cập nhật danh sách quan điểm về các băng tần tiềm năng dựa trên quan điểm của các nước thành viên.
Kết quả, hội nghị đã xây dựng được quan điểm sơ bộ của APT là:
- Ủng hộ các nghiên cứu về dùng chung của ITU;
- Bảo vệ các nghiệp vụ đã được phân bổ băng tần;
- Ủng hộ hài hòa tần số để tận dụng lợi thế về quy mô cũng như tạo thuận lợi cho người sử dụng khi di chuyển giữa các khu vực.
2. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự 1.5 (Agenda item 1.5) – Máy bay không người lái
Xem xét khả năng sử dụng các băng tần đã quy hoạch cho Nghiệp vụ cố định qua vệ tinh (FSS), trừ các băng tần trong Phụ lục 30, 30A và 30B, cho ứng dụng điều khiển (CNPC) máy bay không người lái (UAS)
Theo WRC-12 và CPM15-1, nhóm nghiên cứu 5B của ITU-R phải nghiên cứu để đưa ra những đề xuất khả thi về kỹ thuật và thể lệ cho phép khai thác ứng dụng CNPC đối với UAS trong các băng tần FSS đảm bảo tiêu chí an toàn.
Tại kỳ họp cuối cùng để WP5B hoàn thành dự thảo báo cáo CPM, hội nghị đã không đạt được sự đồng thuận về các kết quả nghiên cứu cần thiết để thực hiện AI 1.5. Điều này dẫn đến việc hội nghị đã đề xuất 2 phương án cho AI 1.5 mà không dựa trên cơ sở của các nghiên cứu liên quan. Hai phương án nói trên là:
Phương án A: bổ sung điều khoản vào Thể lệ cùng với 1 Nghị quyết liên quan để ứng dụng CNPC-UAS hoạt động theo các quy định liên quan ICAO được phép sử dụng các băng tần FSS trong khoảng 10 - 30 GHz.
Vấn đề của phương án này:
- Không chỉ rõ lượng băng thông cần thiết phải lấy từ các hệ thống FSS để sử dụng cho CNPC-UAS.
- Việc sử dụng cho CNPC link 2&3 (kết nối UAS với Satellite, là kết nối Mobile) theo Phương án này không phù hợp với định nghĩa của FSS (Fixed).
- Can nhiễu xảy ra trên các băng tần FSS được ghi nhận hàng ngày, nó không là vấn đề lớn đối với FSS nhưng lại là vấn đề đáng ngại đối với kênh thông tin điều khiển máy bay (máy bay mất điều khiển được coi như 1 quả tên lửa)
- Trong khi khả năng xẩy ra can nhiễu đối cới UAS CNPC khi hoạt động trên tần số FSS là hiện hữu, các biện pháp phòng tránh can nhiễu được đề ra lại không đạt được sự nhất trí của các nước.
Phương án B:không thay đổi thể lệ (NOC), do một số nước lo ngại về khả năng đảm bảo cho UAS CNPC có thể hoạt động an toàn trên các tần số FSS.
Vấn đề của phương án này:
- Không cho phép CNPC-UAS sử dụng tần số của FSS, làm giảm khả năng có dự phòng cho CNPC
- Khi đó, các nước có nhu cầu sẽ sẽ sử dụng CNPC-UAS trong 1 số băng tần FSS theo quy định riêng của nước đó (theo điều khoản 4.4 của RR), mà không có sự hài hòa và nhận biết của quốc tế.
Đề xuất quan điểm của Việt Nam:
- Kêu gọi các nước nỗ lực đóng góp và hợp tác hơn nữa tại hội nghị CPM15-2 để có thể hoàn thành nghiên cứu và báo cáo CPM cho AI 1.5.
- Các nghiên cứu cho phép UAS CNPC sử dụng tần số FSS phải:
+ Đảm bảo an toàn cho hoạt động của các nghiệp vụ an toàn hàng không và cho chính UAS.
+ Không đặt ra yêu cầu thêm đối với các nghiệp vụ hiện hữu
+ Xác định rõ lượng phổ tần cần thiết cho UAS
- Đề xuất APG xây dựng quan điểm chung cho AI 1.5
Kết quả hội nghị APG15-3:
Hội nghị thống nhất được quan điểm sơ bộ của APT như sau:
Với những vấn đề được thảo luận nêu trên, hội nghị thống nhất được một vài quan điểm sơ bộ của APT về chương trình nghị sự 1.5, các quan điểm của Việt Nam cũng đã được phản ánh đầy đủ, cụ thể như sau:
- Phải đảm bảo tương thích giữa kết nối UAS-CNPC với các hệ thống hiện hữu trong các băng tần liên quan.
- Kết nối CNPC phải tuân thủ các Quy định về an toàn, gồm cả bộ Quy định SARPs sẽ được ICAO xây dựng.
- Các điều chỉnh về quản lý liên quan đến hoạt động của UAS trong các băng tần FSS không được làm ảnh hưởng đến hoạt động của các mạng vệ tinh FSS hiện tại và sau này, cũng như các nghiệp vụ khác trong cùng băng tần.
- Cần xác định rõ lượng băng tần cần thiết cho kết nối CNPC sử dụng trên các băng tần FSS.
- Tất cả các nghiên cứu hỗ trợ cho việc xây dựng dự thảo báo cáo về UAS-FSS phải được hoàn thành và phê chuẩn tại các nhóm SG4 và SG5 trước WRC-15.
- Khả năng để có được một kết nối CNPC sử dụng FSS với độ tin cậyrất cao so với kết nối FSS thông thường trong cùng 1 hệ thống cũng là một vấn đề phải làm rõ.
Đối với các phương án thưc hiện AI 1.5 tại báo cáo CPM, APT chưa xác định rõ phương án ủng hộ, đồng thời cũng để ngỏ khả năng có đề xuất thêm phương án mới.
3. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự 1.6 (Agenda item 1.6) Tìm kiếm băng tần cho nghiệp vụ FSS trong dải tần 10-17GHz
Hiện nay băng tần Ku được sử dụng cho nghiệp vụ vệ tinh rất nhiều. Trong khi đó có sự bất đối xứng trong phân bổ băng tần đường lên/đường xuống băng tần Ku hiện nay. Đường xuốngđược phân bổ 1050MHz trong khi đó đường lên chỉ được phân bổ có 750MHz như vậy đường lên thiếu 300MHz. Do đó chương trình nghị sự 1.6 của WRC-15 sẽ xem xét nghiên cứu tìm kiếm thêm 300MHz trong dải tần từ 13-17MHz (khu vực 3) để phân bổ bổ sung cho nghiệp vụ FSS.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
Trong số các băng tần (ứng cử) để nghiên cứu khả năng dùng chung với các nghiệp vụ khác để phân bổ cho nghiệp vụ FSS, Việt Nam đã triển khai một số lượng lớn viba trong đoạn băng tần 14.5-15.35GHz.
Đoạn băng tần 15.43-17 GHz không có tuyến viba, hơn nữa được phân bổ cho nghiệp vụ định vị, dẫn đường hàng không. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy khả năng có thể dùng chung được giữa dịch vụ vệ tinh và các nghiệp vụ này.
Do đó để bảo vệ Viba, Việt Nam đề xuất ủng hộ nghiên cứu dùng chung trong đoạn băng tần 15.43-17 GHz.
Kết quả hội nghị
Đối với chương trình nghị sự 1.6.1, APT có quan điểm chung sơ bộ:
+ APT ủng hộ ITU-R tiến hành nghiên cứu chương trình nghị sự 1.6.1 phù hợp với Nghị quyết 151 (WRC-12), trong khi đảm bảo bảo vệ các nghiệp vụ chính đang tồn tại trong các băng tần.
+ Nếu xem xét sử dụng băng tần 14,5-14,8 GHz cho nghiệp vụ FSS thì cần phải có biện pháp thích hợp để đảm bảo tính toàn vẹn và bảo vệ đầy đủ các mạng vệ tinh trong phụ lục AP30A.
+ Các băng tần 10,6-10,7 GHz và 13,25-13,75 GHz nên được loại trừ khỏi danh sách các băng tần dự kiến nghiên cứu cho chương trình nghị sự 1.6.1 để bảo vệ nghiệp vụ EESS (thụ động, tích cực).
Đối với chương trình nghị sự 1.6.2, APT có quan điểm chung sơ bộ:
+ APT ủng hộ ITU-R tiến hành nghiên cứu chương trình nghị sự 1.6.2 phù hợp với Nghị quyết 151 (WRC-12), trong khi đảm bảo bảo vệ các nghiệp vụ chính đang tồn tại trong các băng tần.
+ Nếu xem xét sử dụng băng tần 14,5-14,8 GHz cho nghiệp vụ FSS thì cần phải có biện pháp thích hợp để đảm bảo tính toàn vẹn và bảo vệ đầy đủ các mạng vệ tinh trong phụ lục AP30A.
+ Các băng tần 13.4-13.75 GHz và 13,25-13.4 GHz nên được loại trừ khỏi danh sách các băng tần dự kiến nghiên cứu cho chương trình sự 1.6.2 để bảo vệ nghiệp vụ EESS (tích cực).
4. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự 1.9.2-Phân bổ thêm 7 375-7 750 MHz và 8 025‑8 400 MHz cho MMSS kèm theo các điều kiện sử dụng
Nghiên cứu dùng chung cho thấy nghiệp vụ MMSS có khả năng gây can nhiễu cho các đài cố định, nghiệp vụ thăm dò trái đất, thăm dò không gian.
Đồng thời nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đối với đoạn băng tần 8 025‑8 400 MHz thì cần phải thiết lập một khoảng cách tối thiểu giữa các trạm MMSS và các trạm đài mặt đất, tính toán theo Appendix 7 thì cỡ khoảng trên 650Km để bảo vệ các đài mặt đất. Số lượng Viba của Việt Nam ở băng tần này khoảng hơn 740 tuyến đường trục. Do khoảng cách bảo vệ quá lớn so với bề dầy địa hình Việt Nam nên Việt Nam đề xuất: không ủng hộ phân bổ thêm 8 025‑8 400 MHz cho MMSS.
Các nước đều có quan điểm về bảo vệ các dịch vụ hiện hữu như nghiệp vụ Cố định trong các băng tần sẽ quy hoạch mới cho MMSS.
Tại Việt Nam, trong các băng tần từ 7 - 8 GHz, hiện có 9251 giấy phép tuyến viba truyền dẫn trong mạng di động. Tại hội nghị, Việt Nam đã đưa ra quan điểm các hệ thống FSS (theo 1.9.1) và MMSS (theo 1.9.2) nếu được quy hoạch mới phải đảm bảo dùng chung và tương thích với các nghiệp vụ hiện hữu, không cản trở sự phát triển của các nghiệp vụ đã quy hoạch.
Cụ thể đối với AI 1.9.2, dựa trên kết quả nghiên cứu của ITU-R, Việt Nam không đồng ý phân bổ MMSS vào băng tần 8025 - 8400 MHz nếu không có phương án hợp lý và thực tế để bảo vệ các nghiệp vụ hiện hữu (tài liệu APG15-3/INP-85).
Kết quả hội nghị
Đối với AI 1.9.2, MMSS trong dải tần 7/8 GHz, APT ủng hộ nghiên cứu quy hoạch cho MMSS đảm bảo dung chung và tương thích với các nghiệp vụ hiện hữu, không cản trở sự phát triển của các nghiệp vụ đã quy hoạch. Trong APT có sự chia rẽ về tính khả thi của việc quy hoạch MMSS trong các băng tần trên theo 2 phương án của báo cáo CPM.
5. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự (Agenda item 1.15) – Hệ thống thông tin nội bộ trên tàu biển
Xem xét nhu cầu về phổ tần đối với hệ thống thông tin bộ đàm nội bộ trên tàu biển sử dụng băng tần UHF hàng hải (UHF on-board).
Nhu cầu về tần số cho hệ thống liên lạc UHF on-board cần được quan tâm để đảm bảo khả năng khai thác tàu tốt nhất (các chức năng như thả neo, cập bến, chỉ huy chưa cháy/tai nạn trên tàu, an ninh trên tàu, chống tấn công vào tàu, …). Theo Quy hoạch, chú thích số 5.287 dành ra 6 kênh tần số phân kênh 25 kHz trong băng tần 450 – 470 MHz (457.525; 457.550; 457.575; 467.525; 467.550 và 467.575 MHz) cho nhu cầu này, tuy nhiên khả năng sử dụng của 6 tần số này không đồng nhất ở mọi quốc gia trong khi khả năng di chuyển của tàu biển là gần như tại mọi vùng biển. Việc sử dụng đối khi bị hạn chế do các hệ thống trên bờ hoặc nghẽn kênh do nhiều tàu tập trung, bản thân băng tần 450 – 470 MHz cũng đã được xác định dành cho IMT.
Hiện tại, với đề xuất và hoạt động tích cực của Việt Nam tại WP5B, báo cáo CPM cho AI 1.15 đã gần hoàn thiện với việc từ 2 phương án rút về duy nhất 1 phương án (của Việt Nam):
- Không phân bổ thêm tần số mới cho on-board.
- Bổ sung thêm các phân kênh hẹp (<25 kHz) 12.5 kHz và 6.25 kHz trong 2 đoạn băng tần hiện đang được dành cho on-board theo chú thích 5.287.
- Cho phép sử dụng các hệ thống kỹ thuật số.
- Khuyến nghị sử dụng các dạng mã hóa CTCSS và DCS để tránh nghẽn.
Đề xuất của Việt Nam:
- Ủng hộ phương án của CPM text (là phương án do Việt Nam đề xuất)
- Do kết quả nghiên cứu của WP5B đã tương đối rõ, đề xuất APG xây dựng PACP cho AI 1.5 trên cơ sở phương án của Việt Nam đề xuất tại ITU-R WP5B.
Tại hội nghị APG15-3 lần này, Việt Nam tiếp tục chủ trì nhóm soạn thảo xây dựng quan điểm sơ bộ của APT cho AI 1.15, cùng với tham luận của Việt Nam (tài liệu APG15-3/INP-81Rev.1) dựa trên các kết quả đạt được tại WP5B được gửi tới hội nghị, Việt Nam đã chủ trì thảo luận hiệu quả, với tiến độ nghiên cứu được đánh giá cao và kết quả là đã xây dựng được quan điểm sơ bộ của APT chủ yếu dựa trên quan đểm của Việt Nam.
Kết quả hội nghị
Sau khi thống nhất, hội nghị đã đi đến việc xây dựng quan điểm sơ bộ của APT, được đánh giá là khá chi tiết so với 1 quan điểm sơ bộ, cụ thể như sau:
- Các nước APT ủng hộ những nghiên cứu của ITU-R về nội dung này, đồng thời ủng hộ phương án duy nhất được báo cáo CPM đề xuất.
- Không tăng thêm tần số cho on-board vì các kết quả nghiên cứu không chỉ ra được nhu cầu này.
- Sử dụng các phân kênh nhỏ hơn (12.5 kHz và 6.25 kHz) sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng phổ tần sẵn có của on-board. Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ số cũng sẽ là một giải pháp, đồng thời mang đến các tính năng mới hữu ích.
- Sử dụng các loại mã hóa (CTCSS hoặc DCS) và kỹ thuật LBT cho các hệ thống on-board có thể giúp tránh xuyên thông tin lẫn nhau.
- Việc mở rộng tần số cho on-board không gây trở ngại cho các hệ thống on-board hiện hữu sử dụng công nghệ tương tự với phân kênh 25 kHz.
6. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự(Agenda item 1.16) - Ứng dụng AIS mới và nâng cao năng lực thông tin hàng hải
Xem xét các vấn đề về quy hoạch và thể lệ để cho phép triển khai các ưng dụng AIS mới và nâng cao khả năng thông tin trong hàng hải.
Thiết bị và ứng dụng AIS đã trở thành quy định bắt buộc đối với tàu biển theo Công ước an toàn trên biển (SOLAS) và cũng đã được sử dụng rất rộng rãi. AIS giúp hỗ trợ dẫn đường an toàn và hiệu quả, tránh va chạm tàu đặc biệt là trong các khu vực cản có mật độ tàu cao. Dịch vụ AIS cũng được tăng thêm độ tin cậy thông qua khả năng thu nhận tín hiệu AIS từ vệ tinh. Dữ liệu AIS (AIS VHF Data Link - VDL) trên 2 tần số AIS1 (161.975 Mhz) và AIS2 (162.025 MHz) hiện tại được ưu tiên dùng cho dẫn đường tránh va chạm, theo đó tại một số khu vực cảng lớn kênh thông tin này có khả năng bị nghẽn. Kết quả của hội nghị WRC-12 đã mở ra khả năng phát triển thêm 1 số kênh AIS mới (cho phép thử nghiệm trên các kênh 27, 87, 28, 88).
Thông tin thoại hàng hải trong băng tần VHF giữa bờ - tàu, tàu – tàu đã được sử dụng từ khá lâu, tuy nhiên kỹ thuật truyền thống không đáp ứng được nhu cầu thông tin mới như truyền dữ liệu, thông tin số (thông tin thời tiết, bản đồ băng, hỗ trợ dẫn đường, …). WRC-12 cũng đã xác định một số kênh trong Phụ lục 18 sử dụng cho truyền dữ liệu (VHF Data Exchange - VDE) với mục tiêu nâng cao năng lực thông tin hàng hải, tuy nhiên đáng tiệc là sự bổ sung này chưa có được sự hài hòa toàn cầu như các quy định tần số hàng hải thường thấy. Nghiên cứu quy định sử dụng các kênh VDE sao cho hiệu quả và hợp lý là nhiệm vụ của AI 1.16.
Nghiên cứu của 5B tập trung vào các vấn đề:
- Tải thông tin trên 2 kênh AIS: có sự quá tải 2 kênh AIS, đặc biệt là ở các vùng có mật độ tàu cao. Giải pháp đặt ra là cần bổ sung tần số trong AP18 cho ứng dụng ASM (một thành phần của AIS với thông tin truyền dẫn không liên quan đến dẫn đường) để làm giảm tải cho 2 kênh AIS.
- Hiện tượng Blocking của 2 kênh AIS nếu cho phép đài tàu phát trên các kênh 2078, 2019, 2079 and 2020. Dự thảo CPM đề xuất không cho phép đài tàu sử dụng 4 tần số này.
- Sử dụng hệ thống truyền dữ liệu (VDES) trên các tần số dành cho công nghệ số: các kênh 24, 84, 25, 85, 26, 86 phù hợp cho VDES hài hòa toàn cầu; và các kênh 80, 21, 81,22, 82, 23, 83 hài hòa trong Khu vực 1&3.
- Khả năng sử dụng thành phần vệ tinh của VDES tập trung vào các tần số trong AP18 kèm theo các điều kiện về psfd nhất định để bảo vệ các đài di động và cố định mặt đất trong cùng băng tần.
Hiện tại, WP5B đang tập trung nghiên cứu để hoàn thiện báo cáo CPM cho AI 1.16 với các phương án cho từng loại ứng dụng:
a) Đối với ứng dụng ASM:
Phương án A1: Tách 2 kênh song công 27 và 28 thành 4 kênh đơn công (1027, 1028, 2027, 2028) và ấn định 2 kênh 2027 và 2028 cho ứng dụng ASM. Để bảo vệ các kênh AIS1,2 và ASM1,2 không cho phép đài tàu phát trên các kênh 2078, 2019, 2079 and 2020. Thực hiện theo thời hạn chuyển đổi đến [ngày TBD] và có hiệu lực từ ngày [TBD].
Phương án A2: từ ngày [1/1/2019], ấn định 2 kênh đơn công hiện có 87 và 88 cho ứng dụng ASM.
b) Đối với ứng dụng VDE thành phần mặt đất hài hoà toàn cầu:
Phương án B1: bổ sung chú thích mới cho AP18 để cho phép sử dụng VDES (truyền dữ liệu kỹ thuật số băng rộng) trên 4 kênh 24, 25, 84, 85
Phương án B2: 4 kênh 24, 25, 84, 85 của AP18 có thể được sử dụng cho việc thử nghiệm, kiểm tra ứng dụng VDES hài hòa toàn cầu trên cả 2 thành phần mặt đất và vệ tinh.
c) Đối với ứng dụng VDE thành phần vệ tinh:
Phương án C1:
- Quy hoạch thêm nghiệp vụ Di động hàng hải qua vệ tinh (chiều từ Trái đất tới Không gian) làm nghiệp vụ phụ cho các đoạn băng tần 161.9375-161.9625 MHz (kênh 2027) và 161.9875-162.0125 MHz (kênh 2028) để mở rộng năng lực và vùng phủ cho ứng dụng ASM.
- Quy hoạch thêm nghiệp vụ Di động hàng hải qua vệ tinh làm nghiệp vụ phụ cho đoạn băng tần chiều xuống 157.1875-157.3375 MHz (các kênh 1024, 1084, 1025, 1085, 1026 và 1086) và chiều lên 161.7875-161.9375 MHz (các kênh 2024, 2084, 2025, 2085, 2026 và 2086) để mở rộng năng lực và vùng phủ cho ứng dụng VDE
- Trạm không gian trong hệ thống VDES được phối hợp với các nghiệp vụ mặt đất theo Phụ lục 5 của Thể lệ với yêu cầu về mặt nạ PFD.
- Sửa đổi Chú thích 5.208B và Phụ lục 1 của Nghị quyết 739 để bảo vệ băng tần Vô tuyến thiên văn liền kề.
Phương án C2: ứng dụng VDE thành phần vệ tinh sử dụng các phân bổ hiện hữu cho nghiệp vụ Di động qua vệ tinh, đường lên sử dụng băng tần 148 – 150 MHz và đường xuống sử dụng băng tần 137 – 138 MHz. Các băng tần này được giới han jcho các hệ thống vệ tinh NGSO theo chú thích 5.209.
d) Đối với ứng dụng VDE thành phần mặt đất hài hoà khu vực:
Phương án D: các kênh 80, 21, 81, 22, 82, 23 và 83 có thể sử dụng cho VDE ở 1 số khu vực theo Phụ lục 18 của Thể lệ, trong đó 4 kênh 80, 21, 81, 22 và 2 kênh 23, 83 có thể gộp thành các kênh có BW = Nx25 kHz để sử dụng cho cho VDE.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
- Các Phương án A1, B1, C1, D sơ bộ là tương đồng với quan điểm của Việt Nam đã đề xuất tại APG-2.
- Đề xuất xây dựng quan điểm sơ bộ của APT về AI 1.16.
Tại hội nghị lần này, các nước tham dự đều đưa ra quan điểm ủng hộ nghiên cứu phát triển ứng dụng AIS mới song phải bảo đảm hoạt động của 2 kênh AIS truyền thống nhằm mục đích đảm bảo an toàn hàng hải tránh va chạm giữa các tàu biển.
Hội nghị cũng đồng ý việc tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng AIS và truyền dữ liệu 2 chiều trên quy mô toàn cầu và khu vực để khai thác trên các kênh của Phụ lục 18 đã được xác định cho công nghệ mới tại WRC-12. Tuy nhiên, các nước thấy rằng ITU-R cần có thêm các nghiên cứu kỹ thuật về thành phần mặt đất và thành phần vệ tinh của VDES để phục vụ mục tiêu trên.
Kết quả hội nghị
Hội nghị thống nhất được quan điểm sơ bộ của APT như sau:
- Ứng dụng ASM, VDE mới không được làm thay đổi ứng dụng AIS trên 2 kênh truyền thống (AIS1 và AIS2, thông tin dẫn đường đảm bảo an toàn) nhằm đảm bảo tính năng cơ bản nhất của AIS là đảm bảo an toàn hàng hải và tránh va chạm.Đồng thời, ứng dụng VDE phải có khả năng gánh bớt tải cho phần thông tin còn lại của 2 kênh AIS hiện nay.
- Tập trung nghiên cứu phát triển các ứng dụng VDES trên quy mô toàn cầu và khu vực tại các kênh đã được xác định cho công nghệ mới tại hội nghị WRC-12.
- Cần có lộ trình triển khai các ứng dụng VDES để giảm thiểu ảnh hưởng đến các dịch vụ đang khai thác, đồng thời xem xét khả năng tích hợp VDES vào GMDSS.
- Ưu tiên sử dụng 2 kênh 2027 và 2028 cho ứng dụng AIS mới, đồng thời có phương án sử dụng cho các kênh 1027 và 1028 còn lại.
1. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự 1.17 (Agenda item 1.17) – Hệ thống thông tin nội bộ tàu bay (WAIC)
Xem xét nhu cầu về phổ tần và quy định thể lệ để cho phép sử dụng hệ thống thông tin nội bộ tàu bay (WAIC).
Hệ thống WAIC được sử dụng để liên lạc giữa các trạm vô tuyến đặt trên các khu vực của tàu bay (liên lạc giữa bộ phần ở cánh máy bay, động cơ, lốp, … với trung tâm điều khiển máy bay, liên lạc bên trong khoang máy bay; mục tiêu là để thay thể các truyền dẫn dùng dây cáp hiện tại nhằm giảm trọng lượng máy bay và dễ bảo dưỡng).
Các kết qủa nghiên cứu tại WP5B cho thấy trong dải dưới 15 GHz chỉ có băng tần 4200 – 4400 MHz là có thể xem xét sử dụng cho WAIC mà không gặp vấn đề tương thích và dùng chung với các hệ thống khác. Với các băng tần trên 15 GHz, các đoạn 22.5-22.55 GHz và 23.55-23.6 GHz cũng có thể được xem xét. Tuy nhiên, theo báo cáo M.2283 thì lượng băng tần cần thiết cho WAIC là từ 51 MHz (cho ứng dụng tốc độ thấp < 1 Mbps) đến 94 MHz (cho ứng dụng tốc độ cao < 20 Mbps). Ngoài ra, WP5C cũng có kiến cần làm rõ hơn các nghiên cứu về tương thích giữa WAIC với các hệ thống FS trong 2 đoạn băng tần 22 và 23 GHz, cũng là băng tần viba được dùng nhiều tại Việt Nam.
Hiện tại, có 2 phương án cho AI 1.17:
Phương án A: phân bổ mới nghiệp vụ Di động hàng không (AM(R)S) trong băng tần 4200 – 4400 MHz (200 MHz) kèm theo footnote giới hạn cho ứng dụng WAIC và bảo vệ hệ thống đo độ cao của máy bay.
Phương án B: phân bổ mới nghiệp vụ AM(R)S trong băng tần 4200 – 4400 MHz, 22.5 - 22.55 GHz và 23.55 - 23.6 GHz (tổng cộng 300 MHz) kèm theo footnote giới hạn cho ứng dụng WAIC.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
- Các quy định về kỹ thuật và khai thác được đặt ra để cho phép triển khai WAIC phải không ảnh hưởng đến các nghiệp vụ an toàn hàng không hiện hành, đồng thời không làm ảnh hưởng đến các nghiệp vụ mặt đất có liên quan.
- Qua đánh giá nhu cầu sử dụng hệ thống WAIC, nhu cầu phổ tần và khả năng tương thích, đề xuất ủng hộ Phương án A.
- Đề xuất xây dựng PV của APT về AI 1.17.
Các nội dung được thảo luận về WAIC đáng chú ý tại APG15-3 gồm:
- Việc cho phép WAIC hoạt động phải đảm bảo không ảnh hưởng tới các hệ thống an toàn hàng không.
- Nhu cầu phổ tần cho WAIC đã được nhóm nghiên cứu WP5B của ITU-R xác định là 145 MHz. Nhóm WP5B cũng đang nghiên cứu tương thích giữa WAIC với các hệ thống hiện hữu ở một số băng tần dưới 15.7 GHz.Theo đó,việc dùng chung trong các băng tần 2700 – 2900 MHz và 5350 – 5460 MHz là khó khả thi; trong khi băng tần 4200 - 4400 MHz có khả năng tương thích cao.
- APT ủng hộ phân bổ thêm nghiệp vụ AM(R)S giới hạn cho các hệ thống WAIC trong băng tần 4200 – 4400 MHz.
Kết quả hội nghị
Hội nghị thống nhất được quan điểm sơ bộ của APT như sau:
- Ủng hộ ITU-R WP5B nghiên cứu về tần số cho WAIC
- Ủng hộ phân bổ thêm nghiệp vụ AM(R)S giới hạn cho các hệ thống WAIC vào băng tần 4200 – 4400 MHz.
WAIC hoạt động không được gây hạn chế cho các nghiệp vụ chính hiện hữu trong các băng tần được phân bổ.
2. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự 1.18 (Agenda item 1.18) – Rada ôtô
Xem xét khả năng quy hoạch tần số cho nghiệp vụ Vô tuyến định vị để sử dụng cho Rada đặt trên ôtô trong băng tần 77.5 – 78 GHz.
Băng tần 76-81 GHz đang được quy hoạch cho các nghiệp vụ Vô tuyến thiên văn, Nghiệp dư qua vệ tinh. Vừa qua, tại một số nước phát triển, các thiết bị rada ôtô giúp tăng cường khả năng vận hành an toàn cho oto được phát triển khá nhiều. Rada này giúp chống va chạm, giảm nguy cơ tai nạn và là một thành phần quan trọng của hệ thống Giao thông thông minh (ITS).
WP5B đang nghiên cứu về dùng chung và tương thích cho rada ôtô trong băng tần 77.5 – 78 GHz, kết quả nghiên cứu được tập họp vào Báo cáo M.[AUTOMOTIVE RADARS] gồm:
- Nghiên cứu dùng chung với nghiệp vụ Nghiệp dư, Nghiệp dư qua vệ tinh và Nghiên cứu vũ trụ: đang được xây dựng;
- Nghiên cứu dùng chung với nghiệp vụ Vô tuyến thiên văn: có khả năng xảy ra nhiễu trong 1 phạm vi hẹp, tuy nhiên phương pháp tránh nhiễu cũng được đề xuất;
Hiện tại, có 3 phương án cho AI 1.18:
Phương án A: Quy hoạch cho nghiệp vụ Vô tuyến định vị (RLS) làm nghiệp vụ chính chỉ để triển khai ứng dụng rada ôtô trong băng tần 77.5 – 78 GHz tại cả 3 Khu vực, đồng thời Khuyến nghị 2057 về đặc tính kỹ thuật của hệ thống rada được đưa vào (incorporated) Thể lệ.
Phương án B: Quy hoạch cho RLS làm nghiệp vụ chính chỉ để triển khai ứng dụng rada ôtô trong băng tần 77.5 – 78 GHz tại cả 3 Khu vực
Phương án C: Quy hoạch cho RLS làm nghiệp vụ chính trong băng tần 77.5 – 78 GHz tại cả 3 Khu vực.
Đề xuất quan điểm sơ bộ của Việt Nam:
- ITS giúp tăng thêm tính an toàn cho người và phương tiện trong giao thông đường bộ.
- Ủng hộ ITU-R nghiên cứu về rada oto trong băng tần 77.5-78 GHz trên cơ sở không làm cản trở sự phát triển của các nghiệp vụ vô tuyến đã đươc quy hoạch.
- Đề xuất xây dựng PV của APT về AI 1.18.
Hiện nay, một số nước APT đang thực hiện nghiên cứu dùng chung và tương thích giữa Rada ôtô với các hệ thống Vô tuyến thiên văn và Vô tuyến nghiệp dư với kết qủa khá tích cực. Kết quả nghiên cứu của CEPT cũng được xem xét làm cơ sở để APT xây dựng quan điểm của mình.
Kết quả hội nghị
APT ủng hộ quy hoạch băng tần 77.5 – 78 GHz cho nghiệp vụ vô tuyến định vị với ứng dụng rada ô tô với điều kiện không làm phát sinh thêm yêu cầu kỹ thuật cho các nghiệp vụ cũ. APT sẽ tiếp tục xây dựng quan điểm về 2 phương án A & B.
3. Đề xuất liên quan tới chương trình nghị sự 7 (Agenda Item 7) – Thủ tục vệ tinh
Thủ tục liên quan đến việc đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh: đề xuất làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và vai trò của BR, RRB
a) Thông báo cho BR về vấn đề tạm dừng ấn định tần số theo điều khoản 11.49
Nghiên cứu của ITU:
WRC-12 đã sửa đổi điều khoản 11.49 để mở rộng thời gian tạm dừng một ấn định tần số từ hai năm lên ba năm đủ để cho nhà khai thác vệ tinh có thể sản xuất vệ tinh mới thay thế. Điều khoản này được xây dựng với mục đích các trường hợp tạm dừng phải ngay lập tức thông báo cho BR, tuy nhiên không có qui định rõ ràng về việc hậu quả của việc không thông báo đúng hạn, dẫn đến nhiều nước có thể lạm dụng điều khoản tạm dừng ấn định mà không thông báo cho BR tình trạng của vệ tinh hoặc không thực sự đưa ấn định vào sử dụng.
Nội dung thảo luận tại cuộc họp APG15-3 và kết quả hội nghị
APG15-3 đã thảo luận về vấn đề này và đưa ra kết luận về việc ủng hộ phương án có biện pháp trừng phạt việc thông báo muộn hoặc không thực sự đưa ấn định vào sử dụng, đồng thời không ủng hộ phương án xóa ấn định tần số ngay sau khi ấn định đã tạm dừng sáu tháng mà không thông báo.
b) Xuất bản thông tin các mạng vệ tinh được đưa vào sử dụng
Nghiên cứu của ITU
Hội nghị WRC-12 đã thông qua các thay đổi về các điều khoản thể lệ về khái niệm đưa các mạng vệ tinh vào sử dụng và tạm dừng sử dụng các mạng vệ tinh theo xu hướng minh bạch hóa nhằm loại bỏ việc sử dụng các vệ tinh cũ đã hết hạn sử dụng để chiếm dụng vị trí quĩ đạo. Việc thay đổi này tạo sự công bằng hơn cho các nước đang phát triển và/hoặc mới phóng vệ tinh lên quĩ đạo và có nhu cầu tìm kiếm vệ tinh mới. Tuy nhiên, vấn đề xuất bản thông tin về đưa vào sử dụng mạng vệ tinh mới chưa được xem xét. Cục tần số đã xây dựng đề xuất về việc cần phải hoàn thiện các thủ tục về xuất bản thông tin để cung cấp đầy đủ dữ liệu cho các nước có nhu cầu tìm kiếm thêm vị trí quĩ đạo mới.
Nội dung thảo luận tại cuộc họp APG15-3 và kết quả hội nghị
Hội nghị APG15-3 đưa ra quan điểm về sự cần thiết sớm đưa thông tin về đưa ấn định tần số vào sử dụng và tạm dừng ấn định tần số lên trang web của ITU và xuất bản thông tin trên đĩa BR IFIC. Chưa có đồng thuận về phương án xuất bản thông tin.
c) Sửa đổi Phụ lục AP30B về tạm dừng sử dụng một ấn định tần số
Nghiên cứu của ITU
Các băng tần FSS không qui hoạch được sử dụng rộng rãi. Trên thực tế, ngày càng khó cho một nhà khai thác vệ tinh mới để truy cập các nguồn thông tin vệ tinh trong băng tần FSS không qui hoạch. Kết quả là, sử dụng các băng tần FSS trở nên ngày càng hấp dẫn, đặc biệt là cho các nước đang phát triển và các nhà khai thác vệ tinh mới. Cục tần số đã đưa ra đề xuất về việc thống nhất các qui định định áp dụng cho băng tần qui hoạch thuộc nghiệp vụ cố định qua vệ tinh với các thủ tục áp dụng cho băng tần không qui hoạch liên quan đến tạm dừng sử dụng ấn định tần số, đề xuất này đã được thông qua tại APG-2 và Ủy ban các vấn đề thể lệ và thủ tục (SC) cho phép tạm dừng ấn định băng tần qui hoạch (băng tần sử dụng cho VINASAT-2) lên tới 3 năm cho phép đủ thời gian để sản xuất vệ tinh mới. Đề xuất này cần được tiếp tục đưa ra các hội nghị tiếp theo để hoàn thiện và được thông qua.
Nội dung thảo luận tại cuộc họp APG15-3 và kết quả hội nghị
Hội nghị APG15-3 ủng hộ kết luận tại Ủy ban các vấn đề về thể lệ và thủ tục về việc cần thiết phải thống nhất về thủ tục giữa các Phụ lục AP30B, Điều 11 và Phụ lục AP30, 30A liên quan đến vấn đề tạm dừng sử dụng ấn định tần số
d) Làm rõ khả năng của một trạm không gian khi đưa vào sử dụng các ấn định tần số dưới điều khoản No. 11.44B của Thể lệ Vô tuyến
Nghiên cứu của ITU
Hội nghị WRC-12 đã thông qua định nghĩa mới về đưa ấn định tần số vào sử dụng trong đó ấn định phải có khả năng thu và phát tín hiệu và đồng thời thông qua các thay đổi về các điều khoản thể lệ về khái niệm đưa các mạng vệ tinh vào sử dụng. Trong việc thực hiện điều khoản này và để tránh việc có thể diễn giải sai định nghĩa về đưa ấn định vào sử dụng, ITU đã ban hành thông tư qui định một danh sách các loại thông tin mà cơ quan quản lý mạng vệ tinh phải cung cấp. Tuy nhiên biện pháp này chưa đảm bảo hoàn toàn việc xác định một ấn định thực sự được đưa vào sử dụng. Hội nghị SC đưa ra đề xuất sửa đổi thể lệ cho phép ITU có thể truy vấn cơ quan quản lý mạng vệ tinh về vấn đề đưa ấn định vào sử dụng. Cục tần số cho là đề xuất này nên tiếp tục được sửa đổi hoàn thiện để tăng tính minh bạch trong vấn đề đưa ấn định vào sử dụng sẽ có lợi cho những nước có nhu cầu tìm kiếm quĩ đạo vệ tinh mới.
Nội dung thảo luận tại cuộc họp APG15-3 và kết quả hội nghị
Do định nghĩa về đưa ấn định vào sử dụng có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau, Hội nghị APG15-3 đã thảo luận và đề xuất ủng hộ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này ở nhóm nghiên cứu và Ủy ban các vấn đề về thể lệ và thủ tục. Quan điểm khác cho là kết quả làm rõ vấn đề khả năng đưa vào sử dụng ấn định tần số cần phải bao gồm cả việc xem xét lại các hồ sơ vệ tinh đã được ghi vào bảng tần số chủ.
e) Sử dụng một trạm không gian để đưa các ấn định tần số ở các vị trí quĩ đạo khác nhau vào sử dụng trong một chu kỳ thời gian ngắn
Nghiên cứu của ITU
Điều khoản số 11.44B và điều khoản số 11.49 của Thể lệ vô tuyến được sửa đổi ở WRC-12. Trong khi thông qua các điều khoản được sửa đổi này, WRC-12 đã nhận dạng là sử dụng một trạm không gian để đưa các ấn định tần số ở các vị trí quĩ đạo khác nhau vào sử dụng trong một chu kỳ thời gian ngắn không phải là mục đích của thể lệ. SC đã phát triển hai phương án thay đổi thể lệ để ngăn chăn việc sử dụng một vệ tinh đưa vào sử dụng ở nhiều vị trí quĩ đạo đồng thời. Tuy nhiên các phương án này cũng có thể làm ảnh hưởng đến các kế hoạch phóng một hệ thống vệ tinh gồm nhiều vệ tinh. Do tính chất phức tạp của vấn đề, Cục tần số nhận định cần phải nghiên cứu bổ xung để tránh làm ảnh hưởng đến các kế hoạch phóng vệ tinh thật (vấn đề này có thể gây ảnh hưởng đến sử dụng vị trí 107E của Việt Nam).
Nội dung thảo luận tại cuộc họp APG15-3 và kết quả hội nghị
Hội nghị ủng hộ về nguyên tắc hạn chế việc đưa các ấn định tần số ở các vị trí quĩ đạo khác nhau vào sử dụng trong chu kỳ thời gian ngắn. Hội nghị APG15-3 đã thảo luận và đề xuất ủng hộ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này ở nhóm nghiên cứu và Ủy ban các vấn đề về thể lệ và thủ tục.
f) Hỏng của một vệ tinh phóng mới trong chu kỳ chín mươi ngày đưa vào sử dụng
Nghiên cứu của ITU
Vấn đề này ít khi xẩy ra nhưng cũng có xẩy ra, do đó nhiều nước cho là các nước gặp sự cố này nên chuyển hồ sơ lên Ủy ban thể lệ vô tuyến (RRB) hoặc hội nghị WRC xem xét, ra quyết định như là một trường hợp riêng. Hội nghị SC cho là cần phải thể lệ hóa vấn đề này để giảm các trường hợp riêng phải đưa ra hội nghị, Cục tần số có cùng quan điểm với SC về việc thể lệ hóa để các nước đang phát triển và thiếu nguồn nhân lưc có thể nắm được các qui định thể lệ về vấn đề xử lý khi phóng hỏng vệ tinh trong chu kỳ chín mươi ngày đưa vào sử dụng mà không cần nghiên cứu thêm các qui định nằm ngoài thể lệ và không cần phải thuê tư vấn khi đệ trình các hồ sơ lên hội nghị WRC.
Nội dung thảo luận tại cuộc họp APG15-3 và kết quả hội nghị
APG15-3 tiến hành thảo luận. Không có kết quả đạt được, các quan điểm chung của các nước được đưa vào phần riêng trong đó. Úc và Hàn Quốc ủng hộ không thay đổi thể lệ, Việt Nam ủng hộ thay đổi thể lệ, Iran và Indonesia ủng hộ tiếp tục nghiên cứu vấn đề này tại nhóm nghiên cứu.
1. Kết luận
Cuộc họp APG15 lần thứ 3 (APG15-3) chuẩn bị cho WRC-15, nhưng với số lượng hơn 324 đại biểu tham dự đã cho thấy các nước trong khu vực ngày càng quan tâm tới vai trò và công việc chuẩn bị cho WRC. Sự tham gia đông đảo của khối công nghiệp, đại diện các khu vực cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của APT. Điều này càng cho thấy các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam cần chủ động, tích cực tham gia các hội nghị khu vực và quốc tế hơn nữa.
Bài trình bầy cho khóa đào tọa đầu tiên của APG về công tác chuẩn cho hội nghị APG và WRC-15 của Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm và cách thức mà Việt Nam đã áp dụng để tham gia hiệu quả các hội nghị quốc tế được các nước đánh giá rất cao, đặc biệt đối với các nước đang phát triển như Việt Nam. Bên cạnh đó, 04 Chủ tịch các soạn thảo đã điều hành tốt hội nghị là một thành công, khẳng định vị trí và uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực thông tin vô tuyến.
Việc các nước phát triển vẫn kiên trì tìm kiếm băng tần cho IMT (bao gồm cả việc lấy băng tần C vệ tinh mà vệ tinhVINASAT-1 đang hoạt động) sẽ tiếp tục là chủ đề nóng trong suốt quá trình chuẩn bị và tại WRC-15. Để tiếp tục bảo vệ băng tần C, Việt Nam cần tiếp tục chuẩn bị kỹ và vận động các nước (đặc biệt các nước ASEAN) ủng hộ.
Cục Tần số và các doanh nghiệp viễn thông (VNPT, Viettel, …) sẽ cần phải tiếp tục nghiên cứu, tham gia, theo dõi các nhóm nghiên cứu ITU-R. Từ kết quả nghiên cứu dùng chung giữa các nghiệp vụ của các nhóm nghiên cứu ITU-R và từ điều kiện thực tế sử dụng phổ tần số ở Việt Nam tiếp tục có các đề xuất bảo vệ lợi ích của Việt Nam tại các cuộc họp APG15 tiếp theo.