Việt Nam phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh với Hàn Quốc

10/06/2016

(rfd.gov.vn)- Từ ngày 24-26/5/2016, tại Đà Nẵng, Cục Tần số vô tuyến điện đã tổ chức cuộc họp phối hợp tần số quỹ đạo vệ tinh với cơ quan lý tần số Hàn Quốc. Cuộc họp lần này tập trung giải quyết vấn đề can nhiễu từ mạng vệ tinh của Việt Nam ở vị trí 117.5 độ Đông có thể gây ra cho các mạng vệ tinh của Hàn Quốc.

Đoàn phối hợp của hai nước

Ngoài 02 vị trí quỹ đạo mà Việt Nam đã phóng thành công vệ tinh Vinasat-1 và Vinasat-2, Cục Tần số VTĐ đã đăng ký nhiều vị trí quỹ đạo khác. Trong đó, vị trí 117.5 độ Đông đã được đăng ký ngày 12/01/2011, hết hạn ngày 12/01/2018 với băng tần C, Ku và Ka.

Theo qui định của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), mạng vệ tinh của Việt Nam ở vị trí 117.5 độ E cần phải phối hợp với 44 nước. Trong khoảng cách +/-10 độ có mạng vệ tinh của 17 nước và trong khoảng cách +/-4 độ có mạng vệ tinh của 13 nước bị ảnh hưởng bởi vệ tinh của Việt Nam ở vị trí này. Các mạng vệ tinh khác cách rất xa nên thực tế không có khả năng bị ảnh hưởng.

Để thực hiện được một dự án phóng vệ tinh thành công, hạn chế thấp nhất rủi ro, bắt buộc phải hoàn thành phối hợp với các nước có mạng vệ tinh trong khoảng cách +/-4 độ. Chính vì vậy, các mạng vệ tinh Việt Nam phải quyết tâm hoàn thành phối hợp trong khoảng cách +/-4 độ, đặc biệt ở băng tần Ka (do các mạng này có quyền ưu tiên cao hơn vệ tinh VNSAT-1A3).

Các mạng vệ tinh của các nước trong khoảng cách +/-4 độ mà mạng vệ tinh của Việt Nam ở vị trí 117.5 độ Đông cần hoàn thành phối hợp gồm:

Nước

Mạng vệ tinh

Quỹ đạo(độ Đông)

Khoảng cách(độ)

Hàn quốc

 INFOSAT-C

116

1.5

Hàn quốc

 KOREASAT-116.0E

116

1.5

Trung quốc

 CHINASAT-115.5E

115.5

2

Trung quốc

 CHINASAT-DL5

115.5

2

Trung quốc

 CHINASAT-MSB4

115.5

2

Trung quốc

 CHINASAT-ROUTE7

115.5

2

Trung quốc

 DFH-5-OD

115.5

2

Thái Lan

 THAICOM-IP1

119.5

2

Trung quốc

 ASIASAT-120V

120

2.5

Anh

 DFSAT120E

120

2.5

Nhật

 N-SAT2-120E

120

2.5

Malaysia

 MEASAT-ROUTE-1B

114.5

3

Úc

 DEF-R-SAT-4B 121.0E

121

3.5

 

Trong phối hợp vệ tinh, đối với các mạng vệ tinh có khoảng cách lớn hơn hoặc bằng 2 độ, có thể sử dụng phương pháp giới hạn mật độ công suất để phối hợp; riêng các mạng vệ tinh có khoảng cách 1.5 độ chỉ có thể phối hợp được dựa trên việc phân cách vùng phủ, phân cực và dựa trên thiết kế thực của vệ tinh.

Đối với mạng vệ tinh 117.5 độ E, thì việc phối hợp với Hàn Quốc và Thái Lan là khó khăn nhất, không chỉ ở khoảng cách gần mà còn do các nước này đã có vệ tinh thật hoạt động trên vị trí quỹ đạo (Hàn Quốc ở vị trí 116 độ Đông, Thái Lan ở vị trí 119.5 độ Đông).

Tại cuộc họp lần này, phía Hàn Quốc đã đưa ra đề xuất để hệ thống vệ tinh của hai nước có thể cùng hoạt động được, như Việt Nam có thể sử dụng phân cực tròn phải ở băng tần 19.7-21.2 GHz, còn Hàn Quốc sử dụng phân cực tròn trái.

Ban đầu, đề xuất này được cho là rất công bằng cho cả hai bên, tuy vậy khi xét đến thiết kế thực tế của vệ tinh Việt Nam thì với đề xuất đó vệ tinh Việt Nam không thể hoạt động được. Vệ tinh Việt Nam thiết kế phân cực tròn trái, nhưng phía Hàn Quốc lại yêu cầu giới hạn mức công suất quá thấp cho phân cực tròn trái và “thả” cho Việt Nam dùng ở phân cực tròn phải. Về vùng phủ vệ tinh Hàn Quốc đề xuất chiếm ưu thế gần như toàn cầu, chỉ trừ lại hai khu vực nhỏ ngoài khơi, Trung quốc và Lào cho Việt Nam sử dụng.

Thảo luận các đề xuất

Hàn Quốc có thể để xuất như vậy do hồ sơ đăng ký mạng vệ tinh của họ với ITU có quyền cao hơn của Việt Nam. Tuy nhiên, do vệ tinh thực hoạt động trên quỹ đạo 116 độ Đông của Hàn Quốc chỉ có 3 bộ phát đáp băng tần Ka (mỗi bộ phát đáp 255MHz) và chỉ phủ tại Hàn Quốc. Áp dụng đúng qui định của quốc tế thì Hàn Quốc không được quyền bảo vệ vị trí quỹ đạo ở toàn bộ băng tần Ka (3.5GHz) và vùng phủ trên toàn cầu.

Trên cơ sở đó, phía Việt Nam chỉ đồng ý bảo vệ vùng phủ của vệ tinh thật mà Hàn Quốc đang sử dụng, ngoài vùng phủ này Việt Nam có toàn quyền sử dụng.

Ký kết, trao đổi biên bản phối hợp quỹ đạo vệ tinh

Cuộc họp đã diễn ra căng thẳng, nhưng với sự hiểu biết sâu về luật pháp quốc tế và mối quan hệ tốt đẹp giữa Cục Tần số VTĐ Việt Nam và cơ quan quản lý tần số Hàn Quốc, hai bên thống nhất sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp phối hợp tại Hàn Quốc vào tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay để giải quyết vấn đề này. 

Nguyễn Huy Cương