Theo thông tin từ Kênh truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) cho biết, đây là chùm vệ tinh băng rộng đầu tiên của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo LEO, mỗi vệ tinh có dung lượng 40 Gbps. Theo trang web của GalaxySpace, việc thiết kế và sản xuất 6 vệ tinh này chỉ mất thời gian 11 tháng.
Trước đó vào tháng 1 năm 2020, GalaxySpace đã phóng một vệ tinh thử nghiệm để kiểm chứng những giải pháp chưa từng có tiền lệ xem xét ảnh hưởng ra sao tới hiệu suất của vệ tinh, sử dụng các trạm thông tin vệ tinh mặt đất nằm rải rác từ vùng ven biển miền Đông Trung Quốc tới vùng núi hẻo lánh ở miền Tây.
Phát biểu trên kênh truyền hình CGTN, đồng sáng lập GalaxySpace, Chang Ming cho biết, vụ phóng chùm vệ tinh lần này chứng minh Trung Quốc có khả năng triển khai các chùm vệ tinh ở quy mô lớn (bao gồm khả năng sản xuất hàng loạt vệ tinh với chi phí thấp cũng như việc vận hành một mạng lưới vệ tinh).
Trong thời gian tới, chùm vệ tinh này hoạt động thử nghiệm nhằm đánh giá về hiệu suất và khả năng của hệ thống trong các môi trường khác nhau. Mục tiêu tiếp theo của công ty là tiếp tục phát triển chùm vệ tinh lớn hơn để cung cấp các dịch vụ internet băng rộng thương mại và nhiều dịch vụ truyền thông khác.
Theo kế hoạch, GalaxySpace sẽ phóng lên quỹ đạo LEO 1.000 vệ tinh để mở rộng vùng phủ sóng 5G trên khắp thế giới và cạnh tranh với mạng Starlink do công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk phát triển, trong thị trường cung cấp dịch vụ Internet tốc độ cao ở khu vực hẻo lánh. Chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu sẽ phát triển chùm vệ tinh với 13.000 vệ tinh trong tương lai.
Mặc dù đây được xem là con số ấn tượng, tuy nhiên nó tương đối nhỏ so với chùm vệ tinh Starlink, khi hiện tại chùm vệ tinh Starlink đã có hơn 2.000 vệ tinh trên quỹ đạo và có kế hoạch phóng thêm hàng chục nghìn vệ tinh nữa trong thời gian tới, dự kiến khi hoàn thành chùm vệ tinh Starlink sẽ đạt 42.000 vệ tinh.
Bên cạnh chùm vệ tinh Starlink của SpaceX thì Amazon cũng đã bắt đầu triển khai hoạt động Dự án Kuiper của mình. Tháng 11 năm ngoái, công ty đã xin phép Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ (FCC) để triển khai và vận hành chùm vệ tinh LEO với 7.774 vệ tinh trong thời gian tới.
Một công ty khác trong lĩnh vực này là OneWeb, nhà khai thác internet băng rộng qua vệ tinh do Chính phủ Anh sở hữu vào tháng 2 vừa qua đã phóng thành công thêm 34 vệ tinh LEO. Đến nay OneWeb đã có 428 vệ tinh trên quỹ đạo. Theo kế hoạch, OneWeb sẽ phóng lên quỹ đạo tổng cộng 648 vệ tinh để cung cấp dịch vụ internet băng rộng trên phạm vi toàn cầu.
Với các dự án phát triển chùm vệ tinh LEO của các công ty trên thế giới trong thời gian qua, các dự báo gần đây từ Công ty Tư vấn và Nghiên cứu thị trường toàn cầu về lĩnh vực vệ tinh và vũ trụ Northern Sky Research (NSR) đã dự báo rằng, thông tin vệ tinh sẽ trở thành lĩnh vực lớn nhất của nền kinh tế không gian toàn cầu về doanh thu vào năm 2030. Công ty nghiên cứu này tính toán thị trường không gian sẽ tạo ra doanh thu tích lũy 1,25 nghìn tỷ USD vào năm 2030.
Cho đến nay trên toàn cầu chỉ có chùm vệ tinh Starlink của SpaceX đã thương mại hóa dịch vụ internet băng rộng cho người dùng. Theo đó, tính đến giữa tháng 2 vừa qua, SpaceX đã thu hút được trên 250.000 người dùng tại 25 quốc gia trên thế giới.
Ngoài dịch vụ cơ bản mà SpaceX đang cung cấp cho người dùng hiện nay, gần đây SpaceX đã công bố sẽ ra mắt một dịch vụ mới có tên Starlink Premium dành cho các doanh nghiệp. Dịch vụ này sẽ bao gồm một ăng-ten hiệu suất cao và cung cấp tốc độ từ 150 đến 500Mbps, độ trễ 20 đến 40ms, trong khi tốc độ của dịch vụ cơ bản chỉ từ 50 đến 250Mbps (độ trễ 20 đến 40ms). Dịch vụ Premium cũng tăng gấp đôi tốc độ tải lên từ 20 đến 40Mbps, so với 10 đến 20Mbps của dịch vụ cơ bản.
Hiệu suất tăng đồng nghĩa với chi phí bỏ ra cũng không nhỏ. Nếu dịch vụ cơ bản có giá 499 USD cho phần cứng và cước phí 99 USD/tháng thì dịch vụ Starlink Premium bán phần cứng với giá 2.500 USD và cước phí 500 USD/tháng. Dự kiến SpaceX sẽ giao hàng vào quý 2 năm nay và các khách hàng đăng ký dịch vụ Starlink Premium sẽ phải đặt cọc trước 500 USD.
Duy Kiên (tổng hợp từ
[1]. https://telecoms.com/513965/china-enters-the-leo-space-race/
[2].https://www.forbes.com/sites/johnkoetsier/2022/02/14/starlink-hits-250000-customers-elon-musk-hints-spacex-booking-over-300-millionyear/?sh=274c67587063
[3].https://www.business-standard.com/article/international/starlink-services-now-have-250-000-users-across-25-countries-elon-musk-122021500430_1.html
[4].https://www.theverge.com/2022/2/2/22913921/spacex-starlink-premium-satellite-internet-faster-speed-expensive )