Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan quản lý tần số các nước ASEAN như: Campuchia, Indonesia, Lào, Thái Lan, Singapore, Philippin; Viện Quốc gia Công nghệ Thông tin và Truyền thông Nhật Bản; Cơ quan Phát triển Quốc tế của Chính phủ Hoa Kỳ USAID; đại diện các Công ty Thông tin di động và Phát thanh Truyền hình; các Công ty chuyên về công nghệ/giải pháp và thiết bị như: Ericsson, Rohde&Schwarz, Motorola, Microsoft,…; các đơn vị của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thư – Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ đã đánh giá cao giá trị của băng tần truyền hình UHF và nhu cầu sử dụng băng tần này cho các nghiệp vụ khác. Một số quốc gia ASEAN như: Singapore, Philippine, Malaysia, Việt Nam hiện đang thử nghiệm kỹ thuật Khoảng trắng truyền hình nhằm tận dụng tần số UHF và các vùng địa lý để triển khai di động băng rộng. Gần đây, một số cơ quan quản lý đã ban hành các yêu cầu về kỹ thuật và hoạt động đối với các thiết bị sử dụng Khoảng trắng truyền hình. Tuy nhiên, vấn đề can nhiễu giữa các thiết bị sử dụng Khoảng trắng truyền hình và các nghiệp vụ hiện hành chưa được nghiên cứu chi tiết trong khu vực ASEAN.
Tại Hội thảo, những chuyên gia đến từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp uy tín đã trình bày nhiều chuyên đề quan trọng, gồm: Kỹ thuật và các ứng dụng của Khoảng trắng truyền hình; Các tiêu chuẩn và thử nghiệm tại một số quốc gia; Quy hoạch phổ tần số phát thanh truyền hình tại Việt Nam; Các cơ hội và thách thức đối với Khoảng trắng truyền hình; Giải pháp giải quyết can nhiễu; Khả năng tương thích giữa hệ thống sử dụng Khoảng trắng truyền hình và các hệ thống hiện hành như các trạm thu phát sóng truyền hình, thông tin di động; Kết quả triển khai thử nghiệm thiết bị sử dụng Khoảng trắng truyền hình ở một số nước Đông Nam Á, Mỹ và Nhật Bản.
Những kiến thức và kinh nghiệm của các chuyên gia trong và ngoài nước được chia sẻ tại Hội thảo giúp cho các nhà quản lý tần số, các nhà khai thác thông tin di động và phát thanh truyền hình trong và ngoài nước nắm bắt được các quy tắc và tiêu chuẩn cho thiết bị sử dụng Khoảng trắng truyền hình; có cái nhìn tổng thể về hệ thống sử dụng Khoảng trắng truyền hình với các hệ thống khác trong băng tần 470-700 MHz, từ đó có quan điểm chung về công tác quản lý tần số đối với thiết bị sử dụng Khoảng trắng truyền hình trên băng tần truyền hình UHF/VHF.