Tham dự Hội thảo có ông Lê Văn Tuấn – Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (VTĐ), ông Lê Thái Hòa – Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ; ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam; bà Thảo Griffiths – Giám đốc Chính sách công thị trường Việt Nam, Tập đoàn META; đại diện các đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT): Cục Viễn thông, Cục Công nghiệp Công nghệ TTTT, Vụ Khoa học và Công nghệ; đại diện khối các doanh nghiệp Internet (META, Broadcom, Intel, Cisco, Apple, FPT, Bower Group Asia,…) và đại diện khối các doanh nghiệp viễn thông (Viettel, VNPT, Mobifone, Vietnamobile, Gtel).
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Thái Hòa – Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ chia sẻ: Chuyển đổi số là một hành trình đặc biệt trong quá trình phát triển của thế giới hôm nay, là cuộc chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới kỹ thuật số, đây là cơ hội lớn nhưng cũng đầy thách thức đối với tất cả chúng ta. Nghị quyết 52 – NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã đặt ra các mục tiêu và chủ trương, định hướng lớn cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những giải pháp đột phá để tăng tốc chuyển đổi số quốc gia là làm chủ, xây dựng hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển của các ngành kinh tế, xã hội. Kết nối băng rộng bao gồm vô tuyến băng rộng đóng vai trò quan trọng để có thể chuyến sang môi trường kỹ thuật số một cách thuận lợi.
Kết nối băng rộng vẫn luôn là chủ đề chính của lĩnh vực công nghệ số và hiện nay thế giới đang hướng sự chú ý của mình vào việc khai thác băng tần 6GHz để cung cấp kết nối băng rộng không dây tới người dân và tới các ngành công nghiệp một cách hiệu quả nhất. Đây là một trong những chủ đề nóng tại nhiều hội nghị, diễn đàn quốc tế và khu vực về thông tin vô tuyến trong thời gian vừa qua.
Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ bày tỏ mong muốn Hội thảo “Mở rộng cơ hội kết nối không dây trên băng tần 6GHz tại Việt Nam” sẽ cung cấp thông tin đa chiều về các công nghệ vô tuyến băng rộng được phát triển cho băng tần 6GHz, nhu cầu và xu hướng sử dụng băng tần 6GHz cho vô tuyến băng rộng, xu hướng quy hoạch băng tần 6GHZ qua đó tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý của Việt Nam, các doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin trong nước và các doanh nghiệp công nghệ quốc tế cùng nhau phân tích, thảo luận tìm ra hướng đi phù hợp, tối ưu cho thị trường Việt Nam trong việc sử dụng băng tần 6GHz, cân bằng lợi ích giữa các bên người dân – doanh nghiệp – nhà nước, hài hòa với xu thế phát triển của khu vực và thế giới.
Tại sự kiện, bà Thảo Griffiths – Giám đốc Chính sách công thị trường Việt Nam, Tập đoàn META cho biết thêm: Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 60 quốc gia quyết định mở băng tần 6GHz cho Wi-Fi và hơn 20 quốc gia bắt đầu thủ tục hướng tới việc mở băng tần 6GHz. Cách tiếp cận để khai thác và sử dụng băng tần 6GHz như thế nào nhằm đạt được lợi ích tối đa dự kiến sẽ là một trong những chủ đề thu hút sự quan tâm lớn tại Hội nghị thông tin vô tuyến thế giới (WRC-23) sẽ diễn ra trong năm 2023. Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đang tích cực đánh giá phổ tần số 6GHz và xem xét các phương án để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này với mục tiêu đem lại lợi ích cao nhất cho người dùng.
Thay mặt Tập đoàn META, bà Thảo Griffiths trân trọng cảm ơn sự hợp tác tích cực của Cục Tần số VTĐ cùng Hiệp hội Internet Việt Nam trong thời gian qua và cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Cục Tần số VTĐ, Bộ TTTT cũng như Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động tiếp theo với sự đồng hành cùng Hiệp hội Internet Việt Nam. “Chúng tôi tin tưởng Lãnh đạo Cục Tần số VTĐ sẽ tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với các hãng công nghiệp trong việc chia sẻ thông tin, nghiên cứu và sớm đưa giải pháp vào triển khai thực tế nhằm góp phần quan trọng vào việc xây dựng hạ tầng số phục vụ phát triển nền kinh tế số” – Bà Thảo Griffiths nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các vấn đề liên quan được bàn sâu tại 04 phiên làm việc (gồm: Phiên 1 – Kết nối băng rộng không dây, Phiên 2 – Công nghệ Wi-Fi 6E, Phiên 3 – Khám phá khả năng truy cập không dây cho Việt Nam, Phiên 4 – Các vấn đề liên quan đến phổ tần) với các bài trình bày cơ bản của các diễn giả đến từ: Cisco, Broadcom Inc, Hewlett Packard, VNPT, FPT, Cục Viễn thông, Cục Tần số VTĐ,… xoay quanh những nội dung như: Sự cần thiết của kết nối băng thông rộng không dây và các trường hợp sử dụng; Sự phát triển của Wi-Fi và các thế hệ Wi-Fi; Công suất tiêu chuẩn cho Wi-Fi 6GHz và kỹ thuật AFC; Chiến lược hạ tầng số/ băng rộng quốc gia; Xu hướng tiêu dùng dữ liệu không dây - Góc nhìn từ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông; Các hoạt động quản lý toàn cầu đối với băng tần 6GHz;…
Sau phần trình bày của các diễn giả, Hội thảo đã được nghe những ý kiến thảo luận sâu, đa chiều của các đại biểu tham dự gợi ra nhiều nội dung có giá trị.
Tổng kết Hội thảo, ông Lê Văn Tuấn – Cục trưởng Cục Tần số VTĐ phát biểu: Mặc dù đến giờ phút này đã muộn nhưng vẫn còn có rất nhiều câu hỏi chứng tỏ Hội thảo của chúng ta vô cùng bổ ích và tôi nghĩ đây sẽ là bước đầu tiên khởi động để có những hoạt động tương tự sau này. Chính phủ Việt Nam xác định chuyển đổi số là chiến lược quan trọng, là con đường phải đi và trong chuyển đổi số hạ tầng số là một công cụ quan trọng thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Trong hạ tầng số thì hạ tầng băng rộng IoT là một thành tố quan trọng.
Cục trưởng Lê Văn Tuấn cũng khẳng định: Phổ cập hạ tầng băng rộng tới mọi người dân là nhiệm vụ quan trọng. Việt Nam đang đặt mục tiêu mỗi hộ gia đình một cáp quang, mỗi người dân một điện thoại thông minh. Wi-Fi là kết nối những mét cuối cùng từ cáp quang tới các thiết bị trong gia đình, trong đó có điện thoại thông minh và các thiết bị máy tính. Chúng ta muốn có băng rộng thì phải thông suốt từ đầu tới cuối hoàn chỉnh. Chúng ta có cáp quang băng thông rộng nhưng để những mét cuối nghẽn từ cáp quang ra đến các thiết bị thì trải nghiệm người dùng rất kém. Hội thảo ngày hôm nay để trả lời cho câu hỏi: Chúng ta có giải pháp gì để đưa băng rộng tới từng thiết bị một cách tốt nhất giúp nâng cao trải nghiệm của người dùng.
Nội dung thảo luận này sẽ còn tiếp tục. Hội thảo ngày hôm nay mới là sự khởi đầu. Việt Nam là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng khu vực và quốc tế. Cá nhân tôi với tư cách là Chủ tịch Hội nghị Thông tin vô tuyến Châu Á - Thái Bình Dương (AWG) sẽ thúc đẩy việc thảo luận nội dung này tại Cộng đồng Thông tin vô tuyến Châu Á - Thái Bình Dương (APT). Tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp, các diễn giả ngày hôm nay sẽ tiếp tục tham gia thúc đẩy câu chuyện tìm giải pháp này tại AWG, WRC để có những thảo luận, những ý kiến tốt cho cả khu vực chứ không chỉ riêng cho Việt Nam và những kiến thức mà chúng ta chia sẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý nhà nước có quyết tâm, độ tin tưởng mạnh mẽ khi ban hành các chính sách liên quan.
Xin thay mặt cho Cục Tần số VTĐ trân trọng cảm ơn Hiệp Hội Internet Việt Nam, cảm ơn các diễn giả, các công ty đã hỗ trợ đồng hành cùng với Cục Tần số tổ chức buổi Hội thảo rất hiệu quả, bổ ích ngày hôm nay. Xin chúc sức khỏe tất cả các quý vị, chúc cho sự hợp tác của chúng ta thành công và như Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đã nói “muốn đi xa chúng ta hãy đi cùng nhau” và hôm nay là sự khởi đầu của hành trình đi cùng nhau đó – Cục trưởng Cục Tần số VTĐ Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.