Những chính sách mới với nhiều mục tiêu lớn
Luật Tần số VTĐ phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ, cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc quản lý tần số vô tuyến điện, xác định vị trí của thanh tra chuyên ngành tần số VTĐ; đồng thời quy định việc quản lý tần số trong quốc phòng, an ninh thông qua cơ quan chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nhằm thống nhất quản lý việc sử dụng tần số của hai Bộ và tạo thuận lợi cho việc phối hợp giữa các Bộ ngành.
Các quy định mới của Luật về quy hoạch tần số, nguyên tắc cấp phép nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi hơn cho việc ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới có hiệu quả sử dụng tần số cao hơn, dành băng tần cho các công nghệ và dịch vụ mang lại lợi ích kinh tế xã hội nhiều hơn, đồng thời hạn chế việc sử dụng băng tần quý hiếm cho các công nghệ lạc hậu kéo dài gây lãng phí nguồn tài nguyên tần số. Qua đó, thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số.
Luật bổ sung hình thức cấp phép theo cơ chế thị trường thông qua việc thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng tần số, cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đối với tần số được cấp phép qua đấu giá, nhằm mục đích lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực thực sự, cung cấp dịch vụ tốt nhất, sử dụng hiệu quả tài nguyên phổ tần số VTĐ. Qua đó, nâng cao tính minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm, thị trường dịch vụ thông tin VTĐ sẽ trở nên lành mạnh và có tính cạnh tranh thực sự.
Những quy định của Luật về phương thức cấp phép (trong đó có cấp phép điện tử), điều kiện được cấp phép hoặc cho phép cho thuê, cho mượn thiết bị trong một số trường hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho tổ chức, cá nhân sử dụng tần số; mở rộng các băng tần sử dùng chung không cần cấp phép nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý và hiệu quả sử dụng phổ tần.
Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý tần số trong về đăng ký, phối hợp tần số quốc tế nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho việc bảo vệ chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam về tần số và quỹ đạo vệ tinh.
Luật đưa ra các qui định về tuân thủ quy chuẩn an toàn bức xạ VTĐ và yêu cầu phải kiểm định các công trình phát sóng VTĐ trước khi đưa vào sử dụng, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhà sản xuất, nhập khẩu và người sử dụng về vấn đề này để bảo đảm an toàn về bức xạ điện từ trường.
Hầu hết các văn bản hướng dẫn thực thi Luật đã được ban hành
Luật Tần số VTĐ là một trong số ít Luật xây dựng theo hướng quy định tương đối cụ thể, rất nhiều điều khoản có thể áp dụng trực tiếp không cần hướng dẫn; những nội dung mới hoặc những quy định về quy trình, thủ tục, tiêu chuẩn, quy chuẩn…, Luật giao cho Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ ngành có liên quan quy định. Trong hơn 5 năm, những quy định của Luật cần phải có văn bản hướng dẫn thực hiện đều đã được các cơ quan có thẩm quyền ban hành. Cụ thể đã có 02 Nghị định, 05 Quyết định của Thủ tướng, 46 Thông tư, Quyết định của Bộ trưởng và 80 quy chuẩn đã được xây dựng, ban hành.
Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn được triển khai sâu rộng đến các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân sử dụng tần số VTĐ, thông qua nhiều phương thức khác nhau như: Hội nghị trực tiếp, trực tuyến; các khóa bồi dưỡng tập huấn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; trả lời, giải đáp qua Cổng TTĐT; tuyên truyền ra nước ngoài. Trong 5 năm qua đã tổ chức trên 100 hội nghị tuyên truyền, gần 30 chương trình phát thanh truyền hình, khoảng 110 bài viết tuyên truyền trên Cổng TTĐT của tỉnh, website của Sở, các báo, tập san chuyên đề phát hành tại địa phương; gần 300 lượt bài viết, 17 chương trình truyền hình tuyên truyền trên Cổng TTĐT Bộ, Cục và nhiều báo, đài của Trung ương.
Những kết quả cơ bản sau 05 năm thực thi Luật
Quy hoạch tần số VTĐ đã mở đường cho sự phát triển của thông tin VTĐ Việt Nam. Nhờ làm tốt công tác quy hoạch tần số VTĐ , qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ thông tin di động và phát thanh truyền hình trong thời gian vừa qua, mở đường cho sự phát triển các dịch vụ băng thông rộng, internet tốc độ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội thông tin, Chính phủ điện tử di động trong tương lai.
Hàng năm, số lượng mạng thông tin VTĐ dùng tại các sân bay, siêu thị, nhà hàng, công trường xây dựng, dịch vụ taxi, bảo vệ đều tăng nhanh chóng (trung bình từ 15 - 20%/năm); cả nước hiện có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị VTĐ hạ cánh chính xác ILS, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không; có 1.880 đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu; 10.873 tàu cá xa bờ đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhận thông tin từ bờ; vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2 đã sử dụng lần lượt 95% và khoảng 60% băng tần; số hoá truyền hình mặt đất đạt được thành công bước đầu với việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng chuyển sang phát sóng số, tạo tiền đề thuận lợi và nhiều bài học kinh nghiệm quý để thực hiện thành công Đề án số hóa truyền hình mặt đất tại Việt Nam (đến năm 2020, Việt Nam sẽ có thêm 100 MHz cho thông tin di động ở băng tần 700 MHz sau khi hoàn thành Đề án này).
Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Các mẫu bản khai, thủ tục cấp phép liên tục được cải tiến theo hướng dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính; số lượng tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép giảm mạnh, loại bỏ hầu hết các giấy tờ yêu cầu công chứng, chứng thực; triển khai thành công cấp phép điện tử với số lượng giấy phép điện tử chiếm gần 75% tổng số giấy phép đã cấp; tăng thời hạn của giấy phép đối với hệ thống, thiết bị có nhu cầu hoạt động ổn định, lâu dài (đã cấp là 4,747 giấy phép với thời hạn 5 năm và 918 giấy phép với 10 năm).
Mở rộng đối tượng được miễn cấp giấy phép, chuyển từ quản lý bằng hình thức cấp giấy phép sang miễn giấy phép nhưng sử dụng có điều kiện (hiện có 12 chủng loại thiết bị, ứng dụng vô tuyến điện được miễn giấy phép), qua đó tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển mạnh mẽ các ứng dụng Wifi, Blutooth, thu phí giao thông... trong thời gian qua.
Quản lý chất lượng thiết bị vô tuyến điện từng bước có hiệu quả. Công tác đo lường, thử nghiệm thiết bị VTĐ đã đáp ứng được yêu cầu quản lý chuyên ngành. Số lượng thiết bị VTĐ được đo kiểm tương thích điện từ, chứng nhận hợp quy đã gia tăng đáng kể (riêng năm 2015 số mẫu được đo kiểm gần 2.300 mẫu, chiếm gần 50% tổng số mẫu đo trong 5 năm); cả nước đã có 25 Phòng đo kiểm được Bộ TTTT công nhận. Ngoài ra, Bộ TTTT đã chủ động phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng Cục Hải quan) và Bộ Công thương (cơ quan Quản lý thị trường) ngăn chặn việc nhập và lưu thông các thiết bị VTĐ không phù hợp với quy chuẩn quốc gia.
Chú trọng bảo đảm an toàn bức xạ vô tuyến điện. Bộ TTTT đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về an toàn bức xạ VTĐ và Danh mục thiết bị viễn thông và đài VTĐ bắt buộc phải thực hiện kiểm định, nhằm bảo đảm độ an toàn về bức xạ điện từ. Theo đó, trạm phát sóng di động (BTS) và đài phát thanh, truyền hình bắt buộc phải thực hiện kiểm định. Bộ TTTT đã thực hiện kiểm định hàng chục ngàn trạm BTS và theo kế hoạch năm 2016 sẽ bắt đầu kiểm định các PTTH công suất lớn.
Năng lực kiểm tra, kiểm soát tần số VTĐ, xử lý nhiễu có hại được nâng cao. Công tác kiểm soát tần số đã được thực hiện 24h/ngày, 07 ngày/tuần trên phạm vị toàn quốc; kiểm soát thường xuyên trên các băng tần HF, V/UHF, các tần số phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và băng tần hàng không; kiểm soát 100% phát xạ V/UHF tại khu vực biên giới, kiểm soát vệ tinh (đặc biệt kiểm soát các quỹ đạo lân cận vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2).
Thông qua hoạt động kiểm soát đã phát hiện trên 4.500 vụ vi phạm; xử lý thành công 505 vụ nhiễu có hại, trong đó có các vụ can nhiễu đối với tần số điều hành bay, các mạng thông tin di động, nhiễu do truyền hình cáp không đáp ứng quy chuẩn gây ra cho truyền hình kỹ thuật số.
Chủ động bảo vệ quyền lợi, chủ quyền quốc gia về tần số VTĐ và quỹ đạo vệ tinh. Trong 5 năm qua, Bộ TTTT và các doanh nghiệp viễn thông, đài truyền hình thực hiện nhiều cuộc phối hợp tần số với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc về tần số thông tin di động và phát thanh truyền hình v.v…. góp phần đảm bảo sự thông suốt thông tin cho khu vực biên giới.
Sau khi phóng thành công vệ tinh Vinasat-1, Việt Nam đã tiếp tục kiên trì, sáng tạo thực hiện các thủ tục phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh với trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ để có được các vị trí quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat-2 và vệ tinh VNRedsat-1.
Công tác đăng ký tần số quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều tần số thuộc các nghiệp vụ vô tuyến đã được đăng ký, đặc biệt là các tần số tại các vùng biển, đảo, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia về tần số VTĐ. Đến nay, Việt Nam có 5.735 đài vô tuyến đã được đăng ký quốc tế, trong đó 398 đài trên biển, đảo (02 đài trên quần đảo Hoàng Sa và 12 đài trên quần đảo Trường Sa).
Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tần số VTĐ giữa dân sự, quốc phòng, an ninh. Triển khai thực hiện Luật, Bộ Quốc phòng đã thành lập Ban quản lý tần số VTĐ, Bộ Công an giao 02 đơn vị (Cục Kỹ thuật nghiệp vụ I, H47) làm đầu mối quản lý tần số phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh. Nhờ đó, công tác lập quy hoạch và phối hợp kiểm soát, xử lý can nhiễu ngày càng chặt chẽ, việc sử dụng tần số của các bên dần đi vào nền nếp, tuân thủ quy hoạch, không để xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng.
Công tác phối hợp kiểm soát trong thời gian diễn ra Hội nghị, sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước luôn được chú trọng, không để xảy ra vụ việc bất ngờ. Thông qua hoạt động phối hợp, nhiều vụ trọng án đã được phá án thành công (đài phát thanh trái phép tuyên truyền phản động; lừa đảo bằng công nghệ cao; tổ chức đánh bạc xuyên biên giới Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia).
Phát huy sức mạnh quản lý nhà nước tại địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa Cục Tần số VTĐ và các Sở TTTT trong các công tác: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tần số VTĐ; tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản, chỉ thị đẩy mạnh công tác quản lý tần số ở địa phương; tập huấn, trao đổi nghiệp vụ quản lý tần số; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết can nhiễu và cấp phép tần số, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tần số VTĐ tại địa phương: Nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về tần số VTĐ tăng lên rõ rệt; các vụ can nhiễu và các vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, hiệu quả.
Hiệu quả thanh tra, kiểm tra được nâng cao. Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp quy liên quan khác đã tạo khung pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về tần số VTĐ. Trong 05 năm vừa qua đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với gần 1.400 tổ chức, cá nhân; ban hành 685 quyết định xử phạt VPHC; hầu hết các tổ chức, cá nhân đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Phí, lệ phí sử dụng tần số VTĐ đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước. Nguồn thu phí và lệ phí sử dụng tần số đã hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống quản lý tần số hiện đại với hàng trăm trạm kiểm soát tần số cố định, trạm điều khiển từ xa, các xe kiểm soát lưu động đáp ứng được yêu cầu kiểm soát thông tin vô tuyến, xác định các nguồn nhiễu và các vi phạm trên phạm vi toàn quốc; cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính. Bên cạnh đó, nguồn thu phí và lệ phí tần số đã đóng góp tương đối lớn vào ngân sách Nhà nước (từ năm 2010 đến nay đóng góp gần 1.200 tỷ đồng).
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy vẫn còn một số bất cập cần khắc phục đó là: Còn thiếu quy định về cấp phép thiết lập mạng đối với các mạng dùng riêng; một số thiết bị VTĐ phục vụ mục đích quốc phòng hoạt động trong các băng tần không phù hợp với quy định của ITU và của Việt Nam, cần rà soát và có kế hoạch chuyển đổi cho phù hợp; còn nhiều đài PTTH, truyền thanh không dây, thiết bị nhận dạng vô tuyến ... có phát xạ không phù hợp với quy chuẩn về phổ tần và tương thích điện từ trường, gây can nhiễu cho các mạng thông tin di động hoặc tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễu có hại.