Trung Quốc phóng vào vũ trụ vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới

21/11/2020

(rfd.gov.vn)- Theo thông tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, nước này đã phóng vào vũ trụ vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới. Vệ tinh này được sử dụng để thử nghiệm công nghệ liên lạc ở tần số terahertz (THz) trong không gian, một bước đột phá trong thông tin liên lạc qua không gian.

Công nghệ này dự kiến sẽ cung cấp tốc độ nhanh hơn 100 lần so với công nghệ 5G và cho phép truyền dẫn không bị suy hao trong không gian. Với việc phóng vào vũ trụ vệ tinh thử nghiệm 6G đầu tiên trên thế giới, Trung Quốc đã tạo ra bước đột phá trong lĩnh vực liên lạc qua vệ tinh.

Các phương tiện truyền thông cho biết, vệ tinh 6G nằm trong số 3 vệ tinh do Trung Quốc phát triển được phóng thành công lên quỹ đạo, cùng với 10 vệ tinh viễn thám thương mại do công ty Satellogic của Argentina phát triển. Các vệ tinh này đã được đưa vào không gian bằng tên lửa phòng không Trường Chinh 6 được phóng đi từ Trung tâm phóng vệ tinh của Trung Quốc, đặt tại thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.

Vệ tinh thử nghiệm 6G sẽ được sử dụng để kiểm chứng hiệu suất của công nghệ 6G trong không gian, vì băng tần dự kiến sử dụng cho công nghệ 6G sẽ mở rộng từ tần số sóng mmWave đến tần số THz.

Ông Xu Yangsheng - Viện sĩ tại Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho rằng, vệ tinh thử nghiệm 6G là thử nghiệm kỹ thuật đầu tiên về ứng dụng liên lạc ở tần số THz trong không gian.

Trong khi đó, ông Lu Chuan - người đứng đầu Viện Công nghệ Công nghiệp Vệ tinh của Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử của Trung Quốc (UESTC) thì nhận định rằng, công nghệ này sẽ cho phép tần số THz được sử dụng rộng rãi trong internet qua vệ tinh.

Ông Lu Chuan cũng cho biết thêm, ngoài nhiệm vụ thử nghiệm công nghệ 6G qua vệ tinh thì vệ tinh này cũng mang theo một hệ thống viễn thám quang học nhằm sử dụng cho mục đích quan sát trái đất từ xa như theo dõi thiên tai, phòng chống cháy rừng, kiểm tra tài nguyên lâm nghiệp và giám sát khả năng trữ nước và lũ lụt cũng như cung cấp nhiều hình ảnh và dữ liệu vệ tinh.

Theo Sách trắng do Đại học Oulu của Phần Lan công bố thì công nghệ 6G vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và phải vượt qua một số rào cản kỹ thuật trong nghiên cứu cơ bản, thiết kế phần cứng và đánh giá tác động môi trường của nó trước khi công nghệ này được thương mại hóa.

Hơn nữa, một số nhà khoa học lo ngại rằng, cơ sở hạ tầng mới sử dụng cho công nghệ 6G, sự tích hợp ngày càng tăng của các công nghệ liên lạc qua không gian và việc sử dụng băng tần số mới để truyền dữ liệu có thể ảnh hưởng đến các thiết bị thiên văn, sức khoẻ cộng đồng, hoặc quá đắt, hoặc không an toàn cho các nhà nghiên cứu trong quá trình thử nghiệm.

Duy Kiên

(Theo https://asiatimes.com)