APG15-5 là Hội nghị lần cuối trong suốt quá trình chuẩn bị (từ năm 2012) của khu vực cho Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới WRC-15 và Hội đồng vô tuyến thế giới RA-15. Bởi vậy, đây là hội nghị rất quan trọng đối với cộng đồng viễn thông Châu Á, có tính quyết định đối khu vực, đặc biệt là việc hoàn thành xây dựng quan điểm chung của khu vực đối với các nội dung, chương trình nghị sự được bàn thảo ở WRC-15 và RA-15.
Kết quả Hội nghị APG15-5
Hội nghị APG15-5 đã thành công tốt đẹp, dù vẫn còn một số vấn đề chưa có sự đồng thuận, nhưng hội nghị đã đã thống nhất được quan điểm chung của khu vực để cùng nhau bảo vệ lợi ích của khu vực tại WRC-15 và RA-15 như: Thống nhất, ủng hộ phân bổ thêm băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất ở 02 băng tần 1427-1452 MHz và 1492-1518 MHz; thống nhất không phân bổ bổ sung cho IMT ở băng tần C mở rộng (kết quả này tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam bảo vệ băng tần cho vệ tinh VINASAT, là một lợi thế trong nhiệm vụ vô cùng khó khăn này tại hội nghị WRC-15, bởi nếu băng tần C mở rộng được phân bổ chính thức cho IMT sẽ gây can nhiễu cho VINASAT-1 và hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ của vệ tinh này); thống nhất giữ nguyên qui định hiện tại, không cho phép sử dụng tần số của vệ tinh (FSS – Fixed Satellite Service) cho máy báy không người lái UAS-CNPC (Unmanned Aircraft Systems - Control and Non Payload Communications); thống nhất quan điểm chung của khu vực ủng hộ việc xử phạt nước có vệ tinh bị tạm dừng hoạt động, nhưng không thông báo hoặc thông báo muộn quá 06 tháng cho ITU, ủng hộ việc các thông tin về việc đưa vệ tinh vào sử dụng được xuất bản trong các đĩa DVD gửi các nước và được công bố minh bạch trên website của ITU, ủng hộ vấn đề vệ tinh bị hỏng trong giai đoạn 90 ngày hoạt động đầu tiên, sẽ được xử lý theo quy định cho từng trường hợp cụ thể, ủng hộ việc xây dựng nghị quyết mới yêu cầu khai báo về tình trạng vệ tinh (mới hay đã sử dụng) để đảm bảo việc một vệ tinh không thể được sử dụng để khai báo, đăng ký sử dụng cho nhiều vị trí quỹ đạo, …
Vấn đề bù giờ phối hợp quốc tế (UTC): Hội nghị xét thấy việc bổ sung thêm 01 giây vào giờ UTC đã gây ra ảnh hưởng lớn tới vấn đề kinh tế, kỹ thuật tại nhiều nước, nên đã thống nhất không ủng hộ việc tiếp tục thực hiện bù giờ. UTC - Thời gian phối hợp quốc tế, là thang thời gian chuẩn quốc tế, dùng đồng hồ nguyên tử. Các hệ thống viễn thông và công nghệ thông tin đã được xây dựng dựa trên việc đồng bộ với UTC và quá trình chèn thêm giây bù đã thực hiện trong hơn 40 năm qua
Bên cạnh đó cũng còn có một số các chương trình nghị sự Hội nghị không thể thống nhất được quan điểm chung, do có nhiều sự khác biệt về quan điểm của các nước trong khu vực, như vấn đề tần số cho máy bay không người lái, hệ thống giám sát tàu bay toàn cầu (GFT), tìm kiếm thêm băng tần đường lên cho vệ tinh ở dải tần 13-17GHz, …
Uy tín của Việt Nam tiếp tục được khẳng định
Đoàn Việt Nam đã có 12 đề xuất tới Hội nghị liên quan tới các vấn đề như: Tìm kiếm băng tần cho IMT, bảo vệ băng tần C mở rộng, cải thiện thủ tục đăng ký phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh, GFT, …. Đoàn đã tích cực bảo vệ các đề xuất này và hầu hết các đề xuất đã được phản ánh trong quan điểm chung sơ bộ của khu vực (PACP)
Tại cuộc Hội nghị APG15-5, Đoàn Việt Nam chủ trì điều hành 05 Nhóm soạn thảo của chương trình nghị sự, gồm: Nhóm 7B - Thủ tục liên quan đến đăng ký tần số quỹ đạo vệ tinh, nhóm 1.15 - Nghiệp vụ di động hàng hải, nhóm 1.4 - Nghiệp vụ vô tuyến nghiệp dư, nhóm 1.7 - Kỹ thuật, dịch vụ thông tin vệ tinh và GFT - Hệ thống giám sát tàu bay toàn cầu. Các Nhóm soạn thảo do Việt Nam chủ trì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, vận dụng tốt các kỹ năng giúp hài hòa lợi ích của các nước, đạt được thống nhất quan điểm chung sơ bộ của khu vực (tại các kỳ họp chuẩn bị cho WRC trước đây không thể thống nhất được quan điểm chung của khu vực). Chính điều này, Đoàn Việt Nam đã được các chuyên gia, đại biểu các nước đánh giá rất cao, đặc biệt là những lời phát biểu đánh giá tích cực, khách quan tại Hội nghị của các chuyên gia hàng đầu khu vực từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Trung Quốc.
Với những kết quả đạt được nêu trên, Việt Nam tiếp tục được APT giao nhiệm vụ làm báo cáo viên cho 05 chương trình nghị sự này tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới 2015 (WRC-15).
Cũng tại Hội nghị này, với sự trợ giúp tích cực của Cục Tần số VTĐ thông qua hình thức chia sẻ thông tin về kỹ năng xây dựng đề xuất, cũng như qua các khóa đào tạo ngắn ngày, lần đầu tiên Lào và Campuchia đã có đề xuất tới Hội nghị. Đồng thời đây cũng là lần đầu tiên, Hội nghị ghi nhận có nhiều đề xuất chung (nhiều nước cùng nhau xây dựng một đề xuất chung), Việt Nam là khởi nguồn của xu thế đó.
Đề nghị Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ nhất của APG19-1
Bà Areewan – Tổng Thư ký Hiệp hội Viễn thông Châu Á Thái Bình Dương (APT) đánh giá: Hội nghị APG15-5 đã thành công tốt đẹp. Kết quả tích cực của Hội nghị phản ánh nỗ lực không mệt mỏi của các nước trong Hiệp hội nhằm hài hòa lợi ích quốc gia với khu vực để tạo ra một tiếng nói đồng thuận (quan điểm chung) bảo vệ lợi ích của khu vực tại Hội nghị Thông tin vô tuyến thế giới WRC-15.
Gặp đoàn Việt Nam, bà Areewan rất phấn khởi và cảm ơn Cục Tần số VTĐ - Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức thành công hội nghị đầu tiên của khu vực trong chu kỳ chuẩn bị cho WRC-15. Bà cho rằng: Việt Nam đã tổ chức rất thành công hội nghị khu vực lần thứ nhất APG15-1 tại Đà Nẵng, đem lại may mắn, thành công cho cả quá trình chuẩn bị của khu vực và đặc biệt là tại hội nghị cuối cùng này. Bà cho biết, cá nhân bà và các thành viên trong Ban điều hành APT cũng như các nước rất mong muốn Cục Tần số VTĐ xem xét tiếp tục đăng cai tổ chức hội nghị lần thứ nhất của APG19 (APG19-1), chuẩn bị cho chu kỳ tiếp theo tới đây của WRC-19. Bà Areewan tin tưởng, nếu Việt Nam đăng cai tổ chức, hội nghị sẽ thành công và tiếp tục tạo nguồn cảm hứng, đem lại may mắn, thành công cho hội nghị lớn nhất của khu vực.