Công nghệ thông tin, viễn thông đã và đang phát triển mạnh mẽ, dường như internet, sóng di động có ở khắp mọi nơi. Nhưng thực tế không phải vậy, hàng tỷ người trên trái đất vẫn chưa có điều kiện sử dụng hoặc tiếp cận internet, đặc biệt internet băng rộng. Theo số liệu của Liên minh Viễn thông quốc tế, cho tới cuối năm 2018, mới chỉ có 51.2% tương đương 3.9 tỷ người có cơ hội sử dụng internet.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, với khát vọng và hoài bão lớn mở ra một kỷ nguyên mới đối với dịch vụ vệ tinh internet băng rộng, ngày 23/5/2019,đầu tàu SpaceX đã phóng thành công 60 vệ tinh tầm thấp đầu tiên lên quỹ đạo. Vụ phóng này cũng đạt kỷ lục về trọng tải được phóng lên quỹ đạo với khối lượng tải trong bao gồm cả 60 vệ tinh là 18.5 tấn. Các vệ tinh này hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp cách trái đất 550km.
Dự án chùm vệ tinh của SpaceX
Năm 2015, Elon Musk bắt đầu triển khai thử nghiệm hệ thống “băng thông rộng toàn cầu” và vào tháng 9 năm 2017 đã nộp hồ sơ cho cơ quan quản lý viễn thông của Mỹ (FCC) để đăng ký mạng vệ tinh băng thông rộng gọi là Starlink; mục tiêu nhằm xây dựng một mạng vệ tinh giá rẻ băng thông rộng có khả năng cung cấp truy cập internet toàn cầu.
Với Starlink, SpaceX dự định phóng “chùm” các vệ tinh trong quỹ đạo đất thấp LEO, cung cấp internet tốc độ cao tới mọi “ngóc ngách” của hành tinh. Dự án dự kiến khoảng 10 tỷ USD, hoạt động đầy đủ hệ thống vào năm 2024. Ban đầu, SpaceX phóng 4.425 vệ tinh để đạt được phạm vi phủ sóng mong muốn.
Ngày 22/02/2018, SpaceX đã phóng thành công hai vệ tinh thử nghiệm Starlink đầu tiên (Tintin A và Tintin B). Các vệ tinh này được thiết kế chủ yếu để kiểm tra, đánh giá hệ thống Starlink có khả thi hay không.
Tháng 3/2018, FCC đã phê chuẩn yêu cầu chính thức cho dự án cung cấp dịch vụ băng thông rộng, SpaceX được cung cấp dịch vụ ở Mỹ. Trong giai đoạn đầu chỉ có khoảng 800 vệ tinh dự kiến được phóng.
Ngày 23/5/2019 vừa qua, SpaceX đã phóng thành công 60 vệ tinh trong chuỗi 800 vệ tinh đầu tiên để hình thành dịch vụ cung cấp vệ tinh internet băng thông rộngphủ khắp nước Mỹ.
Có thông tin cho hay, SpaceX triển khai 03 gói cước để người tiêu dùng lựa chọn, bao gồm: StandardX, PremiumX và ProfessionalX; với mức giá thuê bao hàng tháng “siêu rẻ” là 9,99 USD, 19,99 USD và 29,99 USD.
Dự án chùm vệ tinh của Facebook
Facebook đang phát triển vệ tinh có tên “Athena” để cung cấp dịch vụ internet cho các khu vực kém phát triển. Athena dự kiến sẽ được phóng thử nghiệm vào đầu năm tới. Nếu thử nghiệm thành công, Facebook sẽ triển khai một mạng lưới vệ tinh như mô hình của Starlink.
Trước dự án này, Facebook đã phải tuyên bố từ bỏ dự án cung cấp innternet băng rộng bằng máy báy không người lái (internet drone: Aquila aircraft) sau 04 năm thử nghiệm không được thành công như trông đợi.
Dự án chùm vệ tinh của OneWeb
OneWeb liên doanh với Airbus để xây dựng hệ thống chùm vệ tinh gồm 900 vệ tinh.
SpaceX và OneWeb là những đối thủ trực diện. OneWeb và SpaceX có cùng mục tiêu nhưng các tổ chức của cả hai không giống nhau. SpaceX tự tích hợp, xây dựng tên lửa, vệ tinh và các trạm mặt đất; trong khi OneWeb có các đối tác thực hiện dự án như: Qualcomm thiết kế và cung cấp chip truyền thông, Airbus sản xuất các vệ tinh.
OneWeb có mối quan hệ cộng sinh với Softbank, nhà đầu tư lớn nhất của họ. Quỹ Vision của SoftBank đã đầu tư 1 tỷ USD vào OneWeb. OneWeb đóng một vai trò chiến lược trong tầm nhìn của SoftBank về tương lai.
OneWeb dự kiến giá mỗi vệ tinh dưới 01 triệu USD và có thể sản xuất mỗi ngày 03 vệ tinh. Các vệ tinh đầu tiên có dung lượng 595 Mbps, sau đó sẽ tăng lên trên 01 Gbps,…
Năm 2017, OneWeb nộp hồ sơ đăng ký với FCC phóng 720 vệ tinh tầm cao quỹ đạo là 1.200 km và 1.280 vệ tinh ở độ cao 8.500 km.
OneWeb lên kế hoạch phóng 10 vệ tinh đầu tiên của họ vào tháng 3 năm 2018, dự kiến bắt đầu cung cấp dịch vụ ở bang Alaska vào năm 2019 và sẽ bao phủ tất cả Alaska vào cuối năm 2020. Đến năm 2025, họ dự kiến có 01 tỷ thuê bao, phủ toàn cầu vào năm 2027. Tuy nhiên, kế hoạch phóng vệ tinh bị hoãn tới cuối năm 2018, đầu năm 2019.
Dự án chùm vệ tinh của O3B
Công ty vệ tinh hàng đầu thế giới SES hiện nay sở hữu O3B. Ngày 08/6/2018, FCC đã cho phép SES được cung cấp dịch vụ với việc bổ sung thêm 26 vệ tinh tầm trung MEO, nâng tổng số vệ tinh MEO lên 42 vệ tinh (16 vệ tinh đang hoạt động) có thể cung cấp dịch vụ toàn cầu. 04 vệ tinh mới sẽ được phóng vào năm sau, quỹ đạo 8.000 km.
Dự án chùm vệ tinh Telesat
Telesat được Mỹ cấp phép phóng 117 vệ tinh LEO, trong đó sẽ phóng ½ số vệ tinh này trong 06 năm đầu và toàn bộ vệ tinh trong 09 năm.
Tuy nhiên, công ty này có dự định phóng nhiều hơn với 512 vệ tinh LEO để cung cấp dịch vụ và đã ký hợp đồng sản xuất vệ tinh với Airbus Defence and Space và Axar Technologies/Thales Alenia Space ở băng tần Ka.
Kết luận
Hiện tại, chỉ có khoảng 1.459 vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo quanh trái đất, cùng với 2.600 không còn hoạt động. Tuy nhiên, con số vệ tinh dự kiến sắp phóng lớn gấp bội. Tổng số chùm vệ tinh dự kiến phóng cho dự án cung ấp internet toàn cầu khoảng trong vài năm tới là 18.470 vệ tinh, hoạt động ở băng tần C, Ku, Ka và V (Ka ở đây chỉ băng tần 26 - 40GHz). Khoảng 18 công ty/tập đoàn lớn phát triển mô hình này, trong đó có các tên tuổi lớn như: SpaceX, Airbus và OneWeb, Samsung,… Điều này cho thấy đang có sự chạy đua mạnh mẽ giữa các tập đoàn lớn về công nghệ trong cung cấp dịch vụ internet băng rộng tới mọi nơi trên thế giới.
Việc nhìn thấy tiềm năng trong khu vực này, với sự đầu tư mạnh mẽ của các tập đoàn lớn, chỉ trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có hàng chục nghìn vệ tinh được phóng lên quỹ đạo, dịch vụ internet băng rộng sẽ được cung cấp ở khắp mọi nơi, mọi ngõ ngách từ thành thị, nông thôn, hải đảo, đồi núi, vùng sâu, vùng xa đến vùng sa mạc mênh mông cát với chi phí rất rẻ. Thế giới sẽ sớm chứng kiến cuộc đua tranh khốc liệt hơn bao giờ hết giữa vệ tinh và di động. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức làm đảo lộn trật tự “thế giới viễn thông”.