“Công nghệ thay đổi liên tục càng làm tôi càng hứng thú”!
Khi phóng viên VietNamNet đặt câu hỏi “Anh có ấn tượng gì về lĩnh vực điện tử viễn thông mà lại lựa chọn ngành học này?”, Bùi Hà Long cười lớn: “Đơn giản lắm! Hồi ấy, bố đứa bạn cấp 2 của tôi làm nghề sửa tivi. Ở Việt Nam những năm 1991 - 1992, lĩnh vực điện tử, viễn thông chưa có nhiều, gần gũi nhất chắc là nghề sửa tivi. Lúc đó tôi đã thấy thích thú nhưng chưa có định hướng gì. Đến những năm 1994 - 1995 thì mảng này bắt đầu phát triển và tôi chọn luôn ngành học điện tử viễn thông. Vì đây là lĩnh vực chuyên sâu nên tôi vào làm ở Cục Tần số từ cuối năm 1999. Càng làm càng thấy công việc có nhiều điều hay ho, thú vị và kết quả đã làm đến tận bây giờ”.
Bùi Hà Long tự nhận mình là “dân làm kỹ thuật thuần túy”. Vì thế, những câu chuyện của anh đều liên quan đến kỹ thuật. Anh chia sẻ, bản thân luôn thấy hứng thú, say mê dù đã công tác trong ngành gần 20 năm, cũng bởi anh luôn tò mò và muốn tìm hiểu những điều mới mẻ.Câu chuyện giữa tôi và anh Bùi Hà Long – Phó trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã bắt đầu như vậy.
“Trong viễn thông, tần số vô tuyến điện là lĩnh vực thay đổi nhanh nhất. Cứ khoảng 4 - 5 năm là có công nghệ mới và những bước tiến nên càng làm mình có nhiều hứng thú”.
Công tác tại Cục Tần số từ năm 1999, Bùi Hà Long đã kinh qua nhiều vị trí. Từ công việc trực tiếp như cán bộ kiểm soát tần số đến công tác tính toán tần số và hiện nay là quy hoạch tần số.
Về bản chất, công việc không khác nhau nhiều nhưng mỗi vị trí lại có những yêu cầu riêng.
Khi công tác ở Phòng Ấn định và Cấp phép tần số suốt từ năm 2015 đến tháng 4/2019, anh được phân công trực tiếp phụ trách mảng thông tin vô tuyến điện dùng riêng và chuyên dùng quản lý các mạng, đài hoạt động theo nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện. Lĩnh vực trải rộng từ hệ thống mặt đất (cố định, di động), hàng không (di động, dẫn đường), hàng hải (di động, dẫn đường), vệ tinh, radar, sử dụng hầu hết công nghệ thông tin vô tuyến hiện hành.
“Số lượng mạng đài dùng riêng khá lớn, phức tạp về đặc điểm hoạt động, đa dạng về đối tượng sử dụng và rất nhiều hồ sơ nhưng quy định về thời gian giải quyết cấp phép là tương đối ngắn. Vì thế, khối lượng công việc vô cùng lớn. Tôi và anh em luôn phải chủ động để giải quyết kịp thời”.
Khi chuyển công tác ở Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Bùi Hà Long phụ trách mảng công nghệ vô tuyến và quy hoạch tần số cho các mạng đài thông tin vô tuyến thuộc nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện. Đối tượng, băng tần quy hoạch khá lớn với công nghệ “nóng” như 5G và phức tạp về đặc điểm hiện trạng sử dụng.
Công việc nào cũng có khó khăn nhưng Bùi Hà Long lại cho rằng, điều khó nhất đối với những cán bộ công tác trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện lại là thông tin, kiến thức bởi nền KHCN Việt Nam chưa thực sự phát triển. “Không chỉ mình tôi, tất cả anh em đồng nghiệp đều phải nỗ lực để tìm tòi, trao đổi và học hỏi nhau, học hỏi cả các doanh nghiệp bên ngoài và bạn bè quốc tế”, anh nói.
Tham gia "chinh chiến" quốc tế mang lại nhiều điều quý giá
Bùi Hà Long nhớ lại, năm 2010 anh bắt đầu được phân công tham gia vào các hoạt động quốc tế. “Hoạt động trong nước trước giờ chỉ mang tính chất thực thi là chính. Nhưng ở đây là xây dựng luật chơi quốc tế với những hoạt động mang tính chất đàm phán, thỏa thuận, trao đổi. Nó vừa là kỹ thuật nhưng vừa có tính chiến thuật để mang quyền lợi về cho quốc gia mình. Vì thế với tôi, đây là một công việc đầy hứng thú”.
Dù đây chỉ là một phần nhỏ trong khối lượng công việc hiện nay, nhưng do đặc thù làm theo giờ quốc tế nên nhiều khi anh Long phải thức đêm ở nhà. “Sinh hoạt tất nhiên bị ảnh hưởng nhưng gia đình rất thông cảm và tạo điều kiện cho tôi. Không có cách gì khác ngoài cố gắng cả!”, anh Long cười.
Nhắc đến những hoạt động của mình với bạn bè quốc tế, Bùi Hà Long chia sẻ: Trong lĩnh vực tần số, khi làm việc ở quy mô quốc tế thì đoàn công tác của các nước thường rất đông, kể cả một số nước có cùng quy mô với Việt Nam như Indonesia hay Singapore. Thành viên các đoàn thường từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp và viện nghiên cứu. Trong khi số lượng và thành phần tham gia của Việt Nam vô cùng hạn chế.
Anh kể: “Năm 2019, ở một hội nghị quốc tế với hơn 4.000 người tham dự thì Việt Nam chỉ có 4 người. Bốn anh em chúng tôi phải trải ra hoạt động nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn như tôi không chỉ làm về 5G mà còn thêm cả lĩnh vực an toàn hàng không, hàng hải, hệ thống radar thời tiết…Đàm phán trong một phòng họp 50 - 60 người, khi các nước khác có 3 – 4 người để trao đổi và cùng bảo vệ quan điểm thì Việt Nam chỉ có một. Vì thế mình phải nỗ lực. Chưa kể đến những sức ép, lo lắng mỗi khi đưa ra những lựa chọn, quyết định mang tính đại diện cho quốc gia, bởi không biết sau này giá trị mang lại cho Việt Nam có được như mình mong đợi hay không”.
Trải qua nhiều năm tham gia ở các diễn đàn, hội nghị quốc tế, Bùi Hà Long vui vẻ cho biết thành quả của các cuộc “chinh chiến” này không chỉ giúp cho công tác chuyên môn của mình ở Cục mà còn nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của nhiều bạn bè quốc tế.
“Trọng trách càng lớn, chúng tôi càng thận trọng”
Tháng 4/2019, Bùi Hà Long được phân công công tác tại Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số. Anh đảm nhận vị trí Phó Trưởng phòng phụ trách mảng công nghệ vô tuyến và quy hoạch tần số cho các mạng đài thông tin vô tuyến thuộc nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện.
Bùi Hà Long đã lãnh đạo nhóm nghiên cứu về công nghệ, tình hình triển khai, xu hướng các nước, thị trường thiết bị 5G trên các băng tần có thể quy hoạch, đồng thời chịu trách nhiệm đề xuất phương án và nội dung quy hoạch băng tần. Với anh, đây là một công việc đầy thử thách: “5G là một lĩnh vực mới không chỉ với Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Cái gì mới thì khó, nhất là khi chúng ta muốn ở trong nhóm đi đầu về triển khai 5G”.
Theo chia sẻ của anh Long, những thách thức ở đây không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn phải đáp ứng được nhu cầu khác nhau của doanh nghiệp khi triển khai hay đảm bảo hài hòa việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.
Bùi Hà Long và nhóm nghiên cứu của mình đã thông qua hàng loạt cuộc họp với các nhà sản xuất thiết bị (Ericsson, Huawei, ZTE, VinSmart, Viettel), công ty Qualcomm, Hiệp hội GSMA và các nhà mạng tìm kiếm phương án lựa chọn băng tần và điều kiện sử dụng để quy hoạch băng tần cho 5G.
“Bạn cũng biết, khi 5G triển khai sẽ đem lại bước tiến vô cùng lớn. Một trong những thứ Việt Nam có thể thụ hưởng được ngay đó là Chính phủ điện tử, giáo dục từ xa, y tế từ xa, nông nghiệp, thương mại điện tử. Chậm hơn sẽ là các hệ thống công nghiệp. Do đó, nó sẽ có tác động đến nhiều mặt kinh tế - xã hội”. Anh cho hay cũng nhờ sự say mê của nhóm nghiên cứu nên những khó khăn đã dần được tháo gỡ và có kết quả bước đầu.
“Chúng tôi tự tin là nắm vững tình hình của Việt Nam, đưa ra phương án sát với thực tế để giải quyết được vấn đề tối ưu nhất”. Ngược lại, trách nhiệm đặt lên vai vô cùng lớn. Vị trưởng nhóm nghiên cứu vẫn không ngừng trăn trở, liệu các tính toán kỹ thuật, số liệu điều tra, khảo sát của mình đã đầy đủ; có bỏ sót trường hợp nào có thể dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp sau này hay không?v.v.. Đó là những điều khiến những người gánh sứ mệnh tiên phong luôn thận trọng trong quá trình triển khai nhưng không vì thế mà chùn bước.
Bùi Hà Long: Sinh năm 1976, Kỹ sư chuyên ngành Điện tử Viễn thông. Phó Trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT.
- Lãnh đạo nhóm nghiên cứu về công nghệ, tình hình triển khai, xu hướng các nước, thị trường thiết bị 5G trên các băng tần có thể quy hoạch, đề xuất phương án và nội dung quy hoạch các băng tần. Năm 2019, nhận Bằng khen của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức Hội nghị ASEAN về phát triển mạng thông tin di động thứ năm (5G).
- Nghiên cứu, tham gia thảo luận tích cực tại nhiều hội nghị quốc tế như: WRC-19, Hội nghị chuẩn bị của ITU-R cho WRC-19 (CPM19-1, CPM19-2), Hội nghị Vô tuyến Châu Á-Thái Bình Dương chuẩn bị cho WRC-19 (APG19-1÷APG19-5), Diễn đàn vô tuyến Châu Á Thái Bình Dương (AWG), Nhóm nghiên cứu về các hệ thống vô tuyến mặt đất của ITU-R (SG5, WP5A, WP5B và WP5C) với 57 văn bản tham luận. Tại Hội nghị Vô tuyến Châu Á Thái Bình Dương chuẩn bị cho WRC-19 (APG19), được khu vực APT bầu làm Chủ tịch nhóm làm việc số 5, phụ trách 6 chương trình nghị sự về hàng không, hàng hải, nghiệp dư của WRC-19.
Duy Vũ (Thực hiện)