Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G

16/08/2019

(rfd.gov.vn)- Sáng nay, 16/8/2019 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội thảo ASEAN về tần số cho 5G. Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải đến dự và phát biểu khai mạc Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ cơ quan quản lý viễn thông, tần số của các nước ASEAN; các chuyên gia của GSMA, Qualcomm, Huawei, NTTDocomo, Ericsson, Nokia, Axiata, Công ty Tư vấn Plum, Công ty tư vấn Windsor Place; các cơ quan quản lý tần số, viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông của Việt Nam.

 Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải cho biết: Cơ sở hạ tầng viễn thông không chỉ là cơ sở hạ tầng truyền thông, mà là cơ sở hạ tầng của nền kinh tế số, xã hội số, internet vạn vật (IoT) và cơ sở hạ tầng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. 5G có vai trò đặc biệt trong việc kết nối cơ sở hạ tầng viễn thông và là yếu tố không thể thiếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một ASEAN số.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải phát biểu khai mạc Hội thảo

Tại Việt Nam, để tận dụng lợi thế sớm triển khai 5G, Bộ TTTT đã sớm có kế hoạch cho phép thử nghiệm 5G trong năm 2019, qui hoạch phổ tần trong năm 2019-2020 và cấp phép thương mại vào năm 2020.

Tính đến hôm nay, Việt Nam đã cấp giấy phép cho 03 nhà khai thác di động để thực hiện thử nghiệm 5G tại một số thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Vào ngày 10 tháng 5, 2019, Viettel đã thực hiện kết nối đầu tiên và cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, để cung cấp dịch vụ 5G, trước tiên chúng ta phải có phổ tần cho mạng 5G. Tuy nhiên, các nước ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức chung trong việc phân bổ phổ tần cho 5G, bởi vì nhiều quốc gia trong khu vực đang sử dụng băng tần 3,5 GHz cho các hệ thống vệ tinh, trong khi đó việc sử dụng các băng tần mmW (tần số 26GHz hoặc 28GHz) vẫn còn có khó khăn do phạm vi phủ sóng hạn chế.

Đâu là giải pháp kỹ thuật cho phép chúng ta sử dụng băng tần C cho 5G? Những dải tần nào có thể là giải pháp thay thế như dải tần trung (mid-band) cho các nước Asean? Các băng tần mmW như 26GHz và 28 GHz có thể tốt về mặt thương mại cho việc triển khai 5G trong giai đoạn đầu hay không? Băng thông 5G lớn hơn nhiều so với 4G, tần số cũng cao hơn, vậy nên thay đổi sơ các tính giá phổ tần để phản ánh những thay đổi công nghệ này như thế nào? - Đó là những câu hỏi được Thứ trưởng đặt ra tại Hội thảo.

“Đối mặt với những thách thức này, Bộ TTTT tổ chức Hội thảo này để chia sẻ và trao đổi ý tưởng, kinh nghiệm với các thành viên Asean cũng như với các đối tác khác. Bộ TTTT tin tưởng rằng bằng cách làm việc cùng nhau, 5G sẽ sớm trở thành hiện thực trong tất cả các thành viên ASEAN” - Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về các vấn đề: Quy hoạch băng tần 3,5GHz (băng thông tối thiểu dành cho mỗi nhà khai thác, độ lớn từng block phổ tần; sự tương thích và dùng chung giữa 5G NR và các đài trái đất thuộc nghiệp vụ cố định qua vệ tinh và các hệ thống vô tuyến khác trong băng tần C và trong các băng tần lân cận; các kỹ thuật giảm thiểu can nhiễu,…); băng tần mmW (phạm vi vùng phủ của 5G NR trong các điều kiện thời tiết khác nhau; hiệu ứng massive MIMO,…); cấp phép tần số cho 5G.

Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn trình bày tham luận tại Hội thảo

Là đơn vị chủ trì tổ chức Hội thảo, Cục Tần số vô tuyến điện sẽ điều hành phiên thảo luận về việc sử dụng băng tần C cho thông tin di động và có bài trình bày về thách thức với phổ tần 5G.

BBT