Mạng 6G sẽ cho tốc độ lên tới 1 Tbps

04/02/2020

(rfd.gov.vn)- Trong khi thế giới chỉ mới bắt đầu khám phá mạng 5G thì Trung Quốc đã bắt đầu hướng tới việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G. Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc gần đây đã đưa ra một kế hoạch chuẩn bị cho sự phát triển mạng di động trong tương lai (6G). Các nền tảng đã được đưa ra và theo ý kiến​​của một số chuyên gia, tốc độ 6G có thể đạt tới 1 terabyte mỗi giây.

Trung Quốc đã thành lập hai nhóm làm việc để giám sát việc nghiên cứu công nghệ 6G. Trong hai nhóm này, nhóm thứ nhất bao gồm các thành viên đến từ các bộ ngành liên quan. Những thành viên này chịu trách nhiệm hỗ trợ cho nhóm thứ hai, hoàn toàn là các chuyên gia kỹ thuật. Trong khi đó nhóm thứ hai này bao gồm 37 chuyên gia từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các công ty công nghệ.

 

Nếu như chúng ta cảm thấy, việc nghiên cứu 6G của Trung Quốc có vẻ quá sớm trong khi 5G vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, thì hãy nhớ rằng chúng ta phải mất khoảng 10 năm để phát triển một mạng di động thế hệ mới. Và như vậy, nếu theo đúng kế hoạch, mạng 6G sẽ triển khai đầu tiên vào năm 2030 thì chương trình nghiên cứu và phát triển 6G của Trung Quốc hiện nay có vẻ khá logic.

Theo Tiến sĩ Mahyar Shirvanimoghaddam của Đại học Sydney thì về lý thuyết, mạng 6G có thể cung cấp tốc độ lên tới 1 terabyte mỗi giây hoặc 8.000 gigabits mỗi giây. Những luồng dữ liệu tốc độ cao này sẽ mở ra cơ hội cho các ứng dụng hoàn toàn mới và cách mạng hóa các mối quan hệ của con người với công nghệ. Ví dụ, kỷ nguyên 6G có thể đưa ra những quan điểm mới về giao diện máy tính - não. Tiến sĩ Mahyar Shirvanimoghaddam cho biết thêm rằng, trong kỷ nguyên 6G, con người có thể sử dụng các thiết bị, thông qua bộ não của chúng ta.

Đối với việc sử dụng Internet hàng ngày, để dễ hình dung về tốc độ của mạng 6G trong tương lai, chúng ta hãy xem hiện tại việc phát Netflix ở độ phân giải cao nhất đòi hỏi 56 gigabits dữ liệu mỗi giờ. Với 6G, bạn sẽ có thể tải xuống hơn 142 giờ video chất lượng cao mỗi giây.

 

Bên cạnh Trung Quốc thì các quốc gia khác như Nhật Bản cũng đã kế hoạch hợp tác giữa chính phủ với các doanh nghiệp để xây dựng một chiến lược toàn diện cho công nghệ 6G, với mục tiêu phát triển công nghệ 6G có tốc độ nhanh hơn ít nhất là 10 lần so với công nghệ 5G vào năm 2030. Theo kế hoạch, trong tháng 1 năm nay Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản sẽ thành lập một tổ chức nghiên cứu giữa chính phủ và các doanh nghiệp. Các đại diện đến từ các doanh nghiệp như NTT Docomo và Toshiba sẽ tóm tắt các chiến lược toàn diện bao gồm mục tiêu hiệu suất 6G và chính sách hỗ trợ vào tháng 6/2020. Nhật Bản cam kết sẽ thúc đẩy sự phát triển của công nghệ 6G bằng ngân sách chính phủ.
 

Sử dụng công nghệ truyền thông tốc độ cao thế hệ tiếp theo (6G) sẽ có nhiều điều không thể tưởng tượng được xảy ra. Tốc độ 6G phải nhanh hơn ít nhất 10 lần so với 5G. Đây là kế hoạch của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản. Nghiên cứu sẽ tập trung vào tốc độ mạng để có thể truyền tải một lượng lớn dữ liệu ngay lập tức. Công nghệ này phù hợp để truyền một lượng lớn dữ liệu. Các băng tần số vô tuyến ở tần số cao chưa được sử dụng hiện tại cũng sẽ được nghiên cứu và sử dụng để liên lạc trong mạng 6G.

 

Ngoài ra, Hàn Quốc và Phần Lan cũng đã bắt đầu nghiên cứu, phát triển và đầu tư vào công nghệ 6G. Tại Phần Lan, các trường Đại học Phần Lan và các tổ chức liên kết với chính phủ cũng đã khởi động các dự  án nghiên cứu và phát triển 6G. Còn tại Hàn Quốc, Samsung Electronics và LG Electronics cũng đã từng thành lập các trung tâm nghiên cứu 6G vào năm 2019.

 

Nếu các quốc gia, doanh nghiệp nào có bằng sáng chế liên quan đến các tiêu chuẩn truyền thông thì quốc gia, doanh nghiệp đó có thể kiếm được lợi nhuận khổng lồ thông qua việc bán thiết bị và phần mềm.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như kỳ vọng, các nhà nghiên cứu vẫn phải loại bỏ những trở ngại đáng kể để đạt được mục tiêu này. Đối với các chuyên gia, tốc độ 6G này sẽ đòi hỏi những cải tiến đáng kể về khoa học vật liệu, kiến trúc máy tính, thiết kế chip và sử dụng năng lượng…

“Chúng ta phải nghĩ về những giải pháp bền vững để đáp ứng nhu cầu cho tất cả các thiết bị này mà không có nguy cơ gây ảnh hưởng đến Trái đất”, Tiến sĩ Mahyar Shirvanimoghaddam nói.

Phan Văn Hòa (dịch theo gizchina.com)