Tham dự Hội nghị có ông Trần Mạnh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, đại diện các phòng chức năng liên quan của Cục Tần số VTĐ, Ông Đăng Văn Toàn – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác quốc tế - Tổng Cục Đường bộ Việt Nam, đại diện 43 Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tại các địa phương có đặt trạm ETC và 34 doanh nghiệp hiện đang dùng thiết bị thu phát VTĐ sử dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) cho các trạm ETC.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lê Văn Tuấn – Cục trưởng Cục Tần số VTĐ khẳng định: Thu phí theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho hình thức thu phí thủ công là văn minh, hiện đại, giảm chi phí xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí. Việc triển khai thu phí theo hình thức điện tử không dừng là yêu cầu bắt buộc đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng với các nhà đầu tư dự án BOT (Build – Operate – Transfer), các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng và các đơn vị có liên quan triển khai hệ thống thu phí theo hình thức không dừng tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ trên toàn quốc bảo đảm kết nối liên thông, đồng bộ, thuận tiện cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ông Lê Văn Tuấn bày tỏ mong muốn thông qua Hội nghị này sẽ tìm ra được cơ chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm ETC và giảm thiểu những bất cập có thể xảy ra trong quá trình vận hành, sử dụng các thiết bị thu phát VTĐ sử dụng công nghệ RFID.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Tần số VTĐ đã phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tần số đến các doanh nghiệp sử dụng công nghệ RFID nhằm duy trì hệ thống thiết bị thu phát VTĐ sử dụng công nghệ RFID hoạt động ổn định, đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định trong giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng VTĐ. Đồng thời, Cục Tần số VTĐ đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam và các Sở TT&TT phối hợp với Cục Tần số VTĐ giám sát chặt chẽ việc duy trì sử dụng các thiết bị phát sóng VTĐ tại các trạm ETC theo đúng những quy định của pháp luật; xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể có hành vi can thiệp vào hệ thống ETC (tăng, giảm tần số tại làn thu phí/trạm thu phí; nhận diện lệch làn, hệ thống đường dẫn;…) làm ảnh hưởng đến việc nhận diện thẻ định danh và truyền dẫn thông tin, dữ liệu tại từng làn và trạm ETC.
Hội nghị đã ghi nhận rất nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ từ các đơn vị tham gia về hiện trạng sử dụng tần số và thiết bị RFID tại các trạm ETC, việc khắc phục vi phạm về sử dụng tần số và thiết bị VTĐ (nếu có) tại các trạm ETC,...
Kết thúc Hội nghị, Cục Tần số VTĐ yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát tình hình sử dụng tần số và thiết bị thu phát VTĐ sử dụng công nghệ RFID tại các trạm ETC của đơn vị mình; kịp thời khắc phục những tồn tại (nếu có), đảm bảo tuân thủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Cục Tần số VTĐ sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những đơn vị nào vi phạm quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều công nghệ như Smart card, OBU, DSRC, RFID, ANPR ứng dụng cho hệ thống thu phí không dừng. Công nghệ RFID tuân thủ theo tiêu chuẩn ISO/IEC 18000-6 với tần số hoạt động của thiết bị RFID trong các băng tần quy định cho Công nghiệp, Khoa học và Y tế (ISM) thuộc dải tần 860 MHz đến 960 MHz. Trong đó, Mỹ, Canada quy định các thiết bị ISM ở đoạn băng tần từ 902- 928 MHz, Châu Âu từ 863-870 MHz, Việt Nam từ 918,4 - 923 MHz và thiết bị vô tuyến điện sử dụng công nghệ RFID cho làn thu phí ETC tại Việt Nam là 920-923 MHz. Việc sử dụng không đúng dải tần có thể gây can nhiễu hoặc bị nhiễu có hại từ hệ thống vô tuyến điện khác.
|