Với việc đầu tư này, chính phủ Nhật Bản kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác công - tư trong việc R&D công nghệ 6G nhằm đảm bảo vị trí dẫn đầu trên toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông.
Theo kế hoạch, chính phủ Nhật Bản sẽ thành lập một quỹ trị giá 30 tỷ yên (khoảng 289 triệu USD) trong số tiền 50 tỷ yên để hỗ trợ quá trình R&D trong lĩnh vực 6G vào những năm tới. Việc R&D này sẽ được giao cho các công ty tư nhân và các Trường đại học thông qua Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông quốc gia. 20 tỷ yên còn lại (khoảng 193 triệu USD) được dùng để xây dựng một cơ sở nhằm giúp cho các công ty và các bên liên quan khác sử dụng để thử nghiệm các công nghệ mà họ đã nghiên cứu và phát triển.
Mục tiêu mà chính phủ Nhật Bản đề ra là sẽ phát triển các công nghệ mạng lõi cho hệ thống 6G vào năm 2025 và triển khai thương mại công nghệ này vào năm 2030.
Bên cạnh Nhật Bản thì nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã có các động thái đầu tư vào R&D công nghệ 6G.
Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc cho biết họ đặt mục tiêu khởi động một dự án thí điểm cho các dịch vụ di động 6G chưa được tiêu chuẩn hóa vào năm 2026. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến các dịch vụ 6G có thể được cung cấp thương mại ở Hàn Quốc trong giai đoạn từ năm 2028 đến năm 2030.
Chiến lược của chính phủ Hàn Quốc đối với 6G bao gồm ưu tiên phát triển các công nghệ thế hệ tiếp theo, xây dựng các tiêu chuẩn và nghiên cứu các bằng sáng chế để đặt nền móng cho việc R&D công nghệ này. Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ đầu tư tổng cộng 200 tỷ won (khoảng 182 triệu USD) trong giai đoạn 2021-2026 để phục vụ cho việc R&D công nghệ 6G.
Chính phủ Hàn Quốc đã chọn một số lĩnh vực chính cho dự án thí điểm, bao gồm: chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, ô tô tự lái, thành phố thông minh và nhà máy thông minh.
Trung Quốc cũng là một trong số các quốc gia đang thúc đẩy nghiên cứu công nghệ 6G. Theo báo cáo của truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, tháng 11 năm ngoái, chính phủ Trung Quốc cũng đã chính thức bắt đầu nghiên cứu công nghệ 6G. Theo đó, các cơ quan thuộc chính phủ và viện nghiên cứu đã có các cuộc họp ban đầu với mục đích thành lập các nhóm nghiên cứu và phát triển công nghệ 6G quốc gia.
Phần Lan cũng là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu nghiên cứu các công nghệ 6G trong tương lai.
Tháng trước, nhà cung cấp thiết bị viễn thông Nokia của Phần Lan thông báo rằng họ đang dẫn đầu dự án Hexa-X, sáng kiến 6G hàng đầu của Ủy ban Châu Âu về nghiên cứu nhằm thúc đẩy tầm nhìn tổng thể cho 6G chưa được tiêu chuẩn hóa.
Các mục tiêu của dự án bao gồm việc tạo ra các trường hợp và kịch bản sử dụng 6G độc đáo, phát triển các công nghệ 6G cơ bản và xác định kiến trúc mới cho một kết cấu thông minh tích hợp các yếu tố hỗ trợ công nghệ 6G.
Dự án Hexa-X đã được nhận tài trợ từ Ủy ban Châu Âu trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu và đổi mới Horizon 2020 của Liên minh Châu Âu. Ngoài Nokia, dự án này còn có sự tham gia của các công ty công nghệ và các nhà khai thác di động hàng đầu của Châu Âu như Ericsson, Atos, Intel, Orange, Siemens, TIM và Telefonica.
Hiện tại Nokia Bell Labs – bộ phận nghiên cứu của Nokia đang thực hiện các nghiên cứu liên quan đến công nghệ 6G. Nokia dự kiến mạng thông tin di động 6G sẽ ra mắt thương mại vào năm 2030 theo đúng chu kỳ phát triển 10 năm của mỗi thế hệ di động.