1. Tình hình quy hoạch các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz tại Việt Nam
Các giấy phép sử dụng băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz hiện đang được cấp phép theo các quy hoạch băng tần được quy định tại Quyết định số 03/2005/QĐ-BBCVT ngày 17/01/2005 của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông, Quyết định số 25/2008/QĐ-BTTTT ngày 16/4/2008 và Thông tư số 04/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/20217 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Các doanh nghiệp viễn thông được cấp giấy phép sử dụng băng tần có thể triển khai các công nghệ 2G, 3G, 4G trên các băng tần này.
Theo quy định của Luật số 09/2022/QH15 của Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) đã có Thông báo số 3095/BTTTT-CTS ngày 31/7/2023 về việc quy hoạch các băng tần 900/1800/2100 MHz, trong đó định hướng quy hoạch các băng tần 900/1800/2100 MHz sau khi giấy phép sử dụng các băng tần hết hạn như sau:
- Băng tần 900 MHz: giữ nguyên quy hoạch như hiện trạng cấp phép từ ngày 16/9/2024 đến hết ngày 15/9/2026. Sau ngày 15/9/2026, dự kiến sẽ quy hoạch lại để phù hợp với xu hướng công nghệ trên thế giới và hiện trạng sử dụng băng tần tại Việt Nam.
- Băng tần 1800 MHz, 2100 MHz: giữ nguyên quy hoạch như hiện trạng đang cấp phép.
Để có cơ sở cấp phép cho các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo, Bộ TTTT đang rà soát, xây dựng và ban hành các quy hoạch băng tần nêu trên, cụ thể: đã ban hành Thông tư số 12/2023/TT-BTTTT ngày 10/10/2023 về quy hoạch băng tần 2100 MHz; đang xây dựng dự thảo Thông tư quy hoạch băng tần 900 MHz, băng tần 1800 MHz, dự kiến sẽ ban hành hai Thông tư này trong Quý II năm 2024.
Việc tiếp tục quy hoạch các băng tần cho hệ thống thông tin di động IMT được đánh giá là đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp viễn thông và mang lại những tác động tích cực đến xã hội, doanh nghiệp có định hướng để xây dựng kế hoạch đầu tư trang thiết bị, phát triển hạ tầng; cơ quan quản lý có cơ sở để tiến hành cấp phép sử dụng các băng tần.
2. Tình hình quy hoạch các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz trên thế giới
Các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz được Liên minh viễn thông quốc tế ITU (tại Khuyến nghị M.1036-7) và 3GPP (tại Release 17) quy hoạch cho triển khai hệ thống thông tin di động IMT theo phương thức truyền dẫn song công phân chia theo tần số FDD (Frequency Division Duplex). Quy hoạch các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam là phù hợp theo các quy hoạch của ITU, 3GPP.
Hình 1. Phương án quy hoạch băng tần 900 MHz theo ITU, 3GPP
Trên thế giới, băng tần 900 MHz nằm trong nhóm băng tần thấp (Low-band) có tần số dưới 1 GHz, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp vùng phủ sóng rộng, phù hợp cho các kịch bản triển khai mạng thông tin di động ở các khu vực ngoại ô và nông thôn, nâng cao chất lượng dịch vụ tại môi trường trong nhà.
Hình 2. Phương án quy hoạch băng tần 1800 MHz theo ITU, 3GPP
Băng tần 1800 MHz và băng tần 2100 MHz nằm trong nhóm băng tần trung (Mid-band) có tần số trong khoảng từ 1 GHz đến 6 GHz. Hai băng tần này được đánh giá là hiệu quả để triển khai các mạng thông tin di động vì có thể cân bằng giữa yêu cầu về phạm vi phủ sóng rộng và dung lượng mạng lớn.
Hình 3. Phương án quy hoạch băng tần 2100 MHz theo ITU, 3GPP
Băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz được sử dụng rộng rãi cho hệ thống thông tin di động trên thế giới, trước đây chủ yếu cho 2G, 3G và gần đây được sử dụng cho 4G, 5G.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị di động thế giới (GSA), băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz đang được nhiều nhà khai thác di động của các nước trên thế giới quan tâm đầu tư để triển khai 4G, 5G. Hệ sinh thái thiết bị đầu cuối thiết bị 4G, 5G ở các băng tần này cũng đã rất phổ biến, cụ thể:
- Băng tần 900 MHz: có hơn 113 nhà khai thác đầu tư vào 4G. Số lượng thiết bị đầu cuối 4G được hỗ trợ băng tần này là hơn 11.276 thiết bị, thiết bị 5G với khoảng hơn 700 thiết bị.
- Băng tần 1800 MHz: có hơn 427 nhà khai thác đã và đang đầu tư vào mạng 4G hoặc 5G, hơn 165 quốc gia/vùng lãnh thổ đã cấp phép cho các nhà khai thác để triển khai mạng 4G hoặc 5G, trong đó 159 quốc gia/vùng lãnh thổ đã triển khai hoặc đang triển khai mạng. Thiết bị đầu cuối 4G ở băng tần 1800 MHz có hệ sinh thái lớn nhất với hơn 17.035 thiết bị, thiết bị 5G với khoảng gần 1000 thiết bị.
- Băng tần 2100 MHz: có hơn 166 nhà khai thác đã và đang đầu tư vào 4G hoặc 5G, trong đó có khoảng 42 nhà khai thác đã và đang đầu tư để triển khai mạng 5G trong băng tần này. Thiết bị đầu cuối 4G ở băng tần 2100 MHz có hệ sinh thái lớn thứ hai (xếp sau băng tần 1800 MHz) với hơn 15.035 thiết bị, thiết bị 5G với khoảng 1000 thiết bị.
3. Thông tin về tình hình cấp phép băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz trên thế giới.
Băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz được đánh giá là những băng tần quan trọng để triển khai các mạng thông tin di động 4G, 5G nhờ ưu điểm về đặc tính truyền sóng. Trong thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã tiếp tục cấp phép các băng tần này cho hệ thống thông tin di động IMT. Dưới đây là thông tin về các quốc gia/vùng lãnh thổ đã thực hiện việc cấp phép các băng tần 900 MHz, 1800 MHz, 2100 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT thông qua hình thức đấu giá:
3.1. Băng tần 900 MHz
3.2. Băng tần 1800 MHz
3.3. Băng tần 2100 MHz