Định hướng và quy hoạch băng tần cho tần số phát thanh, truyền hình số ở Việt Nam

23/03/2015

(rfd.gov.vn)- Ngày 10/03/2015, Hội thảo Phát thanh số đã được tổ chức tại Đài Tiếng nói Việt Nam, với chuyên đề “Phát thanh số theo chuẩn DRM”. Tới dự hội thảo có Cục trưởng Đoàn Quan Hoan; đại diện các đơn vị quản lý - Cục Viễn thông, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Đài truyền hình Việt Nam; bà Ruxandra Obreja - chủ tịch DRM Consortium và các chuyên gia quốc tế về phát thanh số.

Ông Nguyễn Hồng Tuấn thuyết trình tại hội thảo

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, ông Nguyễn Hồng Tuấn – Phó trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, đã trình bày tham luận về chủ đề: “Định hướng và quy hoạch tần số phát thanh-truyền hình ở Việt Nam”. Bài trình bày đã nêu bật được vai trò của phát thanh đối với đời sống, kinh tế, xã hội của đất nước; những thách thức đặt ra đối với lĩnh vực phát thanh. Bên cạnh nội dung chính là phát thanh số, Cục Tần số vô tuyến điện, với vai trò là Thường trực ban chỉ đạo số hóa truyền hình mặt đất, cũng đề cập tổng quan tới tiến trình số hóa của Việt Nam. Tiến trình số hóa đã đi được gần ½ chặng đường, chuẩn bị chuyển sang quá trình tắt sóng truyền hình tương tự mặt đất.

Mạng đài phát thanh của Việt Nam đã được xây dựng trong 70 năm qua, đã hoạt động ổn định và có đóng góp to lớn và quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chính phủ coi trọng phát thanh là phương tiện quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội và là phương tiện tuyên truyền hiệu quả các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước tới mọi người dân.

Trong thời đại truyền thông đa phương tiện, với sự xuất hiện của nhiều loại hình truyền thông hấp dẫn, phát thanh truyền thống vẫn chứng tỏ được sức mạnh của mình là phương tiện truyền tải thông điệp đến với mọi người ở mọi nơi, mọi lúc, có khả năng cung cấp thông tin đến các vùng xa xôi, hẻo lánh. Các thông tin giao thông, giải trí và đối ngoại đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Phát thanh số ở Việt Nam

Xu hướng số hóa là tất yếu trên thế giới. Xu hướng chuyển đổi sang công nghệ số nói chung và phát thanh số nói riêng đang đặt ra thách thức cho cơ quản quản lý cũng như Đài tiếng nói Việt Nam trong việc hoạch định chính sách và xây dựng lộ trình phát triển phát thanh số phù hợp, hiệu quả ở Việt Nam.

Cơ sở cho phát triển phát thanh số ở Việt Nam là Quyết định số 22/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 16/02/2009 về Phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020. Theo đó đến năm 2020 “công nghệ số được áp dụng rộng rãi trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh”.

Ưu điểm của phát thanh số

Hiện tại có 4 chuẩn phát thanh số mặt đất chính được đề cập tới trong Khuyến nghị ITU-R BS.1114-8 gồm: DAB, ISDB-TSB, IBOC DSB và DRM. Ngoài ra còn có chuẩn HD Radio là chuẩn đóng.

Các chuyên gia về phát thanh số đã có các bài trình bày nêu rõ các lợi điểm của phát thanh số:

  • Tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành,
  • Sử dụng hiệu quả phổ tần,
  • Chất lượng âm thanh cao hơn,
  • Nhiều dịch vụ mới,
  • Các ứng dụng bổ sung.

Trong vận hành, khai thác các đài phát thanh, chi phí điện năng chiếm tỷ trọng lớn nhất. Kết quả được chuyên gia trình bày trong hội thảo cho thấy chi phí này giảm đáng kể đối với phát thanh số.

Lựa chọn công nghệ phát thanh số là bài toán khó

Phát thanh là một ngành thông tin có lịch sử rất lâu dài. Tuy vậy, đây là lĩnh vực dường như khá chậm trong xu hướng số hóa. Hiện nay đã có 5 công nghệ phát thanh số phát triển. Tuy nhiên chưa có chuẩn phát thanh số nào nổi trội trở thành chuẩn chủ đạo.

Để có đầy đủ thông tin trước khi quyết định chính thức, nhiều công nghệ phát thanh số đã được thử nghiệm ở Việt Nam lần đầu tiên năm 2005 với công nghệ DRM và các lần tiếp theo 2008 (HD Radio), 2010 (T-DMB), 2013 (DAB+). Tuy nhiên, do các tiêu chuẩn phát thanh số vẫn tiếp tục được phát triển và hoàn thiện nên chưa có tiêu chuẩn nào trở thành xu hướng chủ đạo, được chấp nhận và triển khai rộng rãi trên thế giới.

Dù có nhiều ưu điểm hơn so với phát thanh truyền thống, phát thanh số vẫn còn gặp phải nhiều rào cản trong quá trình triển khai trên thực tế. Bài trình bày của Cục Tần số vô tuyến điện đã chỉ rõ có ba nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc chưa triển khai phát thanh số ở Việt Nam:

  • Giá thành máy thu cao;
  • Trên thế giới chưa hình thành công nghệ phát thanh số chủ đạo, việc ứng dụng công nghệ phát thanh số chưa phổ biến;
  • Chất lượng phát thanh FM đang đáp ứng được nhu cầu của đại đa số người sử dụng.

Vì vậy, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu nhằm lựa chọn công nghệ phát thanh số phù hợp để triển khai trong nước.

Quy hoạch các  băng tần số cho Phát  thanh số đã sẵn sàng

Cán bộ Cục Tần số chụp ảnh với các chuyên gia phát thanh số

Với vai trò là cơ quan quản lý về tần số, Cục Tần số vô tuyến điện đã xác định được băng tần để triển khai phát thanh số ở Việt Nam. Các băng tần đã sử dụng cho phát thanh tương tự đã được xác định cho phép chuyển đổi dần sang cho phát thanh số. Ngoài ra, băng III VHF cũng đã được định hướng quy hoạch để phát triển phát thanh số, truyền hình di động.

Bài trình bày đã nêu rõ về các quy định của pháp luật liên quan tới quản lý tần số của phát thanh ở Việt Nam cũng như các khuyến nghị có liên quan của ITU-R.  

Kết thúc bài tham luận, ông Nguyễn Hồng Tuấn nhấn mạnh: cùng với các nền tảng công nghệ khác, phát thanh số sẽ phát triển trong thời gian tới. Trong quá trình này, sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, các đài phát thanh, các tổ chức quốc tế về phát thanh số và doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Đinh Chí Hiếu