Các quan chức của Liên minh Châu Âu đã phê chuẩn nghiên cứu chùm vệ tinh quỹ đạo thấp tương tự như chùm vệ tinh Starlink. Chùm vệ tinh này sẽ cung cấp thông tin liên lạc vệ tinh an toàn cho các Chính phủ Châu Âu và cung cấp dịch vụ internet cho các cộng đồng biệt lập.
Phát triển công nghệ chùm vệ tinh sẽ giúp Châu Âu bớt phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc và Hoa Kỳ trong cuộc chạy đua về không gian ở quỹ đạo tầm thấp. OneWeb có trụ sở tại Anh là đối thủ lớn nhất của Starlink (do tỷ phú Elon Musk sở hữu) nhưng hiện nay đang vượt ra khỏi tầm với của EU sau Brexit.
Ủy ban Châu Âu cho biết sẽ bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ cho hệ thống chùm vệ tinh này vào đầu năm 2021 và dự kiến sẽ ký kết hợp đồng sản xuất chùm vệ tinh vào cuối năm.
Chủ sở hữu của OneWeb, tỷ phú Ấn Độ Sunil Mittal và Chính phủ Anh, dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ băng thông rộng toàn cầu trong vòng 18 tháng. SpaceX của Musk đã phóng hàng trăm vệ tinh Starlink và đang thử nghiệm dịch vụ với các khách hàng tiềm năng. Trung Quốc cũng đã phóng các vệ tinh liên lạc sử dụng công nghệ dựa trên các quy luật vật lý lượng tử. Trung Quốc đang chạy đua để bắt kịp Mỹ và Anh khi họ có kế hoạch phát triển ba chùm vệ tinh quỹ đạo tầm thấp: Chùm vệ tinh Hongyun có 864 vệ tinh, chùm vệ tinh Hongyan với 320 vệ tinh và chùm vệ tinh Galaxy Space. Trung Quốc gần đây đã đưa chương trình không gian của mình trở thành ưu tiên hàng đầu khi đặt mục tiêu trở thành cường quốc vũ trụ vào năm 2030.
Điều đó khiến EU khó có thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là khi khối này đang cố gắng bảo vệ “chủ quyền công nghệ” dưới thời Chủ tịch Ursula Von Der Leyen - Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức. Việc xây dựng một chùm vệ tinh băng thông rộng sẽ mang lại khả năng tự chủ cho Châu Âu như cách mà hệ thống định vị Galileo của Châu Âu sánh ngang với GPS của Mỹ.
Dịch vụ vệ tinh băng rộng đã tồn tại và cung cấp dịch vụ từ lâu nhưng là các vệ tinh địa tĩnh có quỹ đạo cách trái đất gần 36.000km. Với khoảng cách quá xa, mất nhiều thời gian cho các kết nối nên khó cạnh tranh hiệu quả với hầu hết các dịch vụ mặt đất. Các chùm vệ tinh băng rộng quỹ đạo trái đất thấp có thể khắc phục được nhược điểm này.
Chùm vệ tinh mới ước tính khoảng 6 tỷ Euro do Liên minh Châu Âu (Quỹ phục hồi khu vực và các công ty) chi trả. Dự án đang được thúc đẩy bởi Ủy viên Công nghiệp EU - Thierry Breton (cựu Giám đốc điều hành Công nghệ và Bộ trưởng Tài chính của Pháp). Dự án này được phát triển dựa trên các chương trình hiện có của Châu Âu về thông tin vệ tinh cho các Chính phủ Châu Âu và công nghệ lượng tử. Trong một bài phát biểu vào tháng 9, ông Breton đã ám chỉ đến sự cần thiết của việc Châu Âu cần có một chùm vệ tinh băng rộng “để Châu Âu tiếp cận ở mức độ bảo mật, mã hóa lượng tử cho các kết nối thông tin trong không gian”.