Các chính sách, mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước đặt ra khi xây dựng Luật Tần số vô tuyến điện cơ bản đã được thực hiện tốt

19/03/2021

(rfd.gov.vn)- Đó là phát biểu kết luận của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào sáng ngày 19/3/2021 tại Hà Nội.

Tham dự Hội  nghị có Trung tướng Huỳnh Chiến Thắng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam; ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; và hơn 100 đại biểu đại diện của một số cơ quan của Quốc hội và đại diện của nhiều Bộ ngành, doanh nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông,...

Toàn cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung cho biết,  Luật Tần số vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2010. Đến nay, đã có 08 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 57 Thông tư, Quyết định cấp Bộ trưởng và 120 Quy chuẩn kỹ thuật hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành.

Kết quả trong 10 năm, đã tổ chức trên 170 hội nghị tuyên truyền trực tiếp, hơn 160 chương trình phát thanh - truyền hình và bài viết tuyên truyền trên website, báo, tập san chuyên đề,... Qua đó, đã tuyên truyền kịp thời, thường xuyên và chính xác các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, phục vụ thiết thực cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Công tác quy hoạch tần số vô tuyến điện đã đảm bảo thiết lập trật tự và sử dụng hiệu quả phổ tần cũng như thúc đẩy sự phát triển của công nghệ thông tin vô tuyến điện tại Việt Nam. Nhờ làm tốt công tác này, đã góp phần quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ của thông tin di động và phát thanh truyền hình tại Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, cũng như mở đường cho sự phát triển các dịch vụ băng thông rộng, internet tốc độ cao, tạo tiền đề cho sự phát triển xã hội thông tin, Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Các thủ tục cấp phép tần số VTĐ liên tục được cải tiến theo hướng đơn giản, dễ sử dụng, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Số lượng tài liệu trong hồ sơ đề nghị cấp phép giảm mạnh, loại bỏ hầu hết các giấy tờ yêu cầu công chứng, chứng thực, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể cho khoảng 35.000 hồ sơ đăng ký cấp phép tần số mỗi năm.

Công tác đo lường, thử nghiệm thiết bị vô tuyến điện đã đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ quản lý chuyên ngành. Số lượng thiết bị vô tuyến điện được đo kiểm tương thích điện từ, chứng nhận hợp quy đã gia tăng đáng kể với hàng ngàn mẫu được đo kiểm tại các Phòng đo kiểm được Bộ Thông tin và Truyền thông công nhận trên cả nước.

Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các qui chuẩn kỹ thuật về an toàn bức xạ vô tuyến điện và Danh mục thiết bị viễn thông và đài vô tuyến điện bắt buộc phải thực hiện kiểm định nhằm bảo đảm mức độ an toàn về bức xạ điện từ. Đáng chú ý là trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng và đài phát thanh, truyền hình là các thiết bị vô tuyến điện bắt buộc phải thực hiện kiểm định.

Công tác kiểm soát tần số được thực hiện liên tục 7 ngày/tuần trên phạm vi toàn quốc, qua đó đã phát hiện và xử lý kịp thời gần 7.000 vụ vi phạm và trên 1.300 vụ nhiễu có hại.

Quyền lợi, chủ quyền quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh được đảm bảo và tăng cường thông qua thực hiện hiệu quả nhiều cuộc phối hợp tần số với các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia, Trung Quốc về thông tin di động, về tần số phát thanh truyền hình,... Trong đó, Việt Nam đã hoàn thành việc phân định sử dụng tần số ở khu vực biên giới với Lào, Campuchia, Trung Quốc trên các băng tần 900/1800/2100 MHz.

Công tác phối hợp quản lý, sử dụng tần số VTĐ giữa dân sự, quốc phòng, an ninh được tăng cường. Trong đó, công tác lập quy hoạch và phối hợp kiểm soát, xử lý can nhiễu ngày càng chặt chẽ; việc sử dụng tần số của các bên dần đi vào nề nếp, tuân thủ quy hoạch, không để xảy ra những vụ vi phạm nghiêm trọng.

Công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về tần số VTĐ tại địa phương giữa Bộ TTTT với Sở TTTT được triển khai hiệu quả trên các mặt hoạt động như tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố ban hành các văn bản quản lý tần số ở địa phương; tập huấn, trao đổi nghiệp vụ quản lý; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết can nhiễu; cấp giấy phép sử dụng tần số và thiết bị VTĐ.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Trung, cùng với sự ra đời của Luật Tần số vô tuyến điện,  Luật Thanh tra năm 2010, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản pháp quy liên quan khác đã tạo khung pháp lý quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành về tần số vô tuyến điện. Kết quả, trong 10 năm qua, các cơ quan chức năng đã thanh tra, kiểm tra đối với 2.437 đơn vị; ban hành 1.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về tần số vô tuyến điện, trong đó hầu hết các tổ chức, cá nhân đã nghiêm chỉnh chấp hành quyết định xử phạt.

Bộ TTTT và Bộ Tài chính đã phối hợp xây dựng, ban hành các Thông tư về lệ phí cấp giấy phép, phí sử dụng tần số vô tuyến điện. Nguồn thu phí và lệ phí sử dụng tần số đã hỗ trợ cho việc xây dựng hệ thống quản lý tần số hiện đại với hàng trăm trạm kiểm soát tần số cố định, trạm điều khiển từ xa, các xe kiểm soát lưu động đáp ứng được yêu cầu kiểm soát thông tin vô tuyến, xác định các nguồn nhiễu và các vi phạm trên phạm vi toàn quốc; cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư đồng bộ, hiện đại phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính. Ngoài đầu tư trang bị cơ sở vật chất phục vụ quản lý tần số, nguồn thu phí và lệ phí tần số đã đóng góp khá lớn vào ngân sách Nhà nước, đóng góp gần 2.536 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Nguyễn Đức Trung trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tần số vô tuyến điện

Cũng tại Hội nghị này, đại diện của 03 doanh nghiệp gồm Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã lần lượt trình bày các báo tham luận với các chủ đề: Công nghệ chùm vệ tinh - Cơ hội, thách thức và bài toán quản lý chùm vệ tinh; Sự phát triển công nghệ thông tin vô tuyến và chính sách quản lý mới để thúc đẩy sự phát triển viễn thông, những đề xuất cho việc sửa đổi Luật Tần số VTĐ; Vấn đề thúc đẩy cạnh tranh trong sử dụng tần số cho thông tin di động và đề xuất sửa đổi Luật Tần số VTĐ.

Tiếp đó, Hội nghị cũng đã nghe các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu đại diện một số cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Tổng Công ty quản lý bay Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm khẳng định: Luật Tần số VTĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo nên hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện. Trong 10 năm qua, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các hộ sử dụng tần số vô tuyến điện đã phối hợp chặt chẽ và nghiêm túc tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả. Nhờ vậy, các chính sách và mục tiêu lớn mà Đảng và Nhà nước đặt ra khi xây dựng Luật Tần số VTĐ cơ bản đã được thực hiện tốt.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, những kết quả nổi bật của 10 năm thi hành Luật Tần số VTĐ đó là: Chúng ta đã đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện từ việc xây dựng quy hoạch, ban hành, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật đến việc cấp phép, thanh tra, kiểm tra sự tuân thủ pháp luật. Việt Nam cũng đã thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường thông tin di động thông qua việc thi tuyển quyền sử dụng tần số, bảo đảm minh bạch trong cấp phép các băng tần quý hiếm, có giá trị cao.

Việc thực hiện Luật Tần số VTĐ đã đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua việc đơn giản thủ tục quản lý, cấp phép tài nguyên tần số vô tuyến điện; đưa tất cả các thủ tục hành chính lên dịch vụ công cấp độ 4.

Thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện nói chung, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến góp phần sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm của quốc gia.

Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thông tin vô tuyến điện theo hướng hội tụ công nghệ phát thanh truyền hình, CNTT, viễn thông cũng như thực hiện được xu hướng hội tụ giữa viễn thông di động và viễn thông cố định.

Nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt trong vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng.

Tăng cường hợp tác quốc tế về tần số vô tuyến điện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy định quốc tế mà Việt Nam là một nước thành viên. Tăng cường bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh, nhất là trong bối cảnh thế giới đang gia tăng mạnh mẽ nhu cầu này.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm phát biểu kết luận Hội nghị

Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá: Luật Tần số vô tuyến điện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của thông tin vô tuyến điện, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ hiện đại, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên tần số, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường dịch vụ viễn thông; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tần số vô tuyến điện.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng cho rằng Luật Tần số vô tuyến điện đã bộc lộ một số hạn chế cần sớm được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi kịp thời, cụ thể là:

Cần làm rõ hơn việc áp dụng các phương thức cấp phép trong các loại băng tần, kênh tần số có giá trị thương mại cao theo hướng chỉ đấu giá các băng tần thông tin di động. Với các băng tần, kênh tần số khác có tính chất thương mại cao, sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Các đối tượng được cấp phép sử dụng tần số ngoài lệ phí sẽ phải nộp phí thương quyền.

Phải xử lý vấn đề bảo vệ cạnh tranh theo hướng đưa ra giới hạn lượng phổ tần tối đa mà một doanh nghiệp có thể sở hữu.

Làm rõ hơn chế tài đối với các hộ sử dụng tần số vô tuyến điện khi các hộ này không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính của mình liên quan đến việc sử dụng tần số vô tuyến điện cũng như cần bổ sung các quy trình, thủ tục đầy đủ khi thu hồi giấy phép để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.

Bổ sung các quy định về quản lý và sử dụng tần số vô tuyến điện khi tần số không phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn trong trường hợp nghiên cứu phát triển công nghệ mới hoặc nghiên cứu sản xuất các thiết bị vô tuyến điện cho xuất khẩu.

Phân công lại cho hợp lý hơn việc cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên hàng hải, hàng không để giảm bớt thủ tục hành chính, thúc đẩy xã hội hóa công tác đào tạo bồi dưỡng và cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên nghiệp dư

Xử lý vấn đề quản lý chùm vệ tinh quỹ đạo thấp từ góc độ quản lý tần số như vấn đề cấp phép tần số, phối hợp vị trí quỹ đạo vệ tinh cũng như chống nhiễu có hại cho các hệ thống mặt đất, hệ thống thông tin vệ tinh.

Giải quyết tốt hơn vấn đề bảo vệ chủ quyền trong cấp phép và sử dụng tần số vô tuyến điện thông qua công tác phối hợp tần số biên giới, vấn đề đăng ký tần số quốc tế, đặc biệt là vấn đề đăng ký tần số trên biển đảo.

Xử lý tốt hơn thông qua việc bổ sung một số quy tắc, quy định về sử dụng tần số cho an ninh quốc phòng và dân sự trong các tình huống khác nhau để thực hiện tốt hơn quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an ninh quốc phòng và ngược lại.

Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm khẳng định, 08 vấn đề lớn nêu trên cần phải được xử lý sớm. Bộ TTTT chỉ đạo Cục Tần số VTĐ phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong Bộ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện báo cáo tổng kết thi hành Luật cũng như hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Tần số vô tuyến điện, gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ trong Quý II năm 2021.

Hồng Hạnh