ITU: Gần 85% dân số toàn cầu được phủ sóng 4G vào cuối năm 2020

07/12/2020

(rfd.gov.vn)- Theo báo cáo “Đo lường sự phát triển Kỹ thuật số: Sự kiện và số liệu” được công bố hàng năm của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) cho thấy, gần 85% dân số toàn cầu sẽ được phủ sóng mạng 4G vào cuối năm 2020, tăng gấp hai lần so với 5 năm trước.

Tỷ lệ dân số toàn cầu và các khu vực trên thế giới được phủ sóng các loại mạng di động vào năm 2020 (Nguồn: ITU)

Xét theo khu vực, Châu Âu có số dân được phủ sóng mạng 4G cao nhất, lên tới 97,2%; tiếp theo là Châu Á – Thái Bình Dương với 94,2%; Châu Mỹ - Latinh với 88,7%; Cộng đồng các quốc gia độc lập -CIS (là các quốc gia thuộc Liên Xô cũ) với 80,8% và các quốc gia Ả- Rập với 61,9%; trong khi đó Châu Phi có số dân được phủ sóng 4G thấp nhất trên thế giới và chỉ đạt 44,3%.

Mặc dù, phạm vi vùng phủ sóng vẫn tiếp tục tăng lên nhưng tốc độ tăng trưởng hàng năm đã chậm lại kể từ năm 2017, trong đó mức độ phủ sóng năm 2020 chỉ cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2019.

Dự báo đến cuối năm 2020, 93% dân số thế giới sẽ có thể tiếp cận mạng băng rộng di động, chỉ cao hơn nửa điểm phần trăm so với một năm trước. 

Báo cáo cũng cho thấy, khoảng 72% số hộ gia đình ở khu vực thành thị trên toàn cầu có khả năng tiếp cận internet tại nhà vào năm 2019, trong khi đó con số này ở khu vực nông thôn chỉ khoảng 38%. 

Đối với các nước đang phát triển, tỷ lệ hộ gia đình truy cập internet ở khu vực thành thị cao gấp 2,3 lần so với ở khu vực nông thôn (tương ứng với tỷ lệ 65% và 28%).

Đối với các nước phát triển, khoảng cách giữa tỷ lệ truy cập internet ở khu vực thành thị và nông thôn nhỏ hơn nhiều, với 87% số hộ gia đình ở thành thị và 81% số hộ gia đình ở nông thôn có khả năng truy cập internet tại nhà trong năm 2019.

Tỷ lệ hộ gia đình trên toàn cầu và các khu vực truy cập internet tại nhà vào năm 2019 (Nguồn: ITU)

Trong khi đó, khoảng cách kết nối ở các khu vực nông thôn thể hiện rõ rệt nhất ở các nước kém phát triển, với 17% dân số ở khu vực nông thôn hoàn toàn không được phủ sóng di động và 19% dân số chỉ được phủ sóng bởi mạng di động 2G. 

Nhìn vào phạm vi phủ sóng của internet, ở hầu hết các khu vực, hơn 90% dân số được sử dụng mạng băng rộng di động chất lượng cao từ 3G trở lên, ITU cho biết trong báo cáo của mình.

Cũng theo báo cáo của ITU thì khu vực Châu Phi và Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ là những khu vực phải đối mặt với khoảng cách lớn nhất về tiếp cận mạng băng rộng di động vào năm 2019, tương ứng với 23% và 11% dân số của họ không được tiếp cận mạng băng rộng di động. Cùng với sự chậm lại của việc mở rộng vùng phủ sóng internet, năm 2020 cũng chứng kiến ​​tổng số thuê bao điện thoại di động giảm lần đầu tiên trong lịch sử. 

Trong năm 2020, ước tính có 105 thuê bao di động /100 người dân, giảm so với 108 thuê bao/100 người dân vào năm 2019. Báo cáo cho biết rằng sẽ cần phải nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem liệu sự sụt giảm này là do đại dịch Covid-19 hay do các tác động kinh tế-xã hội khác.

Sự suy giảm này được thúc đẩy bởi các nước đang phát triển, nơi số lượng thuê bao đã giảm từ 103 thuê bao/100 người dân trong năm 2019 xuống 99 thuê bao/100 người dân vào giữa năm 2020. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, xu hướng này vẫn tăng lên.

Để đối phó với sự chậm lại của việc mở rộng vùng phủ sóng và sụt giảm thuê bao di động trong năm 2020, ông Houlin Zhao – Tổng Thư ký của ITU cho rằng, việc triển khai cơ sở hạ tầng cần trở thành vấn đề cấp bách đối với các quốc gia trên toàn cầu, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch Covid-19 đang bùng phát buộc nhiều người phải làm việc và học tập tại nhà. 

Cũng liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Phát triển Viễn thông của ITU - Bà Dorren Bogan-Martin cho biết thêm: “Với việc đại dịch Covid-19 đang tàn phá cuộc sống, xã hội và nền kinh tế trên toàn thế giới, nhiều hoạt động hàng ngày của chúng ta đã phải chuyển sang trực tuyến, điều này làm rõ khả năng kết nối toàn cầu”.

Bất chấp sự sụt giảm thuê bao di động toàn cầu, việc sử dụng băng thông quốc tế vẫn tiếp tục tăng trong thời kỳ đại dịch. Theo báo cáo, việc sử dụng băng thông quốc tế năm 2020 tăng 38% trên toàn cầu, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2019 6 điểm phần trăm.

Việc sử dụng băng thông quốc tế cao nhất diễn ra ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương, với hơn 300 Terabit/giây; tiếp theo là Châu Âu với hơn 150 Terabit/giây và Châu Mỹ hơn 140 Terabit/giây. Báo cáo cũng cho thấy, tăng trưởng sử dụng băng thông quốc tế ở các nước đang phát triển vượt xa tốc độ tăng trưởng ở các nước phát triển.

Phan Văn Hòa

(Tổng hợp theo zdnet.com)