ATIS kêu gọi chính phủ Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G

27/05/2020

(rfd.gov.vn)- Mới đây, Liên minh các giải pháp công nghiệp viễn thông (ATIS: The Alliance for Telecommunications Industry Solutions) đã kêu gọi chính phủ Mỹ đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G và cho rằng một khởi đầu sớm trong nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G sẽ rất quan trọng để đảm bảo vị thế hàng đầu của Mỹ trên phạm vi toàn cầu.

ATIS lưu ý rằng, hiện nay là thời điểm thích hợp để bắt đầu đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G khi mà các khoản đầu tư vào các mạng 5G cũng như đầu tư vào các thiết bị và ứng dụng hiện nay đã mở ra cơ hội phát triển trong tương lai cho mạng 6G. Tổ chức này nhấn mạnh rằng, các bước hợp tác cũng như các cam kết liên quan giữa chính phủ và ngành công nghiệp là chìa khóa để đảm bảo cho Mỹ duy trì vị thế công nghệ cạnh tranh trong mạng 5G ngày nay và mạng 6G trong tương lai.

Ông Susan Miller, Chủ tịch đồng thời là Giám đốc điều hành của ATIS cho biết: “Covid-19 đã mang đến những thách thức chưa từng có cho nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng và nó cũng đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của mạng lưới truyền thông trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, tạo nên sự liên kết giữa mọi người với nhau. Trong khi sự đổi mới sáng tạo có thể được kích hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường hiện tại, lãnh đạo công nghệ ở cấp quốc gia đòi hỏi phải có cam kết và thúc đẩy sớm kế hoạch nghiên cứu và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của Mỹ cũng như cần có tầm nhìn chung và đặt ra các mục tiêu”.

Lời kêu gọi hành động của ATIS nhằm thúc đẩy cách tiếp cận toàn diện, bắt đầu bằng việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của Mỹ, cam kết tiêu chuẩn hóa và thương mại hóa toàn diện.

Tổ chức này cho biết, kết quả của sáng kiến​​ này sẽ là sự ra đời của các dịch vụ và công nghệ 6G giúp Mỹ trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu trong thập kỷ tới và xa hơn nữa.

Bên cạnh đó, ATIS cũng đề nghị chính phủ Mỹ nên hợp tác với các chuyên gia trong ngành công nghiệp và các viện nghiên cứu tập trung nghiên cứu vào các lĩnh vực chính bao gồm các mạng và dịch vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI); các hệ thống vô tuyến và ăng-ten tiên tiến; các dịch vụ mạng đa truy cập; chăm sóc sức khỏe và nông nghiệp.

ATIS kêu gọi các quan chức Hoa Kỳ cung cấp tài trợ và  ưu đãi thuế cho việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới liên quan và cần có chính sách phổ tần quốc gia phù hợp.

Trong khi đó, Mike Nawrocki, Phó Chủ tịch phụ trách Công nghệ và Giải pháp của ATIS cho rằng: “Trong khi thực tế cho thấy sự khác biệt về các khu vực địa lý, dân số, nền kinh tế và sự giám sát của chính phủ sẽ luôn ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường toàn cầu, thì chính sự đề xuất ý tưởng cùng với sự cam kết của các lĩnh vực công cộng, tư nhân và viện nghiên cứu sẽ mang lại sức mạnh và lợi ích cho sự lãnh đạo công nghệ của Mỹ. Nghành công nghiệp và chính phủ đã bắt đầu hợp tác để tạo ra tương lai 6G, nhưng công việc này phải được thúc đẩy ngay bây giờ để đưa Mỹ trở thành nước dẫn đầu về viễn thông, nông nghiệp thông minh, học từ xa, thương mại số hóa và trí tuệ nhân tạo”.

Các quốc gia khác cũng đã khởi động những nỗ lực ban đầu trong cuộc đua đến các công nghệ 6G trong tương lai. Vào tháng 11 năm 2019, Trung Quốc cũng chính thức bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G.

Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc thì các cơ quan của chính phủ và các viện nghiên cứu đã có những cuộc họp ban đầu với mục đích thành lập một nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết sẽ thành lập hai nhóm làm việc để thực hiện các hoạt động nghiên cứu 6G. Ngoài ra, các nhà cung cấp Trung Quốc Huawei và ZTE cũng đã bắt đầu nghiên cứu về các công nghệ 6G trong tương lai.

Mới đây, nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE và nhà mạng China Unicom của Trung Quốc đã có thỏa thuận hợp tác về các tiêu chuẩn và đổi mới công nghệ 6G đồng thời tích cực thúc đẩy tích hợp sâu 6G với các mạng vệ tinh, internet vạn vật (IoT), internet trên phương tiện và IoT trong công nghiệp.

Cũng trong tháng 11/2019, Đại học Oulu của Phần Lan cũng đã công bố sách trắng về 6G đầu tiên trên thế giới, phác thảo các xu hướng chính, các yêu cầu nghiên cứu và các thách thức đối với công nghệ mới này.

Sách trắng 6G đã phác thảo một lộ trình dự kiến​​hướng tới “trí thông minh vô tuyến rộng khắp” cho năm 2030. Cách thức thu thập, xử lý, truyền tải và tiêu thụ dữ liệu trong mạng vô tuyến sẽ thúc đẩy sự phát triển của 6G.

Đầu năm nay, chính phủ Nhật Bản đã công bố kế hoạch đưa ra một chiến lược toàn diện liên quan đến các mạng truyền thông vô tuyến trong tương lai của nhóm 6G, và họ đã thành lập một Ban hội thảo để bắt đầu thảo luận về chủ đề này.

Hội thảo 6G của Nhật Bản sẽ thảo luận và phân tích việc phát triển công nghệ, tiềm năng sử dụng công nghệ tương lai này, cũng như các phương pháp và chính sách phát triển. Hội thảo sẽ bao gồm các đại diện đến từ khu vực tư nhân cũng như các nhà nghiên cứu tại các trường đại học và sẽ nghe ý kiến​​từ nhiều ngành công nghiệp khác nhau để nghiên cứu các thách thức tiềm năng.

Liên quan đến nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G, tháng 11/2019, nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp chuyển đổi kỹ thuật số, tư vấn và tái cấu trúc doanh nghiệp Tech Mahindra của Ấn Độ cũng đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với Business Finland, một cơ quan do chính phủ Phần Lan chỉ đạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G và 6G để thành lập phòng thí nghiệm tại Phần Lan nhằm phát triển, thử nghiệm và triển khai các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số hiện đại để thúc đẩy tăng trưởng, năng suất và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ 5G và 6G.

Phan Văn Hòa (tổng hợp theo rcrwireless.com và mobileworldlive.com)