Thị trường băng rộng vệ tinh sẽ có 5,2 triệu người dùng và đạt doanh thu 4,1 tỷ USD vào năm 2026

29/04/2021

(rfd.gov.vn)- Theo dự báo mới đây được công bố bởi Công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu ABI Research cho biết, thị trường băng rộng vệ tinh sẽ có 5,2 triệu người dùng và đạt doanh thu 4,1 tỷ USD vào năm 2026.

Số liệu được trích dẫn từ Báo cáo có tựa đề “Chùm vệ tinh LEO và vấn đề truy cập băng rộng” của ABI Research cho rằng thị trường băng rộng vệ tinh sẽ đạt 3,5 triệu người dùng trong năm 2021. Tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 8% và sẽ đạt mốc 5,2 triệu người dùng vào năm 2026.

Hiện nay, nhu cầu về kết nối băng rộng trên cả mạng băng rộng cố định và di động đang tăng lên đáng kể. Mặc dù, đã có sự phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng chỉ một nửa số hộ gia đình trên toàn thế giới hiện có quyền truy cập vào các dịch vụ băng rộng cố định. Với việc triển khai các chùm vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (LEO: Low Earth Orbit) để cung cấp các dịch vụ băng rộng vệ tinh đến các vùng sâu vùng xa, sẽ giúp cải thiện đáng kể khả năng truy cập băng rộng trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề này, Khin Sandi Lynn - nhà phân tích tại ABI Research cho rằng: “Các vệ tinh LEO sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các dịch vụ băng rộng vệ tinh trong những năm tới. Các hệ thống vệ tinh LEO dung lượng lớn (HTS: High Throughput Satellite) có thể hỗ trợ tốc độ nhiều Gbps trên mỗi vệ tinh. Quỹ đạo hoạt động của các vệ tinh LEO cách Trái đất khoảng 500 - 2.000 km, nên mang lại lợi thế lớn là độ trễ thấp từ 30-50 mili giây nên rất thích hợp cho các dịch vụ băng rộng cần độ trễ thấp như chơi trò chơi trực tuyến và phát video trực tiếp”.

Trong thực tế, các vệ tinh địa tĩnh (GEO: Geosynchronous Earth Orbit) chủ yếu được sử dụng để cung cấp các dịch vụ băng rộng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa hoặc vùng nông thôn, nơi việc triển khai kết nối băng rộng cố định hoặc di động gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các vệ tinh GEO cung cấp các dịch vụ băng rộng với tốc độ lên tới 100 Mbps nhưng vì khoảng cách của chúng so với Trái đất rất xa, khoảng 36.000 km nên độ trễ lớn (khoảng 600 mili giây), với độ trễ này nó sẽ hạn chế việc sử dụng các ứng dụng cần độ trễ thấp.

Khi kết nối băng rộng đang trở thành một dịch vụ thiết yếu trong các hộ gia đình hiện nay thì các dịch vụ băng rộng vệ tinh vẫn đóng một vai trò quan trọng trong thị trường băng rộng, mặc dù trong quá trình phát triển không thể tránh khỏi sự cạnh tranh từ các mạng băng rộng mặt đất như mạng băng rộng cố định và mạng băng rộng di động. Việc phát triển mạng 4G LTE và 5G sẽ thách thức ngành công nghiệp băng rộng vệ tinh vì các mạng di động này sẽ cung cấp dịch vụ truy cập vô tuyến cố định (FWA: Fixed Wireless Access) cho người dùng. Tuy nhiên, chi phí và thời gian để triển khai mạng băng rộng mặt đất ở các vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Chính đều đó sẽ tạo điều kiện cho các hệ thống LEO phát triển và cung cấp các dịch vụ băng rộng tốc độ cao, độ trễ thấp cho các khu vực mà người dân chưa được tiếp cận được với dịch vụ này.

“Thách thức của dịch vụ băng rộng dựa trên hệ thống LEO hiện nay là chi phí của các thiết bị đầu cuối tương đối cao so với các nền tảng vệ tinh hoặc mặt đất hiện có. Các nhà khai thác vệ tinh LEO cần tìm cách giảm chi phí thiết bị đầu cuối. Cần đưa ra các gói dịch vụ với giá cước linh hoạt và phù hợp cho người dùng ở cả các thị trường phát triển và mới nổi. Mặc dù ban đầu có thể phải trợ cấp nhiều cho chi phí phần cứng, nhưng khả năng tăng tỷ lệ chấp nhận của người dùng sẽ giúp phát triển hệ sinh thái và cuối cùng là hạ giá thành phần cứng,” nhà phân tích Khin Sandi Lynn của ABI Research nhận định.

Hiện nay, nhiều công ty trên thế giới như SpaceX, OneWeb, Telesat, Amazon đã và đang đầu tư và triển khai các dự án chùm vệ tinh LEO nhằm cung cấp internet băng rộng vệ tinh trên phạm vi toàn cầu.

Trong đó, công ty khai thác vệ tinh SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã ra mắt dịch vụ internet băng rộng vệ tinh trong chương trình thử nghiệm beta vào tháng 10 năm 2020, hiện đã có hơn 10.000 khách hàng đăng ký sử dụng tại một số quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức và New Zealand. Được biết, trong phiên bản thử nghiệm này, SpaceX ​​cung cấp tốc độ dữ liệu cho người dùng trong khoảng từ 50 Mbps đến 200 Mbps và độ trễ từ 20ms đến 40ms.

Đến nay, SpaceX đã phóng lên quỹ đạo tầm thấp chùm vệ tinh Starlink với hơn 1.400 vệ tinh ở độ cao 550 km so với mặt đất và có kế hoạch phóng 42.000 vệ tinh vào năm 2027. Công ty hiện đang nỗ lực hướng tới việc mở rộng dịch vụ băng rộng sang một số thị trường ở Mỹ Latinh và các quốc gia khác trên thế giới.

Một công ty khác đang nỗ lực cạnh tranh với SpaceX để cung cấp dịch vụ internet băng rộng vệ tinh là OneWeb, hiện cũng đã phóng lên quỹ đạo LEO chùm vệ tinh với 182 vệ tinh ở độ cao 1.200 km so với mặt đất. Theo kế hoạch đề ra, OneWeb sẽ phóng lên quỹ đạo 648 vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet băng rộng trên phạm vi toàn cầu.

Bên cạnh SpaceX và OneWeb thì Amazon hiện vẫn chưa phóng bất kỳ vệ tinh nào lên quỹ đạo tầm thấp trong dự án Kuiper nhưng họ đặt mục tiêu sẽ phóng chùm vệ tinh với 3.236 vệ tinh lên quỹ đạo ở độ cao 550 km so với mặt đất trong tương lai gần.

Một nhà khai thác khác là Telesat của Canada cũng đã ký thỏa thuận trị giá 3 tỷ USD với công ty vũ trụ Thales Alenia Space để sản xuất chùm vệ tinh LEO. Theo dự kiến, chùm vệ tinh LEO của Telesat trong giai đoạn đầu sẽ bao gồm 298 vệ tinh hoạt động ở băng tần Ka, trong đó có 78 vệ tinh ở quỹ đạo cực, ở độ cao 1.015 km so với mặt đất và 220 vệ tinh ở quỹ đạo nghiêng, ở độ cao 1.325 km so với mặt đất. Telesat dự kiến sẽ phóng vệ tinh đầu tiên trong khoảng thời gian 2 năm tới, với chương trình thử nghiệm beta dành cho khách hàng bắt đầu ngay sau đó và các dịch vụ thương mại sẽ bắt đầu vào nửa cuối năm 2023. Dịch vụ toàn cầu được nhắm mục tiêu vào nửa cuối năm 2024. Tổng đầu tư cho dự án khoảng 5 tỷ USD.

 

Phan Văn Hòa

(Theo: telecomreview.com; prnewswire.co.uk; satellitetoday.com; businessinsider.com)