Băng tần (694/698 – 806) MHz
Đây là băng tần hiện được nhiều quốc gia sử dụng cho truyền hình tương tự mặt đất và dự kiến sẽ được sử dụng cho IMT sau khi hoàn thành lộ trình số hóa truyền hình tương tự mặt đất. Hiện tại, Hoa Kỳ đã triển khai cung cấp dịch vụ 4G trên băng tần này. Tại WRC-07 có 09 quốc gia thuộc khu vực 3 của Liên minh Viễn thông quốc tế - ITU (Việt Nam thuộc khu vực này) quy hoạch sử dụng băng tần (698 - 790)MHz cho IMT. Tại WRC-15, Việt Nam cùng với một số quốc gia khác thuộc khu vực 3 đã có đề xuất tham gia vào danh sách các nước ủng hộ phân bổ băng tần (698 - 790)MHz cho IMT, nâng số lượng sử dụng băng tần này cho IMT là 26 nước; cùng với đó, các quốc gia thuộc khu vực 1 (các nước châu Âu) cũng đã đạt được đồng thuận phân bổ băng tần (694 - 790)MHz cho IMT. Như vậy, băng tần (790 - 806)MHz được quy hoạch sử dụng cho IMT tại cả ba khu vực. Sự đồng thuận cao về sử dụng băng tần (694/698 - 806)MHz cho IMT được coi là thành công lớn của WRC-15, bước đầu tiến tới sự hài hòa quy hoạch băng tần này trong khu vực và quốc tế.
Băng tần (1.427 - 1.518)MHz
Băng tần này trước đây được sử dụng cho hệ thống vi ba mặt đất. Tuy nhiên, đây là băng tần thấp và phù hợp cho triển khai cung cấp dịch vụ thông tin di động, nên đã được ITU nghiên cứu để sử dụng cho IMT. Sau nhiều năm nghiên cứu, tại WRC-15 các nước thành viên ITU đã nhất trí quy hoạch băng tần (1.427-1.518)MHz cho IMT trên toàn cầu.
Băng tần (3.300 - 3.400)MHz
Trước đây, Việt Nam đã cho phép thử nghiệm triển khai dịch vụ WiMax trên băng tần này, nhưng do nhiều lý do khác nhau, dịch vụ này đã không thành công tại Việt Nam cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Mặc dù vậy, với nhu cầu phổ tần cho thông tin di động băng rộng ngày càng tăng, một lần nữa băng tần này được nghiên cứu quy hoạch sử dụng cho dịch vụ thông tin di động. Tại WRC-15, Việt Nam cũng đã quyết định tham gia danh sách các nước quy hoạch sử dụng băng tần (3.300 – 3.400)MHz cho IMT.
Băng tần (4.800 - 4.990)MHz
Ở Việt Nam, băng tần (4.800 - 4.990)MHz hiện đang sử dụng cho một số ít tuyến viba cố định. Nhiều quốc gia đã quy hoạch sử dụng băng tần này cho hệ thống thông tin băng rộng phục vụ mục đích an ninh công cộng. WRC-15 đã đạt được thống nhất quy hoạch băng tần này cho IMT. Tuy nhiên, vào những phút cuối cùng của Hội nghị, các quốc gia Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã không tham gia danh sách các nước sử dụng băng tần này cho IMT.
Ngoài ra, băng tần (614 - 698)MHz cũng đã được WRC-15 thảo luận, nhưng chỉ thông qua xem xét quy hoạch băng tần này cho IMT toàn cầu vào kỳ họp WRC-23 (năm 2023). Hiện tại, một số quốc gia thuộc khu vực 2 đã đề xuất phân bổ băng tần (614 - 698)MHz cho IMT, trong đó Hoa Kỳ là quốc gia khởi xướng. Tại WRC-15 chỉ có 07 quốc gia là Bahamas, Barbados, Belize, Canada, Colombia, Hoa Kỳ và Mexico quy hoạch sử dụng băng tần này cho IMT. Đây là điều mà cơ quan quản lý tần số các nước cần lưu ý trong kế hoạch sử dụng băng tần này cho tương lai xa.
Tại Việt Nam, băng tần (470 - 694)MHz đang được sử dụng để triển khai hệ thống truyền hình số mặt đất trong thời gian lâu dài. Nhiều quốc gia thuộc khu vực 3 cũng có cùng định hướng sử dụng băng tần này cho mục đích tương tự.
Hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam được quy hoạch sử dụng các băng tần 450MHz, 850MHz, 900MHz, 1.800MHz, 2.100MHz, 2.300MHz và 2.600MHz, với tổng lượng phổ tần vào khoảng 687 MHz. Theo các nghiên cứu dự báo nhu cầu phổ tần cho IMT tại Việt Nam, đến năm 2020 Việt Nam cần có từ 1.060 MHz đến 1.360 MHz phổ tần để sử dụng cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng. Do đó, cần nghiên cứu quy hoạch bổ sung khoảng 373 MHz đến 673 MHz.
Ngày 20/10/2015, Việt Nam đã gửi lên WRC-15 báo cáo đề xuất ủng hộ các băng tần có thể xem xét bổ sung cho IMT gồm các băng tần: (694 - 790)MHz, (1.427 - 1.518)MHz, (4.400 - 4.500)MHz và (4.800 - 4.990)MHz.
|
|
Tài liệu tham khảo
International Telecommunication Union Provisional final acts, World radiocommunication conference 2015.