Những người kiểm soát nguồn tài nguyên còn quý hơn vàng

14/10/2020

(rfd.gov.vn)- Chuyên viên kiểm soát tần số - họ là những người nắm giữ trong tay nguồn tài nguyên vô hình. Nếu thiếu họ, cả xã hội chắc chắn sẽ vận hành lỗi nhịp.

Để tìm hiểu về công việc của người làm công việc kiểm soát và xử lý can nhiễu tần số, PV VietNamNet đã tìm đến Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông)… 

Tiếp đón chúng tôi là anh Vũ Sơn Tùng - chuyên viên phòng Kiểm soát tần số (Cục Tần số Vô tuyến điện). Gắn bó với Cục Tần số từ năm 2010 đến nay, thạc sĩ Vũ Sơn Tùng là một trong những nhân sự trẻ triển vọng của đơn vị. Với dáng vẻ rắn rỏi, tác phong nhanh nhẹn, anh Tùng đã kể cho chúng tôi nghe về công việc lặng thầm của những người đang làm công việc kiểm soát tần số tại Việt Nam. 

Để kiểm soát, quản lý hài hòa về mặt sử dụng tần số giữa các thiết bị, luôn cần có sự xuất hiện của các chuyên viên kiểm soát và xử lý can nhiễu tần số.
Đặc thù của tần số vô tuyến điện nằm ở chỗ, đây là nguồn tài nguyên hữu hạn, càng sử dụng và khai thác lại càng có giá trị. Việc kiểm soát, quản lý để đảm bảo sự hài hòa về mặt sử dụng tần số giữa các thiết bị cũng không hề đơn giản. Chính vì vậy, tần số vô tuyến điện còn được xem là nguồn tài nguyên… quý hơn cả vàng.Chuyên viên kiểm soát tần số là những người nắm giữ nguồn tài nguyên vô hình, thiếu họ cả xã hội sẽ vận hành lỗi nhịp. Dù ở bất kỳ quốc gia nào, tần số vô tuyến điện luôn được coi là một nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng.

Hơn nữa, Việt Nam hiện có gần 120 triệu thuê bao di động với mạng 4G-LTE được triển khai rộng khắp, cùng hàng triệu thiết bị vô tuyến điện. Các thiết bị này được sử dụng để phục vụ cho nhiều nghiệp vụ khác nhau, từ di động tới hàng không, hàng hải, thông tin vệ tinh, phát thanh truyền hình,… Trong bối cảnh đó, việc kiểm soát và xử lý can nhiễu thông tin vô tuyến ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Những người kiểm soát nguồn tài nguyên vô hình

Chia sẻ với phóng viên, anh Tùng cho biết trước khi làm công tác tham mưu về kiểm soát tần số, anh đã có một thời gian dài đảm nhiệm vị trí chuyên viên kiểm soát và xử lý can nhiễu các hệ thống thông tin vô tuyến điện.

Công việc thường ngày của một chuyên viên như anh là dùng phương tiện kỹ thuật để giám sát việc sử dụng tần số của các mạng thông tin vô tuyến.

Các chuyên viên kiểm soát tần số đang lắp đặt trạm kiểm soát bán cố định tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Ngoài giám sát sử dụng tần số, chuyên viên của Cục Tần số phải chủ động xác định các nguy cơ can nhiễu, có biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn thông tin vô tuyến điện. Đây là điều thường xuyên xảy ra bởi trong quá trình hoạt động, các đài vô tuyến có thể gây nhiễu cho nhau dẫn tới mất kết nối hoặc mất an toàn thông tin vô tuyến.Muốn làm được điều đó, Vũ Sơn Tùng và đồng nghiệp sẽ sử dụng hệ thống trạm kiểm soát được bố trí rải rác khắp cả nước để kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về sử dụng tần số vô tuyến điện.

Theo anh Tùng, các sự cố phổ biến thường được nhắc tới là nhiễu thông tin di động, mạng dùng riêng và phát thanh truyền hình, nhiễu tần số cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt bão, điều hành hàng không, các đài điện báo quốc gia và mạng an ninh, quốc phòng.

Anh Vũ Sơn Tùng - chuyên viên phòng Kiểm soát tần số (Cục Tần số Vô tuyến điện - Bộ TT&TT).

Nguyên nhân gây can nhiễu thường đến từ việc sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến sai quy định, thiết bị gặp sự cố hoặc sử dụng các thiết bị nhập lậu có tần số không phù hợp với quy hoạch. Để xử lý mỗi vụ việc nêu trên, các chuyên viên của Cục phải tổ chức kiểm soát, đo tham số tại đài bị nhiễu bằng thiết bị chuyên dụng, sau đó định hướng và truy tìm nguồn gây nhiễu. Đây là công việc thường nhật của một chuyên viên tần số, rất thầm lặng nhưng mang nhiều ý nghĩa.

Chiến sĩ thầm lặng tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Bên cạnh công tác kiểm soát và xử lý can nhiễu thường ngày, một nhiệm vụ quan trọng khác của những chuyên viên như anh Vũ Sơn Tùng là phối hợp kiểm soát và xử lý can nhiễu tại những sự kiện lớn như các kỳ Đại hội Đảng, APEC hay mới đây là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều vừa được tổ chức tại Hà Nội.

Tại những sự kiện quan trọng đó, các thiết bị vô tuyến được sử dụng với mật độ rất lớn của nhiều đơn vị khác nhau và trong cùng một không gian hẹp. Khi mật độ thiết bị vô tuyến điện quá lớn, tình trạng tắc nghẽn tín hiệu rất dễ xảy ra.

Lúc này, các chuyên viên phải xác định nguyên nhân và tìm biện pháp xử lý can nhiễu nhằm đảm bảo cho hệ thống vô tuyến hoạt động thông suốt.

Anh Vũ Sơn Tùng (người thứ 3 từ bên phải) tại buổi kiểm tra hoạt động của Trung tâm báo chí trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều năm 2019.

Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, anh Tùng nhớ lại, trong quá trình đảm bảo an toàn cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều, nhóm công tác của anh gặp phải tình huống mạng Wi-Fi công cộng tại Trung tâm báo chí của Hội nghị bị can nhiễu. Sự cố khiến nhiều phóng viên báo chí quốc tế gặp khó khăn trong truyền tải tin, bài về Hội nghị và hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam đến với cộng đồng thế giới.

Nguyên nhân của sự cố được xác định là do các thiết bị phát Wi-Fi cá nhân được sử dụng với mật độ cao. Bên cạnh đó, mạng Wi-Fi tại Trung tâm báo chí còn vô tình bị ảnh hưởng bởi một số thiết bị chế áp.

Sau khi xác định nguyên nhân, tổ công tác đã phối hợp với Cục Tác chiến điện tử để điều chỉnh công suất, vị trí đặt thiết bị và cường độ chế áp. Điều này phải thực hiện sao cho vừa đảm bảo được việc áp chế các vật thể bay không người lái (UAV) nhưng cũng không để gây nhiễu đến mạng Wi-Fi của Trung tâm báo chí.

Nhờ việc xử lý nguồn gây nhiễu và hành động điều phối nói trên, mạng Wi-Fi tại Trung tâm báo chí sớm hoạt động trở lại bình thường. Qua đó, tổ công tác quản lý tần số đã góp phần thể hiện năng lực kỹ thuật của Việt Nam khi tổ chức những sự kiện quốc tế.

Người đầu tiên dùng UAV kiểm soát và xử lý can nhiễu tại Việt Nam

Thành công nổi bật nhất của anh Tùng và những người cộng sự trong năm qua là việc dùng máy bay không người lái (drone) để kiểm soát và xử lý can nhiễu. Đây cũng là lần đầu tiên UAV được sử dụng để kiểm soát và xử lý nhiễu tại Việt Nam. Khó khăn lớn nhất khi xử lý can nhiễu cho hệ thống vô tuyến điện hàng không là điểm bị nhiễu nằm ở một vị trí cụ thể trong không gian.

 
Anh Tùng là người trực tiếp thực hiện việc dùng drone để kiểm soát can nhiễu tại Việt Nam.

Do đó, để tiếp cận vị trí bị nhiễu, các anh em trong tổ công tác của Cục Tần số phải nghiên cứu việc sử dụng thiết bị bay không người lái. Chuyến bay UAV đầu tiên để kiểm soát và xử lý nhiễu có độ cao chỉ 200m, mang theo thiết bị đo chỉ 200g. Đến nay, tổ công tác đã thiết kế được UAV mang vật nặng tới 6kg và xử lý thành công các sự cố ở độ cao lên tới 500m. Với kết quả này, phương pháp xử lý can nhiễu dùng UAV của anh Tùng đã được nhân rộng, triển khai ở nhiều nơi trên cả nước.

Là cá nhân điển hình tiên tiến của Cục Tần số Vô tuyến điện, anh Vũ Sơn Tùng chính là hình ảnh đại diện cho những chuyên viên đang thực hiện công tác kiểm soát, quản lý tần số tại Việt Nam.

Trọng Đạt

(vietnamnet.vn; 14/10/2020 11:15 GMT+7)